Tọa lạc trong khuôn viên Bois de Boulogne, Paris, tòa nhà Fondation Louis Vuitton được công nhận là công trình kiến trúc mới quan trọng nhất của thành phố này kể từ khi Trung tâm nghệ thuật và văn hóa quốc gia Centre Pompidou được khánh thành.
Chú trọng hiện tại và luôn hướng về tương lai
Frank Gehry đã hoàn thành ước nguyện đời mình khi thiết kế nên một tòa nhà độc nhất vô nhị tại Paris. Và có lẽ vị kiến trúc sư tài ba đã tạo dựng nên kiệt tác lớn nhất của mình. Ở tuổi 85, đúng ra Frank Gehry đã có thể tự thưởng cho mình đặc quyền được nghỉ ngơi và nhìn lại những thành tựu của đời mình.
Trong sự nghiệp, Gehry đã đạt được hầu hết những giải thưởng kiến trúc quan trọng, trong đó có giải Pritzker năm 1989. Được trao học vị tiến sĩ danh dự của hàng chục trường đại học, từng xây dựng nhiều tòa nhà tại các thành phố trên khắp thế giới, ông được vinh danh cùng những tên tuổi như Frank Lloyd Wright và Ludwig Mies van der Rohe nhưlà những kiến trúc sư vĩ đại nhất thế kỷ XX. Nhưng Gehry không hứng thú với việc chìm đắm trong hào quang quá khứ – dù ánh hào quang ấy có rực rỡ đến đâu.
“Tôi đã tận hưởng rất nhiều điều tuyệt vời – những thứ khiến bạn thật sự choáng ngợp và tôi ao ước cha mình vẫn còn đây để tận mắt thấy được những điều này. Nhưng tôi không hay nhìn lại những gì đã qua”, Gehry chia sẻ cùng tạp chí WISH hồi tháng trước tại văn phòng của ông ở Los Angeles.
“Tôi không lưu giữ hình ảnh về những tòa nhà mình đã thiết kế. Tôi có đọc một số bài viết về chúng và coi như tôi đã có được một bộ lọc thông tin vừa đủ để chọn lọc những gì quan trọng nhất. Những quyển sách viết về tôi – tôi chẳng bỏ thời gian cho chúng. Tôi không thường xuyên nhìn lại những bức ảnh đã chụp trong quá khứ. Tôi chú trọng vào hiện tại và luôn hướng về tương lai”.
Ngày nay, sau hơn 50 năm làm việc với tư cách kiến trúc sư cho công ty của chính mình, có thể nói Gehry đang ở đỉnh cao nhất của sự nghiệp. Đối với những kiến trúc sư gạo cội như Gehry, “nghỉ hưu” là một từ không có trong từ điển.
Lloyd Wright, Philip Johnson hay Oscar Niemeyer chẳng hạn – tất cả đều làm việc đến tuổi 90. Một phần vì chỉ khi đạt được tên tuổi lẫy lừng thì các kiến trúc sư mới nhận được những lời đề nghị béo bở và những công trình kiến trúc được thiết kế bởi những tên tuổi tầm cỡ như Gehry đều phải mất nhiều năm, thậm chí hàng thập niên, mới được hoàn thành. Nhưng lý do quan trọng hơn, đó là kiến trúc không đơn thuần chỉ là một sự nghiệp mà còn là một khuynh hướng trọn đời.
Ngày nay, tên tuổi Gehry nghiễm nhiên đứng đầu danh sách thiết kế của một công trình kiến trúc công cộng quan trọng tại nhiều nơi trên thế giới và ông đang nắm giữ một vị thế nghề nghiệp đáng nể, nơi ông có toàn quyền lựa chọn điều mà ông thích làm.
Trong năm tới, công trình thiết kế đầu tiên của ông tại Úc – tòa nhà Dr ChauChak Wing của Trường Đại học Công nghệ Sydney (University of Technology Sydney – UTS) sẽ chính thức khánh thành. Vào năm 2017, bảo tàng đồ sộ Guggenheim tại Abu Dhabi sẽ mở cửa chào đón công chúng.
Khi chính thức đi vào hoạt động vào cuối tháng trước, tòa nhà mà ông thiết kế cho Louis Vuitton (cũng được sử dụng như một viện bảo tàng) đã được giới phê bình khen ngợi như một công trình kiến trúc quan trọng nhất được xây dựng tại Paris, kể từ khi bảo tàng nghệ thuật Centre Pompidou ra mắt công chúng vào năm 1977. Đây chỉ là một số trong hàng chục dự án kiến trúc mà Công ty Gehry Partners thực hiện.
Khi Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn hàng hiệu LVMH, muốn có một kiến trúc sư thiết kế một tòa nhà làm nơi trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật đồ sộ của tập đoàn, cái tên Gehry vẫn chưa được nghĩ đến như một lựa chọn.
Để minh chứng cho sự thật rằng những công trình kiến trúc vĩ đại phải tốn rất nhiều thời gian, nền móng cho ý tưởng xây dựng Fondation Louis Vuitton đã khởi đầu từ năm 2001. Vào năm ấy, theo lời khuyên của cố vấn đặc biệt vừa được bổ nhiệm Jean-Paul Claverie, Arnault đến Tây Ban Nha để chiêm ngưỡng bảo tàng Guggenheim tại Bilbao – một tác phẩm thiết kế của Gehry.
Ngay sau đó, theo tạp chí Vanity Fair, Arnault quyết định phải diện kiến người đã làm nên bảo tàng Bilbao. Cuối năm 2001, Gehry đã gặp Arnault tại New York để bàn về một dự án tại địa điểm mà LVMH vừa có được trong khuôn viên Jardin d’Acclimatation thuộc công viên Bois de Boulogne, Paris. Năm 2005, việc thiết kế công trình được bắt đầu và mãi đến năm 2008, dự án mới chính thức động thổ.
Quãng thời gian kéo dài để hiện thực hóa một công trình kiến trúc kỳ vĩ như thế cũng đồng nghĩa với việc, trước tiên và trên hết, Gehry phải quý mến những người mà ông làm việc cùng. “Bạn cần có cảm giác tích cực về người đang nói chuyện với mình.
Ngay từ đầu tôi đã rất thích anh ấy (Arnault)”, Gehry cho biết. “Arnault là người thông minh, cực kỳ lịch thiệp và uyên thâm, yêu thích nghệ thuật, một nhân vật đầy quyền lực và tôi biết anh ta sẽ đạt được điều mình muốn. Anh ta biết rõ điều mình muốn. Tôi thích điều này bởi sự quả quyết ấy đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ biến dự án này thành hiện thực và tôi sẽ không phải lãng phí thời gian, cho dù điều này đôi khi vẫn xảy ra”.
Gehry rất quen thuộc với địa điểm được chọn để xây dựng tòa nhà. Ông từng có thời gian sống tại Paris trong những năm 1959-1960, và như ông chia sẻ, ý tưởng thiết kế một tòa nhà độc nhất vô nhị tại Paris cũng giống như biến một giấc mơ thành sự thật.
“Tôi đã biết Bois de Boulogne và Bernard đưa tôi đến Jardin d’Acclimatation (một khuôn viên ở phía bắc Bois de Boulogne) – nơi mà tôi chưa biết rõ lắm. Khi đi cùng Bernard, tôi nghĩ về Proust. Tôi có cảm giác mình đang ngược dòng thời gian để đi vào thế giới của Proust và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, dường như chúng tôi đã bỏ lại sau lưng một Paris ở thế kỷ XXI.
Tôi đọc Proust như đọc Kinh thánh và tôi mường tượng Proust và những đứa trẻ của ông từng chơi đùa tại đây. Những hình bóng ấy để lại một âm hưởng vang vọng. Rồi sau đó, ý tưởng xây dựng một khối kiến trúc ngay giữa lòng công viên Bois de Boulogne là một cơ may khá kỳ lạ.
Đồng thời, việc có được một khách hàng kiên quyết, một người có gu thẩm mỹ tinh tế bậc nhất và một tiềm lực tài chính đủ mạnh để làm nên điều gì đó đặc biệt… Tất cả những điều đó khiến tôi trào nước mắt. Bất thình lình tôi như thấy được toàn bộ viễn cảnh ấy và cảm giác thật sự choáng ngợp”.
Câu chuyện Fondation Louis Vuitton
Cũng tương tự như đa phần các thiết kế của Gehry, Fondation Louis Vuitton khởi sự từ một bản vẽ phác thảo trông không khác gì một bản nháp nguệch ngoạc (bản sao của thiết kế này nằm phía sau chân dung Gehry ở trang bìa tờ báo). “Tôi đã vẽ vô số bản phác thảo và trông chúng chẳng hề có nghĩa cho đến khi, vâng, cho đến khi tòa nhà được xây dựng và khi ấy, chúng trở nên thật sự có nghĩa”, Gehry nói.
Từ những bản phác thảo ban đầu, quá trình thiết kế của ông cũng bao gồm việc dựng nên một loạt các mô hình của tòa nhà. Khi mô hình cuối cùng được chấp thuận, đội ngũ kiến trúc sư của Gehry bắt đầu ứng dụng một công nghệ được thiết kế đặc biệt để biến mô hình 3D thành những bản vẽ xây dựng chi tiết.
Việc tiên phong ứng dụng công nghệ trong kiến trúc của Frank Gehry đã đưa ông đến quyết định thành lập công ty riêng của mình – với tên gọi Gehry Technologies, vào năm 2002 để tư vấn cho các dự án xây dựng và thiết kế công trình của các công ty kiến trúc khác.
Vào đầu năm nay, Gehry Technologies – công ty từng làm việc với các kiến trúc sư hàng đầu như Zaha Hadid, Jean Nouvel and Herzog & de Meuron – được công ty công nghệ Trimble tại California mua lại.
Tuy danh tiếng của Gehry có lẽ vẫn luôn gắn liền với những tòa nhà được bao bọc bởi lớp vỏ kim loại sáng bóng, Fondation Louis Vuittton lại là một kiến trúc độc đáo bằng thủy tinh. Với tòa nhà UTS tại Sydney, Gehry chọn chất liệu gạch vì đây là kiểu kết cấu xây dựng phổ biến nhất trong vùng. “Khi trường đại học ngỏ ý mời tôi xây dựng tòa nhà, tôi nghĩ họ trông đợi một tòa nhà kim loại sáng bóng, và tôi đã làm vài mô hình kim loại – nhưng đó lại là những thứ tôi đã làm qua từ lâu”.
Tại Paris, quyết định thiết kế một cấu trúc thủy tinh của ông có vẻ thực tế hơn một chút. “Bạn không được phép xây một tòa nhà cao đến thế tại Bois de Boulogne, do đó, lý lẽ của chúng tôi là chúng tôi sẽ xây một kiểu khuôn viên tựa như Paxton (Crystal) Palace ở London hoặc Grand Palais ở Paris”, Gehry nói. “Vì thế, khi chúng tôi đưa ra mô hình của kiểu kiến trúc ấy, thành phố đã chấp thuận dự án; họ hiểu đó như một tòa nhà với khuôn viên bao quanh.
Vấn đề duy nhất là không thể treo các bức tranh lên thủy tinh, vì thế chúng tôi cần một tòa nhà với kết cấu rắn chắc (bên dưới cấu trúc thủy tinh). Nhưng cũng chính nhờ chất liệu thủy tinh mà chúng tôi có thêm độ cao tổng thể, giúp tòa nhà bên trong phù hợp hơn với ý đồ của Arnault. Tòa nhà không đồ sộ đến thế, nhưng nhìn thật hoành tráng”.
Với 11 không gian trưng bày và một thính phòng 350 chỗ ngồi, tòa nhà Fondation Louis Vuitton chiếm diện tích hơn 8.600m2 và không gian bảo tàng lên đến 3.850m2.
“Có vẻ kha khá” là từ dùng để miêu tả chi phí dành cho việc thiết kế và xây dựng những công trình kiến trúc của Gehry. Tổng số vốn xây dựng tòa nhà Fondation Louis Vuitton tại Paris lên đến 143 triệu USD. Công trình kiến trúc của ông tại UTS, Sydney đáng giá đến 210 triệu đôla Úc. Một kiệt tác kiến trúc vĩ đại có khả năng thay đổi dáng vóc của cả một thành phố không thể không tốn kém, nhưng Gehry cho biết ông tự hào về chính mình vì luôn thực hiện mọi dự án trong phạm vi ngân sách.
“Tôi có đủ loại khách hàng, như bạn biết đấy, tôi cũng có công ty của riêng mình. Tôi không phải là doanh nhân siêu hạng như Bernard Arnault, nhưng tôi điều hành một công ty theo những quy tắc chặt chẽ, tôi hiểu về tài chính, kinh doanh và tôi tôn trọng các nguyên tắc… Tôi luôn theo sát ngân sách, lịch trình và tất cả những nhiệm vụ cần thiết. Tôi thích thú khi làm điều này. Tôi rất khó tính với những vấn đề nêu trên vì tôi biết chúng luôn quan trọng với những người giao việc cho bạn”.
Trong một bài viết cho tờ New York Times vào tháng 11-1989, nhà phê bình kiến trúc Paul Goldberger mô tả những tòa nhà của Gehry như“những kiến trúc đầy uy lực bên trong hình thái và vật liệu hình học cơ bản, và đứng từ một quan điểm mỹ học, chúng nằm trong số những công trình kiến trúc nổi bật và gây ấn tượng sâu sắc nhất thời đại của chúng ta”.
Những tác phẩm của Gehry không giống như những tòa nhà khác – trừ chính những tòa nhà do Gehry thiết kế – và vì thế, chúng gần như không thể miêu tả cụ thể bằng lời. Để hiểu được những tòa nhà này, người ta cần liên tưởng chúng với điều gì đó tương tự.
Chẳng hạn tòa nhà văn phòng IAC tại New York, một tác phẩm của Gehry, từng được mô tả như một núi băng trôi; tòa nhà tại UTS, Sydney được ví như một chiếc túi giấy nâu bị vò nhàu; một tòa nhà tại Praha thuộc công ty bảo hiểm Hà Lan Nationale-Nederlanden trông lại tựa như một cặp đôi đang khiêu vũ, trong khi Fondation Louis Vuitton có thể được mô tả bằng nhiều hình ảnh khác nhau: những cụm mây, những cánh buồm hay một tòa lâu đài thủy tinh.
“Đúng là một cực hình, sao họ lại chọn tôi cơ chứ?” – Gehry, người rõ ràng là có óc hài hước ý nhị, nói. Ông từng góp mặt trong tập phim Nhà Simpson vào năm 2005; trong tập phim này, ông thiết kế sảnh hòa nhạc cho thị trấn giả tưởng Springfield sau khi vò nát lá thư mà Marge Simpson gửi. Sau đó, khi nhìn vào viên giấy bị vò nhàu, ông thốt lên: “Frank Gehry, ngươi đúng là một thiên tài”.
Ở cảnh sau, mô hình sảnh hòa nhạc hiện lên trong hình dạng tờ giấy nhàu nát. Trong khi Gehry phần nào tự hào về sự xuất hiện của mình trên loạt phim hoạt hình này – thử hỏi có bao nhiêu kiến trúc sư đủ tự tin thể hiện mình như một phần của nền văn hóa đại chúng? Bên cạnh việc lưu hình nền trên iPhone là avatar của chính ông trong show diễn, Gehry cũng nhanh chóng nhận ra rằng việc thiết kế các tòa nhà của mình dứt khoát phải mang tính trí tuệ hơn.
“Có một kiểu kiến trúc đặc thù tại Pháp và trên khắp châu Âu – kiểu kiến trúc thế kỷ XIX. Bạn sẽ thấy cùng những tòa nhà sáu hay bảy tầng với những chi tiết cổ kính, những đường gờ, những khung sườn và tất cả những kết cấu đại loại nhưthế trên khắp nước Pháp và toàn châu Âu.
Rồi sau đó chiến tranh bùng nổ, giai đoạn hiện đại hóa kế tiếp đã quét sạch mọi dấu tích xưa, biến mọi kiến trúc đều trở nên vuông vức, cô đặc, tối giản và vô cảm, ở mọi thành phố trên thế giới. Còn chúng ta thì khao khát có được một chút cảm xúc khi ngắm nhìn những công trình kiến trúc. Làm thế nào để đặt cảm xúc vào một tòa nhà? Bạn sẽ làm điều đó với chất liệu, màu sắc và kiểu dáng. Tất cả những gì tôi đang cố gắng thực hiện là đem lại cảm xúc và tính nhân văn cho những kiến trúc của mình”.
Chương trình khánh thành bảo tàng Fondation Louis Vuitton bao gồm một buổi triển lãm dành riêng cho các thiết kế của Frank Gehry và kéo dài đến ngày 16-3-2015. Một buổi triển lãm tổng kết các tác phẩm của Gehry cũng được tổ chức tại Trung tâm nghệ thuật và văn hóa quốc gia Centre Pompidou, Paris cho đến ngày 26-1-2015.
Chiếc túi bất đối xứng được Frank Gehry thiết kế cho bộ sưu tập Celebrating Monogram của Louis Vuitton
Frank Gehry là một kiến trúc sư với óc hài hước đầy tinh nghịch, người luôn đề cao khía cạnh tươi vui của thiết kế. Khi nhà Louis Vuitton mời ông thiết kế một chiếc túi xách, ông không chỉ đón nhận thử thách này mà còn đoán trước được phản ứng của những đồng nghiệp cùng thời.
“Chiếc túi này là một sản phẩm ngẫu hứng, những trải nghiệm trong suốt quá trình làm nên chiếc túi cũng giống như một cuộc chơi, nhưng theo một cách hoàn toàn nghiêm túc”, ông nói. Tôi tưởng tượng ra cảnh rất nhiều vị kiến trúc sưgạo cội sẽ dè bỉu mình về việc thiết kế nên chiếc túi này. Và đó là phần thú vị nhất!”.
Chiếc túi của Gehry là một mẫu thiết kế giới hạn dành cho bộ sưu tập Celebrating Monogram của nhà Louis Vuitton. Dự án này là đứa con tinh thần của Delphine Arnault, Phó tổng giám đốc điều hành của Louis Vuitton và Nicolas Ghesquière, Giám đốc nghệ thuật phụ trách các bộ sưu tập dành cho nữ của Louis Vuitton.
Sáu nghệ sĩ danh tiếng dẫn đầu trong các lĩnh vực thiết kế đã được chọn và được trao toàn quyền để tự do sáng tạo một chiếc túi xách và/hoặc một sản phẩm hành lý sử dụng họa tiết Monogram đặc trưng.
Cùng với Gehry, Louis Vuitton cũng mời nhà thiết kế Karl Lagerfeld của Chanel và Fendi; nhà thiết kế người Úc Marc Newson; nghệ sĩ Cindy Sherman; nhà thiết kế giày Christian Louboutin và nhà thiết kế Rei Kawakubo của thương hiệu thời trang Comme des garcons để cùng thiết kế những sản phẩm mang họa tiết Monogram. Những sản phẩm này sẽ được bày bán tại các cửa hàng của Louis Vuitton trên toàn thế giới. Chiếc túi phá cách của Gehry có lẽ là thiết kế cổ điển nhất trong số những tác phẩm này.
“Chiếc túi (mà tôi thiết kế) là thứ mà nếu làm to hơn một chút thì sẽ không ổn”, Gehry cho biết. “Bạn sẽ không bao giờ làm ra một chiếc túi bị chênh về một bên, đúng không? Bạn sẽ đặt mọi tâm trí khi chiêm ngưỡng một chiếc túi xách, đặc biệt là khi chiếc túi được đặt trên mặt bàn, đẹp như một pho tượng…
Tôi chưa bao giờ thật sự chú ý đến phần bên trong một chiếc túi xách, vì thế, khi suy nghĩ về điều này, tôi chợt nảy ra ý nghĩ: “Có lẽ sẽ là màu xanh dương”. Tôi thích sự tương phản giữa màu xanh và màu nâu Monogram… Tôi muốn hướng sự chú ý đến vẻ ngoài của chiếc túi.
Những gì chứa đựng bên trong chiếc túi đều mang tính riêng tư, và một màu xanh dương sẫm sẽ đem lại cảm giác gọn gàng hơn, giúp mọi thứ bên trong chiếc túi được rõ ràng và sáng sủa hơn. Tôi nghĩ mình đã có một hình ảnh tưởng tượng thú vị về những gì bên trong chiếc túi”.