Có một điều đặc biệt là kể từ đầu năm 2015 đến nay, bất động sản phía Bắc lại có vẻ sôi động hơn phía Nam. Nhiều doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản tại Hà Nội mở rộng quy mô, tuyển người cho những mục tiêu bán hàng mới. Không ít doanh nghiệp chuyên môi giới mới ra đời. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cũng chuẩn bị nguồn vốn cho những dự án đầu tư. Nắm bắt tình hình thị trường tại thủ đô, một số doanh nghiệp lớn phía Nam đã tìm cách chiêu dụ các “thượng đế” nơi đây mỗi khi ra mắt sản phẩm mới. Từ mấy năm qua, không ít các doanh nghiệp phía Nam đã đem sản phẩm địa ốc ra Bắc, xâm nhập các hội chợ, triển lãm… Từ cuối năm 2014, thị trường căn hộ trên cả nước có dấu hiệu hồi phục, thanh khoản tăng lên, một số doanh nghiệp phía Nam càng quan tâm đến thị trường Hà Nội mỗi khi tung hàng. Đơn giản vì nhiều người ở miền Bắc vẫn có nguồn tiền nhàn rỗi, họ có nhu cầu tìm mua sản phẩm căn hộ tại các dự án ở TP. Hồ Chí Minh. Giá cả căn hộ nơi đây rẻ hơn tại Hà Nội, lại có thể kinh doanh cho thuê, đem lại lợi tức tương đối, vậy là họ bỏ tiền ra mua để đầu tư. Từng có dự án mà 40% khách mua là người ở khu vực phía Bắc. Theo các con số thống kê, các dự án tại quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) với nhiều lợi thế về hạ tầng, gần khu vực trung tâm, đã và đang tiếp tục thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư phía Bắc. Không chỉ mua với mục đích làm của để dành và cho thuê, nhiều người còn có ý định chuyển chỗ ở sau này, hoặc mua sẵn cho con cái vào ở để học hành… Tất cả đã tạo ra một nguồn cầu thực cho các dự án địa ốc tại TP. Hồ Chí Minh ngay tại đất Bắc.
Như vậy, bên cạnh các sản phẩm địa ốc tại Hà Nội và khu vực lân cận, thị trường địa ốc thủ đô còn tiếp nhận cả những sản phẩm địa ốc đến từ TP. Hồ Chí Minh, nên lực lượng môi giới bán hàng phát triển mạnh là đương nhiên. Vai trò và tầm ảnh hưởng của những người hành nghề môi giới ngày càng thể hiện rõ, khi không chỉ là chất xúc tác giúp các giao dịch địa ốc thành công, thúc đẩy thị trường phát triển, mà còn là chủ thể cung cấp thông tin của thị trường. Tuy nhiên, do hoạt động chưa bài bản, một bộ phận không nhỏ trong số họ tham gia thị trường với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, gây ảnh hưởng xấu và làm mất lòng tin đối với người mua. Mà một dự án có đến hàng trăm nhà môi giới, chỉ cần một vài người cạnh tranh không lành mạnh đã có thể dẫn đến sự đổ vỡ niềm tin từ khách hàng. Nhu cầu phải có một sự định hướng cho hoạt động môi giới, vì vậy, đã trở nên cấp bách. Ngoài ra, trong thời đại internet, khi mà khách hàng lẫn chủ đầu tư dự án và cả người hoạt động trong nghề môi giới đều có thể truy cập mạng để tìm kiếm thông tin về dự án, nếu không tự thay đổi và chuyên nghiệp hóa hoạt động, nghề môi giới bất động sản sẽ bị thị trường đào thải.
Có lẽ vì lẽ đó mà Ngày hội ngộ Nhà môi giới bất động sản 2015 với chủ đề “Khẳng định vai trò – nắm bắt cơ hội” nhằm kết nối các nhà môi giới bất động sản, một hoạt động do Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội phối hợp với Công ty Megalink tổ chức vào ngày 18-4-2015 vừa qua rất được dư luận chú ý. Đến với ngày hội, các diễn giả, chuyên gia bất động sản đã chia sẻ thông tin về thị trường, cơ hội kinh doanh bất động sản trong năm 2015 cũng như những kinh nghiệm kỹ năng bán hàng bất động sản hiệu quả cho những người làm nghề môi giới. “Ngày hội môi giới bất động sản 2015” có sự tham dự của trên 500 nhà môi giới, các chuyên gia, chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản, thực sự là một bước đi cụ thể nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng môi giới bất động sản chuyên nghiệp, một hoạt động cần được khuyến khích vì đã góp phần chuyên nghiệp hóa một lĩnh vực rất cần thiết cho thị trường bất động sản. Nếu không có sự quản lý và định hướng hiệu quả, hoạt động này rất dễ dẫn đến tình trạng tranh giành khách, không trung thực, gây hiệu ứng ngược, giảm lòng tin đối với cả khách hàng lẫn chủ đầu tư.
Hồng Thuận (DNSGCT)