Cuối cùng thì Quốc hội Hy Lạp hôm 16-7 đã phải thông qua những biện pháp cải cách khắc nghiệt theo yêu cầu của chủ nợ quốc tế – với 229 phiếu thuận và 64 phiếu chống – để đổi lấy gói cứu trợ mới trị giá 96 tỉ USD.
Một ngày sau đó, trong một nỗ lực nhằm chứng minh cho các chủ nợ quốc tế thấy vẫn đang kiểm soát được nội các, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã cách chức 10 thành viên nội các, trong đó có các bộ trưởng và thứ trưởng, những người đã bỏ phiếu chống đối với những biện pháp cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ của Hy Lạp.
Một số biện pháp mà Quốc hội Hy Lạp vừa bỏ phiếu thông qua bao gồm tăng thuế, xem lại hệ thống hưu trí, nâng độ tuổi hưu trí lên 67 tuổi để ngăn người dân nghỉ hưu sớm, bảo đảm sự độc lập của các cơ quan thống kê quốc gia, đáp ứng mục tiêu ngân sách và cắt giảm chi tiêu.
Những cuộc biểu tình đã trở thành bạo lực trước tòa nhà Quốc hội Hy Lạp ở Athens trước thời điểm cuộc bỏ phiếu được tiến hành, với hàng chục quả bom xăng ném vào lực lượng cảnh sát và được đáp trả bằng đạn hơi cay. Đây là một trong những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất trong hai năm qua ở Hy Lạp.
Những người chống lại gói cứu trợ cho hay họ muốn rời khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và quay lại với đồng drachma hơn là chấp nhận những điều khoản khắc khổ trên.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng thừa nhận ông không tin tưởng vào các biện pháp áp đặt lên đất nước nhưng vẫn sẽ theo đuổi chúng để bảo đảm gói cứu trợ thứ ba.
Quốc hội đồng thuận là bước đầu tiên để tiền cứu trợ chảy về Athens. Sắp tới, Quốc hội nước này sẽ tiếp tục bỏ phiếu về vòng tiếp theo của các biện pháp cải cách.
Ngoài Hy Lạp, các nước trong eurozone khác như Đức và Phần Lan cũng cần sự chấp thuận của Quốc hội để cho Hy Lạp vay thêm tiền.
Đ.N (DNSGCT)