Devin Jani, một blogger trên Reddit mới đây đã sử dụng số liệu từ Liên Hiệp Quốc để trình bày bản đồ về xu hướng di dân trên toàn cầu hiện nay. Thiết kế bản đồ khá đơn giản, sử dụng các màu khác nhau để ghi chú những quốc gia điểm đến, chẳng hạn những quốc gia được tô màu đỏ thường có người dân di cư đến Mỹ, màu xanh dương di cư đến Pháp hay màu hồng di cư đến Anh.Thoạt nhìn, Mỹ là điểm đến di cư rất phổ biến của hầu hết người dân các quốc gia Mỹ Latin, cũng là chọn lựa đầu tiên của người dân Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nigeria, Việt Nam, Philippines, Thụy Điển và Đức khi được chọn lựa quốc gia di cư. Sau đây là những thông tin khá thú vị về thực tế của tình hình di dân trên toàn thế giới trong những năm gần đây.
Mỹ là điểm đến lý tưởng của những người nhập cư mang quốc tịch Mexico và ngược lại Mexico cũng là lựa chọn phổ biến nhất của những ai muốn rời khỏi Mỹ. Hẳn nhiên, những người rời khỏi Mỹ sang Mexico thường mang quốc tịch Mexico hoặc có nguyên quán từ quốc gia Trung Mỹ này. Đồng thời, người nguyên quán Mexico cũng chiếm đến 1/3 công dân Mỹ hoặc người sinh ra tại nước ngoài thường trú tại Mỹ. Kể từ cuối thập niên 2000, một làn sóng người Mỹ gốc Mexico trở về nguyên quán của mình bắt đầu tăng cao. Lý do đầu tiên chính là suy thoái kinh tế tại Mỹ dẫn đến việc sụt giảm nhu cầu lao động phổ thông trong ngành xây dựng vốn tuyển dụng phần đông người Mexico nhập cư lậu vào Mỹ. Mặt khác, từ sau khi ông Obama đắc cử tổng thống, mỗi năm có đến hàng trăm nghìn người Mexico bị trục xuất khỏi Mỹ.
Dấu ấn thời kỳ thuộc địa vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến khuynh hướng di dân ngày nay. Vậy nên, Pháp trở thành điểm đến quen thuộc của người dân tại các quốc gia nói tiếng Pháp là cựu thuộc địa của quốc gia này, nổi bật là Algeria, Senegal và Cameroon. Tương tự, Anh là điểm đến của công dân Nam Phi, Úc và Kenya. Có điều, xu hướng người Ấn Độ và Pakistan vào Anh kể từ sau Thế chiến thứ hai đã giảm hẳn, dù hai quốc gia Nam Á này từng được xem là “quốc bảo” của hoàng gia Anh.
Xu hướng di dân thứ ba được biết đến dưới hình thức nền kinh tế chủ lực tại khu vực sẽ thu hút luồng di dân từ các quốc gia lân cận nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm cũng như một cuộc sống tốt đẹp hơn. Điển hình như Đức thu hút người dân Ý, Áo, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Cộng hòa Czech. Nam Phi là điểm đến của công dân Nambia, Botswana, Zimbabwe, Zambia hay Mozambique. Argentina thu hút công dân Uruguay, Chile, Paraguay và Bolivia. Tuy nhiên, một trường hợp ngoại lệ khá nổi bật chính là Trung Quốc. Mặc dù đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có khả năng sớm trở thành nền kinh tế số 1 trong tương lai gần, nhưng rào cản ngôn ngữ cùng với vấn đề quyền tự do của người dân trong nước đã hạn chế làn sóng di dân đến đây. Dẫu vậy, trong những năm qua, Trung Quốc âm thầm trở thành một điểm đến lý tưởng để làm việc và sinh sống của công dân Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra, mỗi năm Trung Quốc thu hút hàng chục nghìn công nhân nhập khẩu phi chính thức từ các nước Đông Nam Á lân cận như Lào, Việt Nam, Campuchia hay Thái Lan. Riêng người Trung Quốc có khuynh hướng muốn định cư tại Hongkong nhất.
Xu hướng di dân nổi bật khác xảy ra tại vùng vịnh giàu có với các khu đô thị mới nổi như Dubai, Doha và Riyadh. Người lao động từ các quốc gia Nam Á như Ấn Độ, Pakistan hay Bangladesh đang có khuynh hướng nhập cư tạm thời đến các quốc gia giàu dầu mỏ này để làm việc tại các công trình xây dựng hoặc dịch vụ trả lương thấp khác như giúp việc hay hầu bàn với quyền lợi rất bị hạn chế.
Lâm Kiên theo Vox (DNSGCT)