Một trong những nguyên nhân gây xung đột lớn nhất của các mối quan hệ là sự khác nhau về giá trị và thói quen khi đề cập đến tài chính, đặc biệt là trao đổi thông tin giữa hai vợ chồng về vấn đề tiền bạc. Tuy nhiên, bạn có thể thảo luận điều này một cách bình tĩnh thay vì tranh luận, bằng những cách sau:
Hiểu cách chi tiêu của nhau
Mỗi người có thói quen chi tiêu khác nhau. Thông thường, một người chi tiêu tiết kiệm còn người kia ngược lại, điều này có thể dẫn đến mâu thuẫn. Tuy nhiên, nếu cả hai dành thời gian để đánh giá và tìm hiểu cách chi tiêu của nhau, vấn đề tài chính sẽ thoải mái hơn, từ đó việc trao đổi thông tin càng cởi mở và mỗi người sẽ đóng góp ý kiến hay hơn.
Bày tỏ quan điểm
Cần cố gắng hiểu quan điểm của nhau về tiền bạc. Bạn đời có thể nghĩ đơn giản rằng tiền bạc là nhu cầu cần thiết cho hiện tại, còn bạn lại cho rằng tiền bạc là phương tiện bảo đảm cho tương lai. Sự khác nhau này dường như không có gì nghiêm trọng nhưng chúng ảnh hưởng đến các quyết định liên quan đến tiền bạc. Vì thế, nếu thông cảm quan điểm tài chính của bạn đời thì ngay từ đầu, bạn sẽ không cảm thấy sốc và tìm thấy sự thỏa hiệp đáp ứng được nhu cầu từ hai phía.
- Xem thêm: Khi vợ chồng có thu nhập chênh lệch
Nhận thức rằng, tài chính cũng là cảm xúc
Điều này nghe có vẻ thừa nhưng rất cần thiết, bởi ngân sách và mối quan hệ của hai người là không giống nhau. Khi thảo luận về tiền bạc, cần thừa nhận những lý do cảm xúc đối với các quyết định tài chính. Vậy, làm thế nào có được cảm xúc này?
Quan trọng là cả hai cần giữ bình tĩnh, tránh thái độ tức giận và cố gắng nhìn nhận những vấn đề một cách khách quan. Thông thường, tài chính liên quan đến mọi loại cảm xúc. Nếu tâm trạng không tốt, hãy dừng lại và hít thở, bởi đây là cuộc thảo luận cởi mở giữa hai người chứ không phải của cá nhân.
Bàn thảo định kỳ mỗi tuần
Đây là điều quan trọng nhưng nhiều cặp vợ chồng thường bỏ qua. Cuộc bàn thảo mỗi tuần sẽ là lúc vợ chồng cùng ngồi lại để trao đổi về tài chính. Bạn có thể xem lại tài khoản của mình, kế hoạch chi tiêu, phát sinh tài chính trong những tuần tiếp theo, v.v… Hãy chắc chắn rằng, cả hai dành thời gian để bàn luận, thỏa hiệp mọi vấn đề và đang làm việc như một đội.
Chọn thời điểm thích hợp
Giờ nấu bữa ăn tối hoặc chuẩn bị đi làm không phải lúc thích hợp để nói chuyện tiền bạc. Cũng đừng nói khi bạn đang tức giận bởi vì một thông báo bất ngờ có thể làm tình hình thêm căng thẳng. Tránh đề cập vấn đề sau nửa đêm, điều này càng làm tinh thần và thể chất của cả hai căng thẳng và kiệt sức hơn.
Không kiểm soát nhau
Khi bàn luận, bạn nên dùng đại từ “chúng ta” và “của chúng ta” thay vì “Anh/em”. Nếu đơn phương nói rằng cô/anh ấy không thể chi tiêu khoản tiền này, bạn đời sẽ có tâm lý bất mãn. Vì thế, hãy cùng tìm giải pháp tốt nhất cho cả hai.
Ủng hộ lẫn nhau
Nếu bạn đời thắc mắc khoản chi tiêu quá lớn của bạn, hãy giải thích cho cô/anh ấy. Nếu bạn đời muốn đưa ra lời khuyên, hãy lắng nghe. Tuy nhiên, đừng lên lớp nhau và tỏ thái độ kẻ cả mà hãy giúp đỡ, hỗ trợ nhau để cùng cải thiện vấn đề.
Minh bạch về tài chính
Minh bạch về tài chính là nền tảng giao tiếp tốt, bởi vì nếu không bắt đầu bàn luận với bạn đời sẽ khó có được mối quan hệ mật thiết giữa hai người. Hai vợ chồng hãy là một đội, có chung mục đích và cùng muốn hạnh phúc, vì thế các thành viên trong nhóm cần giúp đỡ và khuyến khích lẫn nhau.