Trong báo cáo thường kỳ tháng 6-2015, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã nhấn mạnh tới bốn khó khăn nổi bật mà nền kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt trong nửa cuối năm 2015, cho dù ấn tượng trong nửa đầu năm là khá tích cực.
Khó khăn thứ nhất chính là nhập siêu tăng, nguyên nhân do xuất khẩu tăng chậm và nhập khẩu tăng nhanh. Tính chung sáu tháng đầu năm nhập siêu ước tính lên đến 3,75 tỉ USD. Nếu tính riêng năm tháng đầu năm 2015 thì tốc độ tăng xuất khẩu chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2014 (7,3% so với 15,4%).
Trong khi đó, tốc độ tăng nhập khẩu năm tháng đầu năm 2015 lại cao gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2014 (15,8% so với 9,6%).
Khó khăn thứ hai là khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng chậm lại. GDP của khu vực này trong sáu tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 2,16%, thấp hơn mức 2,96% của cùng kỳ năm 2014.
Thứ ba là thu ngân sách nhà nước tăng chậm. Lũy kế đến ngày 15-6, tổng thu ngân sách nhà nước chỉ tăng 7,8%, ít hơn so với cùng kỳ năm 2014 (tăng 16,2%). Nguyên nhân là do thu từ dầu thô đến thời điểm vừa nói chỉ đạt 35% dự toán, giảm 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ tư, đáng chú ý là kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ đang gặp khó khăn, tính đến giữa tháng 6 chỉ đạt 71.950 tỉ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2014. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên nhân chủ yếu là việc chỉ phát hành trái phiếu kỳ hạn từ năm năm trở lên kể từ năm 2015 làm cho nhà đầu tư khó dự đoán biến động lãi suất và thu xếp nguồn vốn cho kỳ hạn đầu tư dài hơn trước trong bối cảnh lạm phát năm nay thấp nhất trong 10 năm gần đây. Đó là chưa kể nhà đầu tư đòi hỏi lãi suất cao hơn mức lãi suất chào bán của kho bạc nhà nước và nhu cầu thấp về trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, để hoàn thành kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ năm 2015 thì việc tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là rất cần thiết.
Gia Minh (DNSGCT)