Hôm nay, khi nhận được giấy báo có một kiện hàng gửi cho mình tại bưu điện gần nhà, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Lý do không phải vì tôi háo hức muốn mặc thử những chiếc áo thun đặt mua trên mạng mà là vì cuối cùng bưu phẩm đã đến. Một trong những điều bực bội nhất mà những người nước ngoài sống ở ViệtNam đều cảm thấy đó là những phiền toái về dịch vụ bưu điện. Hãy để tôi giải thích điều này. Với một người nước ngoài, hệ thống bưu điện ViệtNamthật kỳ lạ và không thể hiểu nổi như khoa học về tên lửa với học sinh lớp sáu hoặc luật lệ môn cricket với một ông nông dân ViệtNam. Chúng ta đều biết có rất nhiều nhân viên ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn. Tôi hình dung họ ngồi bên các kiện hàng chưa mở, mặc đồng phục bưu điện, dán tem, phân loại các phong bì và quyết định không phải là khi nào cần phát các gói hàng mà là liệu có nên phát hay không. Điều này có vẻ kỳ lạ nhưng trên thực tế tôi đã được nghe quá nhiều câu chuyện về những kiện hàng mất tích một cách bí ẩn vì bưu điện. Hãy lên các diễn đàn online của người nước ngoài tại Việt Nam như Phú Mỹ Hưng Neighbours và vào bất kỳ ngày nào, bạn có thể đọc thấy những dòng tâm sự thể hiện sự bực bội về các lá thư, món quà và kiện hàng không đến nơi. Nếu bạn gửi một gói hàng đến ViệtNam, một trong các khả năng sau có thể xảy ra:
Khả năng 1: Bưu kiện của bạn không bao giờ đến. Đây là điều có thật nên đừng ngạc nhiên khi nó xảy ra. Hãy xem chuyện này như một mối tình tan vỡ và đừng đào sâu chuyện đó nữa. Quên nó đi và tiếp tục vui sống. Cuộc đời rất ngắn, vì vậy không nên phí thời gian để phàn nàn về một gói bánh Kit-Kat hay chocolate Crunchie bị thất lạc không biết từ đâu.
Khả năng 2: Bưu kiện đến nơi nhưng vào một lúc nào đó trong năm sau. Điều này thường xảy ra. Tôi nghĩ ai đó ở bưu điện muốn giữ hàng của bạn cho đến khi bạn quên khuấy mất là bạn đang đợi nó. Điều này thật phiền toái, nhất là khi trong kiện hàng của bạn có thực phẩm hoặc hàng hóa có thể bị quá hạn. Tôi từng chờ nhận một gói quà được cha mẹ mình gửi cho từ Nam Phi, trong đó có những thứ thức ăn ưa thích của tôi như chocolate, thịt khô, xúc xích, gia vị và một chai rượu. Hàng tháng sau gói hàng mới đến nơi (dù cha mẹ tôi gửi chuyển phát nhanh). Khi tôi nhận được quà, tất cả mọi thứ đều không thể ăn được nữa. Thứ duy nhất còn có thể sử dụng được, đó là chai rượu. Tất nhiên rượu để càng lâu thì càng ngon.
Khả năng 3: Bưu kiện của bạn đến nơi nhưng đã bị lục lọi. Đây là điều hay gặp nhất. Hai năm trước đây tôi tự gửi cho mình một kiện hàng từ Úc, trong đó có quần áo, tài liệu dạy tiếng Anh và một số đồ dùng cá nhân. Tám tháng sau, gói đồ của tôi đến nơi nhưng có dấu hiệu bị xé ra và xáo trộn. Chắc chắn gói hàng này đã bị kiểm tra rất kỹ. Tất cả mọi thứ vẫn còn trong thùng, trừ một số sách dạy tiếng Anh. Tôi bực bội mất một lúc, nhưng rồi tôi lại nghĩ biết đâu có nhân viên bưu điện nào đó trở nên giỏi tiếng Anh hơn nhờ “món quà” của tôi.
Khả năng 4: Kiện hàng của bạn đến nơi nhưng bạn phải trả thêm tiền mới lấy được. Tôi phải trả thêm 550.000 đồng tiền thuế cho gói hàng áo thun mà tôi mới nhận được. Một điều tôi học được từ việc này, đó là nếu muốn chắc bưu điện không bắt bạn đóng tiền thuế nhiều hơn cả giá trị gói hàng thì hãy ghi rõ giá tiền của hàng hóa phía ngoài kiện hàng.
Khả năng 5: Gói hàng của bạn đến đúng thời gian và còn nguyên vẹn.
Để tránh những phiền nhiễu do bưu điện gây ra, những người nước ngoài sống ở Việt Nam thường nhờ bạn bè, người thân hoặc những người quen qua Việt Nam chơi mang theo đồ cho họ. Tôi biết viết ra những điều này cũng chỉ để đỡ cảm thấy bực mình thôi chứ khó mà thay đổi được thực tế. Bạn có thể làm được gì? Chẳng lẽ lại viết một lá thư phàn nàn gửi bưu điện và hy vọng họ sẽ nhận được nó? Ồ chúc may mắn nhé.
Lê Tâm dịch