Chỗ ở trong thời gian du học luôn là một trong những vấn đề đau đầu nhất đối với phụ huynh và du học sinh. Câu thành ngữ “An cư lạc nghiệp” cũng đúng trong trường hợp này. Để du học sinh có thể an tâm học hành, trước tiên phải có một chỗ ở ổn định, an toàn, thoải mái, thuận tiện cho việc đi lại. Có rất nhiều lựa chọn về chỗ ở khác nhau, từ ký túc xá của trường, thuê nhà riêng, chung cư, thuê chung nhà với người khác và cả lựa chọn ở homestay – ở với gia đình nuôi. Riêng với các du học sinh dưới 18 tuổi tại nhiều nước, học sinh chỉ có hai sự lựa chọn: homestay hoặc ký túc xá. Chính vì vậy, nếu theo học những trường không có ký túc xá thì học sinh chỉ còn duy nhất lựa chọn homestay. Đó chính là một lựa chọn chỗ ở an toàn, thuận tiện với những du học sinh vừa mới chân ướt chân ráo xa gia đình.
Homestay là gì?
Homestay có thể được gọi là “gia đình thứ hai” khi bạn xa gia đình. Ở homestay có nghĩa là bạn sẽ được ở trong một ngôi nhà thực sự cùng với một gia đình bản xứ. Bạn sẽ trở thành một thành viên của gia đình, có phòng ngủ riêng, được sử dụng các trang thiết bị trong nhà. Một điều thú vị của việc ở homestay là sẽ không có nhà nào giống nhà nào. Có khi gia đình nuôi của bạn là một gia đình truyền thống, có bố mẹ và anh chị, nhưng có khi bạn sẽ được gặp những cặp vợ chồng trẻ chưa có con, hoặc một người độc thân và thậm chí là những người đã về hưu.
Lý do đầu tiên khiến homestay là một hình thức nhà ở thông dụng với du học sinh chính vì chi phí thấp, giúp tiết kiệm nhiều khoản hơn so với việc ở riêng. Khi ở nhà của người bản xứ, du học sinh sẽ được sử dụng các tiện nghi trong nhà như máy giặt, bếp, tủ lạnh. Thay vì phải nấu ăn riêng, ăn chung với gia đình nuôi cũng giúp bạn tiết kiệm được một khoản kha khá. Đó là chưa kể chi phí ở homestay cũng thấp hơn nhiều so với chi phí thuê nhà riêng. Đặc biệt với những học sinh mới xa gia đình còn nhiều bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm tìm nhà cũng như sắp xếp cuộc sống, ở homestay trong thời gian đầu sẽ giúp học sinh và phụ huynh có thêm thời gian tìm kiếm các lựa chọn chỗ ở khác.
Lý do thứ hai giúp homestay trở thành sự lựa chọn phổ biến với các du học sinh là khái niệm “gia đình nuôi”. Khi ở homestay, mặc nhiên bạn sẽ nhận được sự chào đón, giúp đỡ của gia đình nuôi. Họ sẽ giúp bạn thích nghi với cuộc sống mới, cùng bạn giải quyết những khó khăn nếu cần. Homestay cũng có thể được hiểu là một dạng dịch vụ, vậy nên tùy vào thỏa thuận từ đầu mà homestay có thể cung cấp các dịch vụ cơ bản như giặt quần áo, thay ga giường, nấu ăn theo yêu cầu… Và mỗi địa phương, mỗi một quốc gia lại có các quy định khác nhau dành cho homestay. Ví dụ nhưở Anh, để được gọi là một homestay đạt chuẩn, chủ nhà phải cho phép bạn giặt đồ (hay giặt đồ cho bạn) tối thiểu là một lần một tuần, phòng ngủ phải được sưởi ấm cũng như chiếu sáng đầy đủ và nhìn chung ngôi nhà phải sạch sẽ gọn gàng. Chính vì vậy, với những bạn chưa quen phải tự lập hay còn hơi thụ động thì homestay được xem là lựa chọn phù hợp nhất. Ngoài phòng ngủ của mình, bạn sẽ không phải dọn dẹp quá nhiều, không phải nấu ăn (ăn sáng và tối ở nhà, còn ăn trưa ở trường)… Và quan trọng nhất là ít ra bạn biết mình có những người thân đang ở bên cạnh để giúp đỡ mình trong những ngày tháng xa nhà.
Lý do cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc ở homestay sẽ giúp các bạn tìm hiểu thêm về văn hóa bản xứ. Chỉ cần nhìn cách sống của những người trong nhà, cùng giúp gia đình dọn dẹp và chuẩn bị cho những ngày lễ, cùng gia đình đi chơi vào những ngày cuối tuần… đó là những dịp tốt nhất để tìm hiểu và trở thành một phần của văn hóa bản địa. Thậm chí nếu bạn bị sốc văn hóa, gặp những mâu thuẫn khó giải quyết với bạn bè và thầy cô vì lý do khác biệt văn hóa, gia đình nuôi cũng sẽ đưa ra những lời khuyên giúp bạn giải quyết các vấn đề này. Đó là chưa kể việc trò chuyện với các thành viên trong gia đình nuôi cũng giúp bạn trau dồi khả năng ngoại ngữ cũng như giao tiếp.
Homestay có dành cho bạn?
Tưởng là có rất nhiều điểm mạnh như thế nhưng thường các du học sinh cũng chỉở homestay trong một vài năm đầu hay là đến khi học hết trung học. Vì khi bạn đã trưởng thành và tự lập hơn thì cũng là lúc homestay không còn là nơi ở phù hợp. Bỗng chốc bạn cảm thấy muốn tự sắp xếp, xây dựng cuộc sống của mình và việc phải sống chung, để ý đến người khác làm bạn cảm thấy mất tự do. Thật vậy, khi sống chung với người khác, lại là sống ở nhà của họ, ít nhiều bạn phải theo nếp sống đã có sẵn.
Ngọc Thảo, du học sinh tại Boston (Mỹ) chia sẻ: “Hai năm ở với gia đình nuôi sẽ là một kỷ niệm khó quên của tôi vì có rất nhiều niềm vui. Một trong những điều mà tất cả các bạn ở homestay phải làm chính là quan sát, để ý, biết sống sao cho tế nhị thì cuộc sống ở homestay mới vui vẻ được. Đây là một điều rất tốt, giúp tôi trưởng thành hơn từ một cô “tiểu thư” khi còn ở nhà luôn được chiều chuộng, đến một người biết sống vì các thành viên khác trong gia đình nhiều hơn. Nhà tôi có đến năm người nhưng chỉ có ba nhà vệ sinh nên tôi đã tập được thói quen dậy sớm để vệ sinh cá nhân trước. Cuối tuần, tôi cũng hay xung phong giúp gia đình nuôi dọn dẹp lá ngoài vườn và giúp em trai nuôi học toán. Chính vì vậy mà gia đình nuôi rất thương tôi, thường dẫn tôi đi chơi, nấu những món tôi thích cũng như giúp đỡ tôi rất nhiều trong cuộc sống.
Tuy nhiên, khi lên đại học, tôi vẫn quyết định sẽ ra ở riêng. Vì dù gì ở với gia đình nuôi tôi cũng sẽ không thể nào được tự do như mình muốn. Tôi hiện đang ở trọ cùng với hai chị du học sinh người Việt nên thoải mái mà nấu ăn bằng nước mắm, ăn các loại thức ăn mang từ Việt Nam sang. Những lúc phải về muộn do đi học, đi chơi tôi cũng cảm thấy thoải mái hơn. Tuy vậy vì sống cùng thành phố nên tôi vẫn hay về chơi với gia đình nuôi.
Ở homestay tưởng chừng giúp cuộc sống của bạn thoải mái hơn nhưng nếu không biết sống ý nhị, việc ở homestay sẽ càng làm bạn có thêm nhiều áp lực. Tôi vì biết cách cư xử nên có quan hệ rất tốt và thân thiết với gia đình nuôi nhưng không phải bạn nào cũng như vậy. Có những bạn quen thói ỷ lại người nhà, lại nghĩ rằng mình đã trả tiền để được gia đình nuôi “giúp đỡ” nên có cách cư xử không hay, có lối sống bừa bộn. Gia đình nuôi tuy có một số “nghĩa vụ” nhất định nhưng họ vẫn là người chủ của ngôi nhà bạn đang sống. Tôi cũng biết nhiều trường hợp các bạn và gia đình nuôi bất đồng dẫn đến việc phải chuyển nhà, thậm chí là trả về nước khi chuyển nhà nhiều lần mà vẫn bị than phiền. Vì vậy hãy biết quan sát, để ý đến những người xung quanh. Nếu không biết thì hãy hỏi, nếu gặp những bất đồng trong cuộc sống thì hãy chủ động nói chuyện với gia đình nuôi để tìm cách giải quyết”.
Nhật Hà (DNSGCT)