Khác với hệ thống giáo dục Việt Nam, ngoài điểm số, các trường đại học ở các nước phát triển, đặc biệt là các trường trong “top” thường phải dựa vào nhiều yếu tố khác nhau ngoài bảng điểm và khả năng Anh văn để lựa chọn sinh viên. Và với những học sinh có mục tiêu xin học bổng thì yêu cầu thể hiện bản thân lại càng cao hơn. Một trong những yêu cầu quan trọng của một bộ hồ sơ tốt chính là thể hiện được những điểm mạnh của học sinh một cách đầy đủ nhưng vẫn khéo léo.
Khả năng lãnh đạo
Trong hàng ngàn hồ sơ nhập học có bảng điểm tương đương nhau, những trường đại học hàng đầu sẽ tìm kiếm và ưu tiên cho những học sinh có tố chất lãnh đạo, vì đó sẽ là những cá nhân có khả năng khiến người khác lắng nghe ý kiến của mình và tạo ra những ảnh hưởng nhất định. Khả năng lãnh đạo cũng “tự động” bao gồm luôn cả khả năng làm việc nhóm, giải quyết khó khăn, tính độc lập. Chính vì vậy, chỉ cần bạn chứng minh được tố chất lãnh đạo của mình, bạn sẽ có thể ghi rất nhiều điểm. Vậy làm sao để có thể trau dồi và chứng tỏ được khả năng lãnh đạo của mình?
Không ai có thể lãnh đạo khi chỉ có một mình được: Trước hết, bạn hãy tham gia vào một nhóm nào đó: đội văn nghệ, đội hướng đạo, CLB Tiếng Anh, đội tình nguyện, đội bóng đá… Và nhớ là phải dành cho bản thân mình đủ thời gian. Muốn trở thành người lãnh đạo, trước tiên bạn phải làm quen với hoạt động của nhóm, thân thiết với những bạn khác, học tập từ những người trưởng nhóm trước mình. Nếu muốn bổ sung chi tiết này vào hồ sơ xin học của mình, đừng đợi đến phút cuối mới nháo nhào tìm hoạt động để tham gia.
Quan trọng là bạn làm gì, chứ không phải bạn làm chức vụ gì: Bạn có thể kể ra 12 năm liên tục làm cán sự lớp, nhưng nếu công việc của bạn chỉ là thu tiền quỹ, điểm danh, ghi sổ đầu bài… thì cũng chẳng có ích lợi gì nhiều. Lãnh đạo là khi bạn dẫn dắt một tập thể trải qua một quá trình cụ thể để đạt được mục tiêu. Bạn cần phải miêu tả cụ thể bạn đã làm gì, thuyết phục mọi người ra sao, giúp cả nhóm hoạt động ăn khớp như thế nào. Và nhớ là, đừng “nổ” quá. Còn ở lứa tuổi học sinh, chắc chắn bạn sẽ không thể nào có khả năng lãnh đạo hoàn hảo mà không mắc sai lầm. Đừng ngại kể ra những vấp váp, hiểu lầm đã xảy ra, đi kèm với cách giải quyết và những bài học mà bạn đã rút ra từ những khó khăn đó.
Chỉ giữ vai trò lãnh đạo khi bạn thật sự sẵn sàng: Đừng cố gắng tìm cách đạt được vị trí lãnh đạo chỉ để làm đẹp cho hồ sơ của mình khi bạn thật sự không biết phải làm gì, không biết cách lắng nghe hay tệ nhất, không biết cách thuyết phục mà chỉ có thể dùng vị trí và quyền hạn để yêu cầu người khác làm theo. Khi bạn tham gia vào một hoạt động tập thể, nếu chưa thể giữ vị trí lãnh đạo ngay thì bạn cũng vẫn có thể làm tốt nhiệm vụ của riêng mình và trau dồi nhiều tố chất khác.
Hãy là người thực hiện
“Be a doer” là câu thần chú ở đây. Đừng chỉ lên những kế hoạch to tát nhưng không bắt tay vào thực hiện. Nếu bạn muốn chứng tỏ mình là một người có nhiều khát vọng và ý tưởng để đóng góp cho xã hội, để thay đổi thế giới, trước tiên hãy chứng tỏ mình là người biết hoàn thành những kế hoạch nhỏ và gần gũi trước đã: lên kế hoạch tổ chức Trung thu cho các em thiếu nhi nghèo trong khu phố, bán chè khúc bạch trong ba tháng hè, thuyết phục các bạn trong lớp mang khăn tay thay vì sử dụng khăn giấy để bảo vệ môi trường, tổ chức một chuyến đi dài ngày cho nhóm bạn… Đừng ngại lên những kế hoạch nhỏ và cho rằng nó không đáng giá cho hồ sơ xin học của bạn. Thay vì chỉ thực hiện kế hoạch một cách tự phát, bạn hãy tìm hiểu cách lên ý tưởng và thực hiện thời gian sao cho khoa học, luyện tập thói quen làm việc có “chiến lược” ngay từ những việc nhỏ nhặt.
Suy nghĩ khác biệt và tích cực
Bạn đã bao giờ nghe đến câu thành ngữ: “Think outside the box” chưa? Việt Nam cũng có một câu tục ngữ về chủ đề này, nhưng có ý nghĩa trái ngược đó là “Ếch ngồi đáy giếng”. Cả cái “box” hay “giếng” ở đây đều có thể được hiểu là các xu hướng, nguyên tắc, các bề nổi đang tồn tại trong xã hội. Chúng ta có thể sẽ thường xuyên được khuyên rằng, đây là những điều chúng ta cần phải làm theo để có thể được chấp nhận và thành công. Thực sự, đây cũng là một lựa chọn an toàn, nhưng quá an toàn cũng có nghĩa là bạn sẽ không thể nào học được những điều mới, hay trở nên nổi bật với các trường đại học hàng đầu.
Rất khó để đòi hỏi lứa tuổi học sinh có những trải nghiệm, những kinh nghiệm thực sự được. Chính vì vậy, các trường đại học sẽ muốn tìm hiểu xu hướng suy nghĩ và nhận thức của các bạn: Liệu bạn có phải là người biết để tâm đến cuộc sống xung quanh mình? Biết suy nghĩ và trăn trở đến những vấn đề ngoài cuộc sống của cá nhân mình? Có mong muốn thực hiện những ý tưởng của riêng mình và có đủ sự sáng tạo để đạt được điều đó? Có sẵn sàng chấp nhận những điều mình đã và đang biết là chưa đúng và sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới hay không? Muốn làm đúng, phải có nhận thức đúng, muốn khác biệt, phải có suy nghĩ khác biệt! Nhưng hãy tránh rơi vào trường hợp sau đây: bạn thấy quá nhiều điều tiêu cực tồn tại trong xã hội, và bạn chỉ tập trung vào việc lên án và chỉ trích mà thôi. Cũng có thể điều này giúp chứng tỏ bạn là một người có óc nhận xét, đánh giá sắc sảo đấy. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biết tìm ra mặt tích cực trong mỗi vấn đề và đưa ra những giải pháp. “Tích cực” chính là điểm đến cuối cùng mà bạn nên hướng đến.
Nhật Hà