Số liệu thống kê mới nhất được Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, diễn ra trong hai ngày 21 và 22-4 tại thành phố Vinh (Nghệ An) cho thấy tính đến cuối năm 2014, cả nước đã có khoảng 1,2 triệu lao động thiếu việc làm (chiếm tỷ lệ 2,45%) và gần 1 triệu lao động thất nghiệp chiếm 2,08%.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi chiếm 45,5% trong tổng số lao động thất nghiệp cả nước.
Cũng vào thời điểm này, dân số cả nước là 90,7 triệu người, số người từ 15 tuổi trở lên là 70,06 triệu (chiếm 78% tổng dân số), trong đó có 54,4 triệu người thuộc lực lượng lao động. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế là 53,4 triệu người, tăng 1,56% so với năm 2013.
Vẫn theo nguồn số liệu vừa nói, năng suất lao động xã hội năm 2014 theo giá hiện hành của toàn nền kinh tế ước tính đạt 3.515 USD/lao động. Dù năng suất lao động thực tế liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân đạt 3,7%/năm trong giai đoạn 2005-2014, nhưng xếp hạng chung, Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.
Nhận xét chung, ông Lợi khái quát quy mô lực lượng lao động có xu hướng tăng chậm làm giảm áp lực việc làm, trong khi nền kinh tế đang trong giai đoạn khôi phục nên tỷ lệ thất nghiệp biến động không nhiều. Nhưng vấn đề đáng lưu ý đối với thị trường lao động Việt Nam là năng suất lao động thấp và tiền lương, tiền công không cao.
Tình trạng thiếu việc làm, thu nhập giảm sút của người lao động sẽ kéo theo nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng, nếu không có những giải pháp đối phó hiệu quả sẽ tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.
Gia Minh (DNSGCT)