Ăn côn trùng không còn là chuyện lạ lùng ở một số nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), đặc biệt là tại Campuchia, Thái Lan, nhưng để côn trùng được coi là một loại thực phẩm chẳng phải là chuyện dễ dàng gì ở phương Tây. Tuy nhiên đã có những nỗ lực để cải thiện tình hình đó, điển hình là sự ra đời của các điểm bán món ăn từ côn trùng như Don Bugito ở San Francisco.
Sống ở Mỹ đã mười năm nhưng nữ nghệ sĩ gốc Mexico Monica Martinez vẫn luôn quan tâm đến nguồn gốc các loại thực phẩm mà cô sử dụng cho bữa ăn hằng ngày, đến độ có người cho rằng Monica còn muốn tự nuôi cả bò để lấy sữa.
Tất nhiên cô chẳng thể làm thế vì mảnh vườn nhà cô ở San Francisco rất khiêm tốn. Thay vì nuôi gia súc quá to là bò, Monica Martinez đã giảm tỷ lệ vật nuôi xuống còn… tí tẹo: nuôi ấu trùng của các loại côn trùng phá hoại ngũ cốc để có một nguồn thực phẩm giàu chất đạm mà giá lại rất rẻ. Để nuôi đám ấu trùng đó, cô thiết kế một loạt “chuồng” xinh xinh, theo phong cách kiến trúc Bauhaus hẳn hoi, đặt tên Đức là Wurmhauses (Nhà nuôi ấu trùng).
Năm 2010, Martinez còn tổ chức triển lãm Wurmhauses tại một gallery ở Brooklyn (New York), và để triển lãm thu hút người xem cô đã đặt một nhà hàng gần đó làm một bữa tiệc với các món ăn được chế biến từ côn trùng. Bữa ăn được thực khách hết sức hài lòng, thậm chí còn thành công hơn cả triển lãm Wurmhauses.
Không còn chọn lựa nào khác cho người phương Tây
Thuở còn là một đứa trẻở quê nhà, Monica Martinez đã nhiều lần thưởng thức các loại ấu trùng bị nướng chín dưới ánh mặt trời thiêu đốt của Mexico, nên việc nuôi những thứấu trùng ăn được đối với cô thật tự nhiên, như trở về với những năm tháng tuổi thơ.
Tuy nhiên, trước khi nuôi chúng, cô phải thuyết phục người Mỹ hay nói chung là người phương Tây sao cho họ coi đó là thực phẩm. Chỉ có cách phục vụ họ bằng những đĩa thức ăn chế biến từ côn trùng nhưng thật hấp dẫn khẩu vị.
Thế rồi vào năm ngoái, Martinez đã khai trương Don Bugito, một cửa hàng ăn lưu động bán nhiều món ăn đã mau chóng được thực khách ưa thích, trong đó có món bánh taco truyền thống của người Mexico nhưng nhân bánh thay vì được làm từ thịt bò, thịt heo, cá, thịt gà, nước xốt cà chua, nấm, ớt… thì được thay bằng nhộng bướm đêm chiên giòn thơm phức và béo ngậy, hoặc món kem vani bên trên rắc ấu trùng ngào đường.
Nhiều khách hàng của Don Bugito lần đầu tiên nếm thử những con nhộng hay côn trùng đã hết sức ngạc nhiên khi thấy “hương vị của chúng thật hấp dẫn và thật giòn, ngon” – bà chủ Martinez của Don Bugito đã bật cười khi kể lại điều thú vị ấy.
Với sự ra đời khá bất ngờ của những hàng ăn như Don Bugito ở nhiều nơi trên đất nước Mỹ, những thực khách say mê ăn côn trùng tin rằng loại thực phẩm ấy rồi sẽ xuất hiện trong thực đơn mang phong cách phương Tây và trên kệ các siêu thị tại Mỹ trong tương lai không xa. Thật ra, một bản phúc trình của Tổ chức Lương – Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố hồi tháng 5-2013 cho rằng người phương Tây rồi sẽ không còn lựa chọn nào khác để được no lòng ngoài côn trùng.
Bản phúc trình còn cảnh báo: khi mà các đại dương đã cạn nguồn hải sản vì bị đánh bắt quá mức cho phép và đất trồng các loại cây lương thực ngày càng bị thu hẹp thì người phương Tây phải mở cả tâm hồn lẫn mồm miệng đón nhận nguồn thực phẩm khổng lồ là côn trùng (con số mà FAO đưa ra là 1018) đang sống chung quanh con người, hoặc bay vù vù trên không, hoặc bò lúc nhúc trên mặt đất hay luồn lách dưới mặt đất vào bất kỳ thời điểm nào.
Trong tháng 5-2014, FAO đã tổ chức một cuộc hội thảo quốc tếở Hà Lan nhằm cổ súy cho việc đưa côn trùng thành thực phẩm cho loài người cũng như để chăn nuôi gia súc, coi đó là một biện pháp cấp thiết để chống lại nạn đói toàn cầu.
Nuôi côn trùng có lợi hơn nhiều so với gia súc
Trước các khuyến cáo của FAO, đã có những tín hiệu lạc quan. Nhờ phong trào thích nấu nướng và thưởng thức các món ngon mà lạ phát triển rất nhanh tại nhiều nước trên thế giới, nay thì các món ăn chế biến từ côn trùng đã bắt đầu được đưa vào thực đơn các nhà hàng sành điệu cũng như các nhà hàng theo phong cách ẩm thực truyền thống.
Với những nơi chốn mà người dân chưa dám mạnh mẽ dấn mình vào các cuộc phiêu lưu ẩm thực với côn trùng, đã có cách làm “thỏa hiệp”: côn trùng được xay rồi trộn vào bột để làm các loại bánh thay vì trực tiếp đưa chúng lên bàn ăn. Về mặt dinh dưỡng, các chuyên gia về lương thực – thực phẩm của FAO đã khẳng định: một số loài ấu trùng có lượng protein cao gấp bốn lần thịt bò có cùng trọng lượng, và bốn chú dế cho lượng calcium bằng một ly sữa.
Thêm nữa, nuôi côn trùng còn hết sức kinh tế: để có 1kg thịt bò phải tốn 10kg thức ăn chăn nuôi trong khi với lượng thức ăn đó sẽ cho con người 9kg côn trùng. Nuôi côn trùng cũng không tốn nhiều đất và nước như nuôi gia cầm, gia súc: để có một lượng côn trùng tương đương với thịt bò, chỉ cần 1/10 diện tích đất nuôi bò.
Sau khi khuyến khích những thực khách phương Tây còn e ngại, thậm chí kinh hãi, chưa dám thưởng thức món ăn chế biến từ côn trùng, những người khi ngồi trước đĩa thức ăn lổn nhổn sâu bướm hay dế chiên giòn như thể “sắp sửa bước vào một trận chiến cam go”, nhà côn trùng học Mark Hoddle thuộc Đại học Riverside ở California tin rằng côn trùng rồi sẽ là một dạng thức ăn ngon và mới lạ tại Mỹ và châu Âu.
Đứng trước những vấn nạn toàn cầu về bùng nổ dân số và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn dần, thái độ của người phương Tây đối với thực phẩm – côn trùng đã nhanh chóng thay đổi. Nếu nhưở châu Âu do khí hậu lạnh nên không có nhiều loại côn trùng thì ngược lại, ở châu Á, châu Phi và vùng Nam Mỹ, Trung Mỹ quanh năm luôn dày đặc các loại côn trùng.
Và theo ông Mark Hoddle, đã có 2 tỉ người trên Trái đất từ lâu rồi đã coi côn trùng như thức ăn chính hoặc như cao lương mỹ vị. Côn trùng là một nguồn thực phẩm gần như bất tận ở các nước thuộc Thế giới thứ 3. Không giống như vi trùng và vi khuẩn có thể gây bệnh cho người cũng như cho gia súc, gia cầm, mầm bệnh từ côn trùng khác hoàn toàn với mầm bệnh của người, khiến chúng rất ít có khả năng gây bệnh nguy hiểm cho con người. Chúng ta cứ thoải mái mà đánh chén chúng!
Trở lại với câu chuyện hào hứng của Don Bugito, dù chưa biết bao giờ thì các loại thực phẩm làm từ côn trùng sẽ được đưa vào các trung tâm mua sắm tổng hợp tại Mỹ như Costco chẳng hạn, Monica Martinez vẫn tin vào tương lai của côn trùng: “Tôi nghĩ người ta đã sẵn sàng. Chúng tôi đã sẵn sàng cho sự thay thế nguồn đạm sắp tới cũng như cho sự có mặt của nguồn đạm sắp tới đó trên thị trường”.