Con số trên phản ánh thực trạng giáo dục đáng buồn hiện nay. Kể từ năm 2000, khi sáng kiến Giáo dục cho mọi người (EFA: Education for All) ra đời, số trẻ em không được đến trường đã giảm còn phân nửa, nhiều quốc gia đã cố gắng đưa các em gái vào trường học nhiều hơn. Song đến nay, theo các số liệu do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công bố thì vẫn còn có đến 58 triệu trẻ em không được đến trường và khoảng 100 triệu em không học hết bậc sơ cấp. Tình trạng bất quân bình trong giáo dục giữa trẻ em sống trong các gia đình nghèo khổ và giàu có luôn là nỗi ám ảnh của các nhà giáo dục. Số trẻ nghèo không học hết bậc sơ cấp nhiều gấp năm lần số trẻ giàu. Gần đây, UNESCO đã phải đưa ra một nhận định đầy bi quan: “Cho dù các chính phủ, xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế rất nỗ lực, song thế giới vẫn không hoàn thành được sáng kiến EFA”.
Cần nhắc lại rằng vào năm 2000, tại một hội nghị diễn ra ở thủ đô Dakar của Senegal, đại biểu 164 nước đã đề ra sáu mục tiêu phải thực hiện gồm: chăm sóc và giáo dục trẻ; phổ cập giáo dục sơ cấp; nâng cao kỹ năng cho trẻ em và người trưởng thành; xóa mù chữ cho người lớn tuổi; bình đẳng giới tính; và nâng cao chất lượng giáo dục. Mặc dù nền giáo dục tiền sơ cấp đã cải tiến được hai phần ba kể từ năm 1999, song hiện nay trong những gia đình có thu nhập thấp và trung bình, cứ sáu em là có một em không được đến trường. Chỉ có 69% những nước được khảo sát đạt được sự cân bằng giới tính ở bậc sơ cấp, nhưng sự cân bằng ở bậc tiểu học chỉ còn diễn ra ở 48% số nước kể trên. Mục tiêu giảm 50% số người mù chữ vào năm 2015 là một thất bại lớn, vì số người này chỉ giảm 4%. Lý giải về những bất cập trên, một tài liệu của UNESCO phổ biến hồi tháng 3-2015 nêu ra những khó khăn về mặt tài chính: chi phí hằng năm cho việc hoàn tất bậc tiền sơ cấp, sơ cấp và tiểu học ở những nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ phải tăng từ 100 tỉ USD vào năm 2012 lên bình quân 239 tỉ USD/năm trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2030. Về mặt địa lý, khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 4 tỉ người là nơi mà sự bất quân bình trong giáo dục diễn ra trầm trọng hơn bất cứ nơi nào khác. Trong số các em ở độ tuổi 6-18 tuổi tại Nam Á, có đến một phần ba phải theo học trường tư thay vì trường công lập. Một kết quả nghiên cứu vào năm nay của UNESCO cũng cho thấy trên 40% trẻ không được đến trường sống ở Nam Á, mà chỉ riêng Pakistan đã chiếm phân nửa trong số này. Hiện nay, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã có 10 nước hoàn tất việc phổ cập giáo dục bậc sơ cấp (99% trở lên) và chín nước đang trên đường hoàn tất vào cuối năm nay, song mục tiêu này vẫn còn là thách thức lớn ở một số nước như Bangladesh, Campuchia, Lào, Myanmar, Nepal, Pakistan và quần đảo Solomon.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)