Khi người quản lý nhận ra tính cách của nhân viên ảnh hưởng lớn đến công việc hiện tại và cả sự thành công sau này của tổ chức thì cũng đồng thời nhận ra một nhu cầu phải dự báo được về sự thành công của nhân viên. Có một công cụ nào hữu hiệu cho việc này không?
Không hẳn là một công cụ, nhưng có một quyển sách gợi ý cho việc này: Quyển Give and Take của Adam Grant, là một tác giả tâm lý người Mỹ. Quyển sách này được Amazon nêu là một quyển sách tốt nhất của năm 2013 và đã được dịch trong bản tiếng Việt với nhan đề Cho khế nhận vàng, do First News và NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh phát hành.
Bằng cách kể, như một kiểu trò chuyện, với các câu chuyện thú vị, tác giả đã dần dần thuyết phục người đọc về cách ông phân loại ba nhóm con người trong tương tác với nhau và kết nối những nhóm này với sự thành công sau này của họ. Nhóm thứ nhất, ông gọi là nhóm “vì người khác”, đôi chỗ ông gọi là nhóm “sẵn sàng cho”, hay “nhóm cho”. Nét dễ thấy của nhóm này là luôn cân nhắc đến lợi ích của người khác, sẵn sàng cho đi nhiều hơn thứ được nhận về, và theo ông thì ngày nay người thuộc nhóm này có vẻ hiếm hoi. Nhóm thứ hai ông gọi là nhóm “chỉ biết mình” và ở đôi chỗ ông gọi là nhóm “chỉ muốn nhận” hay “nhóm nhận”. Nhóm này luôn muốn nhận được nhiều hơn những gì mình đã cho đi. Cuối cùng là nhóm trung gian, ông gọi là nhóm “dung hòa”, coi như có sự tính toán giữa cho và nhận theo kiểu đôi bên cùng có lợi.
Có một câu hỏi mà Adam Grant đặt ra cho độc giả là: “Nếu tôi yêu cầu bạn dự đoán xem người cuối cùng thành công nhất sẽ là ai, thì đâu là câu trả lời của bạn?”. Các câu chuyện của Adam Grant dẫn đến một điều thú vị là: Những người ở “nhóm cho” nằm cuối bảng những người thành công sau này, và lại cũng chính những người thuộc “nhóm cho” là những người nằm đầu bảng những người thành công nhất! Phát hiện này của Grant làm quyển sách trở nên hấp dẫn.
Ai cũng muốn tự mình khám phá điều có vẻ nghịch lý ấy đã diễn ra như thế nào. Bài báo này không kể lại những câu chuyện đó, vì sẽ làm mất đi sự thú vị khi đọc quyển sách ấy sau này. Và, người viết bài này do sự tò mò của mình, đã xem Amazon ghi nhận lại đánh giá của các độc giả toàn cầu về quyển sách thú vị ấy ra sao? Và liệu quyển sách có giúp gì được cho các người quản lý trong phân loại và tiên đoán về thành công của nhân viên mình một cách hiệu quả không?
Tính đến cuối tháng 12-2014, có 346 phản hồi đánh giá quyển sách được Amazon ghi nhận lại. Theo truyền thống đánh giá trên Amazon, quyển sách nào đạt nhất sẽ được đánh giá 5 “sao”, rồi giảm dần cho đến 1 “sao” là đánh giá kém nhất. Quyển sách của Adam Grant đang nói đây được 69,79% số người phản hồi đánh giá loại 5 “sao”, 19,36% đánh giá 4 “sao”, 7,80% đánh giá 3 “sao”, 3,18% đánh giá 2 “sao” và 0,87% đánh giá 1 “sao”.
Amazon giúp tóm lược những phản hồi ấy thành ba nhóm ý kiến đáng chú ý:
1. Trong Cho khế nhận vàng, Adam Grant, một giáo sư Trường Kinh doanh Wharton, đã giới thiệu một nghiên cứu thú vị trong thế giới của những người nhóm cho, nhóm nhận và nhóm dung hòa.
Có 23% ý kiến phản hồi tập trung vào nhận định tương tự nêu trên.
2. Hãy đọc quyển sách và thế giới của bạn sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
Có 18% ý kiến phản hồi nhận định tương tự nêu trên.
3. Quyển sách này được viết bằng một phong cách trò chuyện rất rõ ràng.
Cũng có 18% ý kiến phản hồi nhận định tương tự nêu trên.
Trong khi chờ một công cụ hữu hiệu để tiên đoán sự thành công của nhân viên thì người quản lý có thể thấy các mẩu chuyện trong quyển sách ít nhiều cho phép họ hình dung ra một cách phân loại và tương lai thành công của nhân viên mình…
Trương Chí Dũng, Giám đốc R&D, Công ty L&A (DNSGCT)