Quốc hội đã kết thúc tuần làm việc thứ tư (trong kỳ họp diễn ra từ 28-5 đến 26-6) với điểm nhấn là hai ngày rưỡi chất vấn các thành viên Chính phủ. Bốn vị Bộ trưởng và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời trên 200 chất vấn của đại biểu Quốc hội, bao quát hầu hết các vấn đề kinh tế – xã hội của đất nước. Hàng loạt vấn đề kinh tế – xã hội dân sinh bức xúc đã được đặt ra, từ những vấn đề mới nổi lên như hạn hán, tiêu thụ nông sản khó khăn, tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan; giá điện, giá xăng tăng nhanh, gây sức ép đối với chỉ số giá tiêu dùng, lo lắng của phụ huynh về các kỳ thi tuyển sinh, băn khoăn của giáo viên về cách đánh giá học sinh ở bậc tiểu học… cho đến những vấn đề lớn, có tính chiến lược lâu dài như giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, cơ hội và thách thức khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đổi mới toàn diện giáo dục, ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống…
Sau khi bốn vị bộ trưởng đã trả lời chất vấn, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo và giải trình thêm một số vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm, đồng thời trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội về tình hình tham nhũng, vụ chặt cây xanh ở Hà Nội, vụ lấn sông Đồng Nai, tình hình nợ công, cải cách hành chính, đạo đức công vụ…
Có thể nói, những câu hỏi chất vấn tại kỳ họp này phản ánh thực tiễn cuộc sống, những vấn đề mà cử tri và người dân cả nước quan tâm. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu đổi mới phương thức chất vấn, làm sao không quá ôm đồm. Khi chọn xong vấn đề, phần trao đổi phải có đối thoại để làm rõ hơn bản chất vấn đề và bàn thêm giải pháp tháo gỡ mạnh mẽ và khả thi. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) còn nhận xét là “Chưa bộ trưởng nào trả lời khiến tôi hài lòng. Nếu chỉ là nhận trách nhiệm và hứa sắp tới sẽ sửa chữa chứ không chỉ rõ thời gian cụ thể nào sẽ sửa thì ai cũng có thể nói được”.
Trước đó, trong cuộc gặp mặt báo chí (9-6), trả lời những câu hỏi liên quan đến việc mua lô tàu Trung Quốc cho tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông nên bị dư luận phản ứng gay gắt, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết dự án được thực hiện theo hiệp định được ký giữa chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2008. Theo hiệp định đã ký, Trung Quốc là nước cho vay thông qua ngân hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc, đồng thời hiệp định cũng có nhiều điều kiện ràng buộc khác, nên “không thể muốn thay đổi là có thể thay đổi được”. Bộ trưởng cũng giải thích, không chỉ riêng đối với Trung Quốc, các dự án ODA của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác cũng đều phải thực hiện theo nguyên tắc tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công, cung cấp vật liệu thiết bị cũng phải là nhà thầu của các nước tài trợ vốn.
Ly Lam (DNSGCT)