Đồng rúp của Nga đang rơi tự do, ngày 4-12 đã đạt một kỷ lục mới là 55 rúp đổi một USD theo giá chính thức, trong khi trên thị trường chợ đen đã vượt ngưỡng 60 rúp/1 USD. Như vậy đồng rúp đã mất giá 40% so với USD kể từ đầu năm đến nay. Điều này cũng đồng nghĩa lương và tiền tiết kiệm của người dân Nga bằng rúp đã bốc hơi mất gần một nửa.
Việc đồng rúp rơi tự do không chỉ khiến những người đang ăn lương và gửi tiền tiết kiệm bị mất mát mà thiệt hại nhiều nhất thuộc về những người đang kinh doanh và đầu tư.
Giới kinh doanh ở Nga do không mua được USD nên để bảo toàn đồng vốn nhiều người – kể cả người Việt – phải nhắm mắt mua nhà, mua ôtô như một cách giữ tiền và đây cũng là việc làm vì hoàn cảnh bắt buộc.
Việc đồng rúp rơi tự do sẽ để lại những hậu quả vô cùng to lớn cho nước Nga. Hàng nhập khẩu mới sẽ rất khan hiếm và nếu có thì giá phải tăng gấp đôi, như vậy đồng lương của người Nga nhận được sẽ mất đi một nửa. Môi trường đầu tư của Nga mất uy tín nghiêm trọng, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tháo chạy, nhiều công ty sản xuất phải đóng cửa do nguyên vật liệu nhập khẩu tăng giá, đời sống của người dân Nga sẽ khó khăn trong thời gian tới…
Nguyên nhân là do giá dầu giảm cùng với ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Giá dầu giảm mạnh từ 110 USD/thùng xuống còn 66 USD/thùng và khả năng sẽ còn tiếp tục giảm. Lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào các ngành công nghiệp chủ lực như dầu mỏ, tài chính và vũ khí sẽ còn tiếp tục.
Thu nhập của nước Nga chủ yếu dựa vào dầu mỏ, khí đốt và vũ khí cho nên khi các nguồn thu này bị giảm và bị phong tỏa thì kinh tế Nga có thể gặp khủng hoảng. Sau nửa năm áp đặt lệnh cấm vận, thiệt hại của EU vào khoảng 40 tỉ USD còn Nga là 140 tỉ USD và nếu tình hình này vẫn tiếp tục thì phần thua thiệt về phía Nga sẽ cao hơn rất nhiều.
Trong thông điệp liên bang đọc cuối tuần qua trước lưỡng viện quốc hội, Tổng thống Putin đã kêu gọi tinh thần dân tộc của người Nga và hứa hẹn bốn năm nữa kinh tế Nga sẽ vượt lên trên tất cả các nền kinh tế khác. Trong một động thái nhằm thúc đẩy kinh tế, ông Putin đã đề xuất miễn thuế hoàn toàn với các dòng vốn quay trở lại Nga, ước tính có thể đạt hơn 100 tỉ USD, cũng như đề xuất đóng băng thuế trong bốn năm. Thông điệp của tổng thống Nga cũng khẳng định quan điểm duy trì và mở rộng quan hệ đối tác của Nga với tất cả các nước, không phân biệt phương Tây hay phương Đông.
Thế nhưng cuộc đối đầu giữa Nga và EU vẫn chưa cho thấy có hồi kết. Dù phía Nga đã muốn EU dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhưng phương Tây chỉ đồng ý với một điều kiện tiên quyết là Nga phải rút quân đội ra khỏi vùng phía Đông Ukraina, trong khi ông Putin luôn phủ nhận việc binh sĩ Nga có mặt ở đây.
Đối với cộng đồng người Việt đang làm ăn và sinh sống tại Nga thì việc đồng rúp rơi tự do đang gây khó khăn lớn, nhiều đại gia sẽ trắng tay và không ít người có nguy cơ mất hết tài sản tích cóp được trong mấy chục năm qua. Được biết, cộng đồng người Việt tại Nga đóng góp rất lớn vào nguồn kiều hối gửi về Việt Nam hằng năm, đây là đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của mỗi người dù là doanh nhân hay công nhân, dù là chủ hay người làm thuê. Liệu kinh tế Việt Nam có bị ảnh hưởng không khi nguồn kiều hối và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Nga bị sút giảm.
Thực trạng suy thoái kinh tế ở Nga lần này cũng được ví như một cơn dư chấn kéo dài, tác động sâu sắc và nhiều mặt đối với cộng đồng người Việt trên toàn cõi nước Nga.
Mặc dù hệ thống siêu thị Nga phát triển với tốc độ chóng mặt, mặc dù các chủ chợ bán lẻ cho thuê quầy bán hàng với giá rất cao nhưng do chủ động đáp ứng các mặt hàng của người tiêu dùng Nga, cộng với kinh nghiệm kinh doanh nhiều năm, đại đa số các cửa hàng Việt đều làm ăn có lãi. Một thói quen và đồng thời là sự tính toán, cân đối trong kinh doanh, mọi thu chi, giao nhận hàng hóa, người Việt đều quy ra tỷ giá đồng USD.
Vào đầu tháng 7-2014, tháng buôn bán khó khăn nhất, khi tỷ giá USD biến động chút ít, giá hàng hóa bằng rúp cũng có sự xê dịch phù hợp, hầu như thu nhập của người Việt cũng vẫn có sự đảm bảo.
Nhưng mấy tháng gần đây, đặc biệt là từ giữa tháng 11, đồng rúp mất giá từng ngày, thậm chí từng giờ – từ 33 rúp/1 USD đến 40, 45, 50, 55 rúp/1 USD – làm cho việc kinh doanh của người Việt gần như đình trệ, bởi càng buôn bán thì càng lỗ. Nhiều chủ hàng từ đầu mùa hè đã chi ra một khoản tiền lớn để đặt hàng từ Trung Quốc, trong khi tính ra giá USD ở thời điểm này, cộng với hàng tồn kho không bán được, họ đã gánh một khoản lỗ rất nặng.
Hậu quả người Việt gánh chịu là tạo nên một dây chuyền nợ nần lẫn nhau. Không hiếm trường hợp một số chủ hàng cả lớn lẫn nhỏ ôm một đống tiền hoặc một khối lượng lớn hàng rồi bỏ trốn – các cơ quan chức năng Nga cũng như sứ quán đã nhận được nhiều đơn kêu cứu về loại tội phạm kiểu này.
Đ.N tổng hợp (DNSGCT)