Ba thập niên qua, y học thế giới đã cảnh báo về chứng rối loạn ăn uống ở những người trẻ tuổi. Thời gian gần đây, chứng bệnh này được nhắc đến nhiều hơn sau khi một số người mẫu trên thế giới tử vong do ăn kiêng quá mức. Theo TS-BS Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, người bị rối loạn ăn uống thường có nỗi lo lắng thái quá về cân nặng, vóc dáng của mình, dẫn đến hành vi ăn uống bất thường là chán ăn hoặc ăn uống vô độ. Ở Úc hiện có hơn một triệu người mắc bệnh này. Ở Việt Nam tuy chưa có thống kê chính thức nhưng có thể khẳng định số lượng người mắc bệnh này là không ít. Trước đây, các bác sĩ thường nhắc đến những trường hợp nhịn ăn để trở nên “siêu gầy” ở giới người mẫu. Nay thì hiện tượng này xuất hiện phổ biến trong giới trẻ và cả nhóm dân văn phòng. Đó không chỉ là sự suy sụp về tâm lý mà là một hội chứng tâm thần nghiêm trọng, cần được phát hiện, điều trị để tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe và cả tính mạng.
Rối loạn ăn uống có thể nguy hiểm đến tính mạng
Theo tài liệu từ tổ chức Sáng kiến Hợp tác các nước về chứng Rối loạn ăn uống (NEDC) và Sách lược quốc gia về Y tế tâm thần Úc thì có một số loại rối loạn ăn uống cơ bản như sau:
Chứng chán ăn uống (Anorexia): Bệnh nhân bị ám ảnh rằng ăn bất cứ loại thức ăn nào cũng sẽ làm tăng cân nên họ thường khó quyết định có nên ăn hay không ăn một loại thức ăn nào đó. Thông thường, chứng chán ăn uống bắt đầu khi có hiện tượng sụt cân do nhịn ăn hoặc kiêng khem quá mức. Những lời bình phẩm, khen ngợi của người xung quanh khiến họ càng quyết tâm giảm cân nhiều hơn. Thói quen nhịn đói và ăn uống thất thường có thể dẫn đến chứng chán ăn kinh niên hoặc ăn uống vô độ để bù lại về sau.
Chứng ăn uống không kiềm chế (Bulimia): Người bị bệnh này thường ăn uống thiếu kiềm chế sau đó cố nôn ra, uống thuốc xổ hoặc thuốc lợi tiểu vì sợ mập lên. Rối loạn ăn uống này thường bắt đầu bằng việc ăn uống kiêng khem để gầy ốm. Do thiếu chất dinh dưỡng nên người bệnh cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, kém tập trung, buộc phải ăn thật nhiều vào để thỏa mãn nhu cầu cơ thể lẫn tâm lý. Cả việc nôn ói hay dùng thuốc xổ đều cho bệnh nhân cảm giác nhẹ nhõm nhưng lại gây mất nước và mất cân bằng hóa chất trầm trọng.
Chứng ăn uống vô độ (Binge eating disorder): Bệnh nhân hay rơi vào trạng thái trầm cảm, chán nản, chỉ muốn lao vào ăn uống thật nhiều trong một thời gian ngắn để xóa đi sự u uất về tinh thần. Họ không cố gắng nôn ọe mà chỉ ăn uống cho thỏa sức, do đó dẫn đến nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe như béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch…
Theo BS Trần Ngọc Lưu Phương, những ảnh hưởng do chứng chán ăn hoặc ăn uống vô độ, thiếu kiểm soát đối với sức khỏe là vô cùng nghiêm trọng như: mất nước, táo bón, tiêu chảy, ăn không tiêu, suy nhược cơ thể, nhiễm trùng đường tiểu, tổn thương thận… Ngoài ra, bệnh nhân còn bị những rối loạn về tâm lý và cảm xúc như: trầm cảm, thiếu tự tin, cô độc, tính cách thất thường… Người mắc chứng rối loạn ăn uống có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh tâm thần và cao gấp 12 lần so với những người bình thường.
Điều trị rối loạn ăn uống rất khó khăn
Nguyên nhân gây rối loạn ăn uống đến nay vẫn chưa biết rõ, chỉ những yếu tố nguy cơ mà các bác sĩ phát hiện được là yếu tố di truyền, mất cân bằng về nội tiết tố (nhất là giai đoạn tuổi dậy thì) và những tổn thương về tâm lý. Ngoài ra, những quan niệm lệch lạc cho rằng gầy mới đẹp xuất hiện trong các cuộc thi hoa hậu, người mẫu và những website khuyến khích chế độ kiêng khem nguy hiểm đã khiến cho mọi người bị ám ảnh bởi tình trạng vóc dáng của mình.
Bác sĩ Lưu Phương cho biết chúng ta cần lưu ý những dấu hiệu rối loạn ăn uống như: luôn ám ảnh về cân nặng và lượng calorie trong thức ăn, dùng thức ăn để giải tỏa căng thẳng, cân nặng không ổn định, hay mệt mỏi và ngủ không ngon, tập thể dục quá mức… Hầu hết các trường hợp rối loạn ăn uống đều có thể bình phục nhưng cần phát hiện và can thiệp sớm. Không ít trường hợp phải mất hơn năm năm mới chữa lành vì 20% người bị chứng chán ăn thường là bệnh kinh niên khó chữa.
Những thay đổi trong hành vi ăn uống có thể do nhiều bệnh khác trong cơ thể. Vì vậy, bước đầu tiên muốn điều trị rối loạn ăn uống thì cần điều trị về bệnh thể chất. Sau đó mới điều trị bằng: (1) Rèn luyện thói quen ăn uống lành mạnh, (2) Tác động về tâm lý để giúp bệnh nhân thay đổi ý tưởng, cảm xúc về ăn uống, (3) Thuốc điều trị trầm cảm, (4) Quan trọng nhất là sự cảm thông và chia sẻ của người thân và gia đình để bệnh nhân tin tưởng vào việc điều trị của mình. Mặc dù tập yoga vẫn chưa được nghiên cứu như điều trị cho người bị rối loạn ăn uống, nhưng một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng yoga có thể có ích như là một điều trị bổ sung. Vì phương pháp này có thể giúp cho bệnh nhân thư giãn và cảm thấy hạnh phúc hơn.
Một số địa chỉ điều trị chứng rối loạn ăn uống:
Khoa Tâm thể, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Địa chỉ: 468 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 766 Võ Văn Kiệt, P.1, Q.5
- Trọng Đức