Dù chỉ mới là thỏa thuận khung song những gì mà nhóm nước P5+1 và chính quyền Iran vừa đạt đến tại thành phố Lausanne của Thụy Sĩ đã được giới bình luận mô tả là thành công ở cả hai phía. Đây cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi mà cả hai bên đều không đặt ra những điều kiện tiên quyết cho một cuộc đàm phán từng bị bế tắc trong một thời gian dài. Trước khi đi đến một thỏa thuận toàn diện sau cùng trước ngày 30-6-2015, Iran đồng ý gỡ bỏ hai phần ba trong số 19 ngàn máy ly tâm và cơ sở làm giàu hạt nhân dưới lòng đất ở Fordow sẽ được chuyển thành cơ sở nghiên cứu với việc làm giàu uranium được giới hạn chỉ tại cơ sở ở Natanz mà thôi.
Đối với phương Tây, thỏa thuận khung có tác dụng giới hạn những hoạt động liên quan đến hạt nhân của Iran và tạo ra một khoảng cách chấp nhận được giữa nước này với tham vọng làm ra bom hạt nhân. Thỏa thuận cũng để ngỏ việc phương Tây lập lại các biện pháp trừng phạt trong trường hợp Iran không tuân thủ những gì đã cam kết. Còn với Iran, thắng lợi nằm ở chỗ không phải từ bỏ hẳn chương trình hạt nhân của họ và từng bước thoát khỏi những biện pháp trừng phạt kinh tế thắt chặt từ nhiều tháng qua. Khi bàn về tác động của thỏa thuận khung đối với sinh hoạt quốc tế, điều trước tiên có thể nghĩ đến là sự an tâm hơn của những nước láng giềng của Iran. Song điều đó không có nghĩa là họ không còn lo ngại, nếu một mai nước này tiếp tục lén lút làm giàu hạt nhân ở một mức độ vượt ra ngoài thỏa thuận đã ký kết. Bên cạnh đó, trong cuộc xung đột ngày càng khốc liệt đang diễn ra tại Yemen, một số nhà bình luận coi như đó là cuộc chiến giữa Ả Rập Saudi và Iran, cụ thể là giữa người Shiai ở Iran và người Sunni ở một số nước Ả Rập. Xét về lâu về dài, có thể Ả Rập Saudi cũng sẽ đầu tư vào việc phát triển hạt nhân trong một cuộc chạy đua lén lút với Iran.
Tuy nhiên, bàn về thỏa thuận khung vừa đạt được giữa nhóm P5+1 và Iran mà không lý tới phản ứng của Israel sẽ là một thiếu sót lớn. Thủ tướng nước này, ông Benyamin Netanyahu, đã làm mọi cách để ngăn chặn một thỏa thuận như thế, đến khi mọi chuyện đã an bài, ông tức giận thật sự. Bởi vì sau nhiều năm tháng theo sát mọi động tĩnh của Baghdad, Tel Aviv biết rằng Iran đang ngày càng tiến gần đến quả bom hạt nhân đầu tiên trong kế hoạch đầy tham vọng của họ. Từ đó, nguy cơ rạn nứt trầm trọng giữa Mỹ và người đồng minh thân cận nhất tại Trung Đông là Israel sau thỏa thuận Lausanne là điều có thể xảy ra.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)