Theo dự báo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng GDP của nước ta trong năm 2015 và 2016 lần lượt sẽ là 6,1% và 6,2%, mức lạm phát tương ứng là 2,5% và 4% – mức thấp nhất trong dự báo lạm phát của ADB với kinh tế Việt Nam từ trước đến nay. Việc lạm phát tăng thấp giúp cho các nhà điều hành dễ dàng hơn trong việc tăng các loại chi phí dịch vụ xã hội mà không lo ngại tác động tiêu cực đến mặt bằng giá chung. Lạm phát thấp còn giúp các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước dễ dàng cắt giảm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, tạo tiền đề để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Mức tăng trưởng kinh tế quý I-2015 vừa được Tổng cục Thống kê công bố (6,03%) khá phù hợp với những dự báo của ADB. Các chỉ số kinh tế mới nhất cũng cho thấy nhu cầu sản xuất kinh doanh trong nước đang phục hồi, dù ở mức tương đối. Năng lực cạnh tranh của nước ta cũng tăng lên, đặc biệt là trong ngành sản xuất tập trung nhiều lao động như dệt may, giày dép, điện tử… Dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI vẫn duy trì đà tăng trưởng trong khi nhu cầu nội địa bắt đầu có khuynh hướng hồi phục. Các chuyên gia dự báo tiêu dùng cá nhân của nước ta sẽ tăng từ mức 5,4% vào năm ngoái lên 5,6% trong năm nay.
Những con số kể trên cho ra một bức tranh kinh tế khá sáng sủa. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng tăng trưởng của nước ta vẫn đang dưới mức tiềm năng và vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chẳng hạn, đó là rủi ro về tỷ giá. Chúng ta có được khoản dự trữ ngoại hối khoảng 36 tỉ USD, nhưng một khi cung – cầu ngoại tệ mất cân bằng, khoản dự trữ này có thể giảm mạnh. Khi nhu cầu ngoại tệ trên thị trường và các doanh nghiệp nhập khẩu tăng cao mà không được đáp ứng kịp thời, thanh khoản ngoại tệ sẽ căng thẳng, đẩy đồng USD tăng giá so với VND. Khi ấy, tỷ giá USD/VND phải thay đổi hoặc Ngân hàng Nhà nước phải tung USD từ kho dự trữ ngoại hối.
Thời gian qua, những chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã được đánh giá cao, giúp ổn định thị trường ngoại hối và lãi suất tiết kiệm – cho vay ngày càng giảm. Tuy nhiên, dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ không còn nhiều và các nhà điều hành sẽ không thể có những quyết định mạnh tay trong thời gian tới. Không những thế, tài khoản vãng lai vẫn thặng dư nhưng mức thặng dư sẽ hẹp lại, thu ngân sách giảm nhưng chi ngân sách không giảm và nước ta sẽ phải cạnh tranh hơn với các quốc gia khác trong khu vực về thu hút FDI cũng như tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…
Chính vì vậy, để tốc độ kinh tế tăng trưởng có thể đạt cao hơn, tương xứng với tiềm năng của đất nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ cần phải tiếp tục cải cách kinh tế một cách quyết liệt. Để đạt được con số tăng trưởng cao và bền vững, chúng ta phải giải quyết một loạt vấn đề như đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng, đưa ra các giải pháp cụ thể và nhanh chóng hơn trong giải quyết nợ xấu, đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Một số chính sách pháp luật quan trọng nhằm thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước cũng cần được tăng tốc quá trình thực hiện. Chẳng hạn cần thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân vào hạ tầng xã hội thông qua mô hình đối tác công tư (PPP), dỡ bỏ những rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài bằng việc nâng mức trần sở hữu nước ngoài ở một số lĩnh vực từ mức hiện tại là 49% lên 60%… Được như vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chắc chắn sẽ còn tăng cao.
Minh Hằng (DNSGCT)