Người xưa nói vậy cấm sai, thậm chí có ông còn tuyên bố: “Vợ ta ta sợ có gì xấu? Sợ vợ tay hàng xóm mới… cháy nhà!”, không chỉ để khẳng định một điều, “vợ luôn luôn đúng” mà hạnh phúc khi có được “cồng bà”. Trong gia đình, vậy là khỏi bàn cãi, thế còn trong công ty thì sao? Cũng thế!
Giám đốc trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài về kế thừa công ty của cha với khoảng 150 lao động. Mất hai năm để học và quen việc, anh quyết định cải tiến năng suất của công ty nhằm tăng sức cạnh tranh thị trường nước ngoài bằng hai tiêu chí: chất lượng và thời gian giao hàng (tất nhiên giá cả phải hợp lý so với đối thủ cạnh tranh).
Mời chuyên gia về đào tạo, thành lập nhóm chất lượng, sắp xếp lại sản xuất… Dự án khởi động ì ạch bởi con người quen nếp bao lâu nay, ngại thay đổi. Cứ cách làm cũ, chủ yếu dựa vào đơn hàng từ phòng kinh doanh, có nhiều làm nhiều, ít làm ít. Một chính sách khen thưởng (bằng tiền) được đặt ra. Đạt chỉ tiêu được thưởng, không đạt không thưởng.
- Xem thêm: Ai dũng cảm hơn?
Loạt quy trình được ban hành kèm thêm có thưởng nếu giám đốc thấy cá nhân/bộ phận tuyệt đối tuân thủ. Tuy có biện pháp chế tài nhưng sau sáu tháng thực hiện, dự án được đánh giá ở mức “nâng cao nhận thức” đã là tốt rồi. Tất nhiên, giám đốc trẻ không hài lòng, anh vẫn thấy chậm chạp. Nhất là khâu sắp xếp, tổ chức nhà xưởng và tuân thủ quy trình mua hàng.
Thế rồi, một ngày, mọi người thấy vợ giám đốc xuất hiện ở công ty. Sếp công bố với các phòng, vợ sếp phụ trách vật tư, quy trình sếp ban hành trước đây được rà soát, chỉnh sửa. Chính tay vợ sếp giám sát việc mua hàng. Mọi thứ dần vào nề nếp với… không ít lời ta thán từ nhân viên.
“Tốn quá nhiều giấy tờ, qua mấy khâu kiểm tra”, “Mua một món hàng phải thương lượng giá đến ba lần, phải có chứng cứ thương lượng giá”… Rồi cũng dần đi vào nề nếp và ai làm tốt, vợ đề đạt sếp thưởng nóng, ai không làm tốt, trước tiên phê bình, tái phạm trừ vào lương.
Rồi vợ sếp làm cuộc “cách mạng kho” khi thủ kho vừa nghỉ hưu. Kho có cả ngàn mặt hàng từ bù-lông, ốc vít cho đến sắt thép. Không sao, mọi thứ dọn hết ra ngoài, kiểm đếm từng con ốc. Vợ sếp yêu cầu trang bị loạt thùng nhựa, khay đựng vật liệu, thêm chi phí tốn kém như: lương công nhân (phải bỏ hết mọi việc để dọn kho), không thành vấn đề, miễn sao mọi thứ ngăn nắp, hợp lý, khoa học. Quan trọng hơn, vợ sếp nắm được con số tồn kho thực tế. Tài sản là đó chứ đâu!
Lệnh “sếp bà”, ai dám cãi? Một tuần liền chỉ làm việc dọn kho và sắp xếp, phòng kế toán phải tham gia kiểm đếm để nhập số liệu thực tế vào máy tính. Thôi thì đủ màn ta thán của nhân viên (tất nhiên là nói sau lưng), cuộc cải tổ nào mà không có tiếng khen, chê?
Nhờ quyết tâm của “sếp bà”, cái kho với mọi thứ hầm bà lằng từ hai chục năm được lôi ra hết, lau dọn lại sạch sẽ. Thủ kho mới được đích thân “sếp bà” đào tạo. Mọi thứ ngăn nắp trật tự sau đúng ba tuần, xuất nhập theo quy trình, quy định thời gian xuất kho, mua vật tư không dư không thiếu đúng kế hoạch, không ai được phép vào kho nếu không có lệnh…
- Xem thêm: Trong mỗi phụ nữ có một… Hitler?
Hết kho nguyên vật liệu đến kho bán thành phẩm và thành phẩm. Thêm hai tuần nữa, sếp nắm được chính xác con số thực tế tài sản tồn kho. Và căn cứ vào đó làm kế hoạch “tối thiểu”, “tối đa” cho nguyên vật liệu, thành phẩm…
Chuyên gia tư vấn đến cũng phải tấm tắc xuýt xoa, chỉ có quyết tâm của “sếp bà” mới được như thế, nếu không thì chẳng ai làm được, dù có nghĩ ra bao thứ cao siêu đến đâu! Mọi thứ đi vào nề nếp. Lời ta thán của nhân viên vẫn có nhưng “quân lệnh như sơn”, thưởng/phạt cứ thế mà thi hành.
Tất nhiên, “sếp ông” cũng thầm khâm phục vợ mình. Bao nhiêu khẩu hiệu, quyết định, quy trình ban hành không “xi-nhê”, chỉ có quyết tâm của “bà nhà” mới làm nên chuyện. Lệnh ông không bằng cồng bà là thế!
Tất nhiên, ý nghĩa nằm ở chỗ tích cực khi vợ phụ một tay, hậu thuẫn cho chồng trong việc phát triển công ty. “Chống chỉ định” với can thiệp quá sâu của vợ có nguy cơ làm hỏng sự nghiệp của chồng.