Cuộc nội chiến ở Syria khởi phát cách đây bốn năm, khi các nhà hoạt động vì dân chủ đối đầu với chính quyền của Tổng thống Bashar ai-Assad. Ngày nay, Syria là chiến trường của bốn nhóm vũ trang riêng rẽ và tác động mạnh lên tình hình của nhiều nước khác trong vùng. Tính đến tháng 1-2015, mức thương vong trong cuộc nội chiến này đã lên đến con số 1.060.000 người, trong đó có 220 ngàn người tử vong. Điều đáng lo ngại nhất là những di chứng mà cuộc xung đột các phe phái in hằn lên cuộc sống của hàng triệu trẻ em Syria. Trong một thông cáo báo chí công bố tại thủ đô Amman của Jordan ngày 2-7-2015, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và tổ chức Cứu giúp Trẻ em (Save the Children) nêu rõ: “Trẻ em Syria đang trả giá đắt cho việc thế giới đã thất bại trong mục tiêu chấm dứt cuộc xung đột”. Bản báo cáo cho thấy trong hơn ba phần tư số hộ được điều tra, trẻ em đã phải nai lưng ra làm việc để đóng góp vào cuộc sống gia đình. Tại Jordan, gần 50% trẻ tỵ nạn là người đóng góp hoặc là trụ cột duy nhất của gia đình, trong khi ở nhiều nơi tại Lebanon, trẻ tỵ nạn đã phải lao động khi mới sáu tuổi. Nguy cơ lớn nhất mà chúng có thể gặp phải là bị cuốn vào cuộc xung đột vũ trang, bị khai thác tình dục hay rơi vào các tổ chức bất minh như tổ chức đi ăn xin, mua bán trẻ em…
Hậu quả thấy rõ nhất tại Syria là từ một đất nước có thu nhập trung bình cách nay bốn năm, đời sống người dân khá thoải mái, tỷ lệ người biết chữ trên 90%, thì nay 80% người dân Syria sống dưới mức nghèo khổ và 7,6 triệu người phải rời bỏ chỗở vì chiến cuộc. Các thành phố và thị trấn trên đất nước này tràn ngập người tỵ nạn, thương mại và công nghiệp bị suy sụp khiến tỷ lệ người thất nghiệp đã từ 14,9% vào năm 2011 tăng lên 57,7% hiện nay. Theo ước tính của Cơ quan Tỵ nạn LHQ, khoảng 3,3 triệu người Syria đã rời bỏ đất nước, sống lây lất trong các trại tỵ nạn ở các nước láng giềng, trong đó trên 50% là phụ nữ và trẻ em. Có 64,7% số người tỵ nạn trong nước sống trong tình trạng “cực nghèo”, không có được những thực phẩm và điều kiện vệ sinh cơ bản nhất. Tại Jordan, phần lớn trẻ em tỵ nạn người Syria phải lao động 6-7 ngày/tuần và một phần ba phải làm việc quá 8 tiếng mỗi ngày. Trong khi đó, thu nhập trung bình của chúng chỉ trong khoảng 4-7 USD/ngày. Mặt khác, theo các cuộc điều tra y tế gần đây, khoảng 75% trẻ em tại các trại tỵ nạn ở Jordan đã phải lao động kiếm tiền, trong số này, có đến ba phần tư gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, gần 40% bị thương tật, bệnh hoạn hay sức khỏe kém; 35,8% trẻ Syria làm việc tại thung lũng Bekaa của Lebanon không biết đọc hay viết. Chúng phải làm quần quật như người lớn nhưng thay vì nhận được khoản lương 10 USD/ngày như người lớn, thì chúng chỉ nhận được 4 USD/ngày. Trong hai thành phố lớn của Lebanon, có 1.500 trẻ em lao động đường phố thì trong đó có đến 73% là trẻ em người Syria. Theo UNICEF, tình trạng lao động trẻ em “biểu thị một trong những thách thức quan trọng trong việc thực thi sáng kiến ‘không một thế hệ nào bị bỏ quên’” được phát động từ năm 2013, trong đó thế giới đặt quyền trẻ em và giáo dục trẻ em vào trọng tâm của những vấn đề nhân đạo trong cuộc khủng hoảng tại Syria.
Minh Chiếm tổng hợp (DNSGCT)