Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 11 khởi đi với sự thận trọng và kết thúc trong sự lạc quan tương đối, khi những lo ngại của nhiều nhà đầu tư đã tạm qua đi. Sự lạc quan của thị trường thể hiện ở chỗ khối lượng cổ phiếu khớp lệnh cả tuần dù còn thấp nhưng phiên giao dịch cuối tuần đã vượt trên mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 116 triệu đơn vị) cho thấy lực cầu đang mạnh dần và nhà đầu tư đã bớt đi sự thận trọng. Trong các phiên giao dịch, sự giằng co luôn thể hiện và dù trải qua hai phiên giảm điểm VN-Index vẫn giữ được mốc 600, không những vậy còn tăng thêm 1,75 điểm (0,28%) so với cuối tuần trước, lên mức 602,59 điểm. HNX-Index khá hơn, tăng 1,72% để dừng ở 89,55 điểm. Thanh khoản cả hai sàn đều tăng nhẹ, 4,4% trên HoSE và 12,2% trên HNX.
Trong tuần, hoạt động chốt lời khiến áp lực bán gia tăng mạnh ở hai phiên (4-11 và 5-11), đối tượng bị xả hàng là các cổ phiếu lớn và các cổ phiếu đã tăng khá trong những ngày trước đó. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện, khiến cho giá không bị giảm xuống quá sâu và người giữ cổ phiếu không vội vàng bán ra. Chính dòng tiền bắt đáy hoạt động tích cực đã giúp tâm lý lo ngại của người có cổ phiếu không còn mạnh như trước và giúp cho thị trường khởi sắc hơn trong hai phiên cuối tuần. Đặc biệt, phiên 7-11, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khá mạnh trên HoSE, giúp thị trường càng thêm hào hứng. Tính chung cả tuần, trên HoSE, khối ngoại đã mua ròng hơn 189 tỉ đồng và là tuần mua ròng thứ hai liên tiếp của họ. Cộng với việc khối tự doanh của các công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng, có thể nói các nhà đầu tư cá nhân càng có thêm động lực để mua vào cổ phiếu.
Cũng trong tuần qua, đã có những lo ngại về tình hình margin tại các công ty chứng khoán, sau khi con số từỦy ban Chứng khoán Nhà nước công bố cho thấy lượng margin tính đến tháng 10-2014 là 17 ngàn tỉ đồng. Phải thấy rằng khi lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm, các kênh đầu tư khác không khởi sắc và đầu tư chứng khoán được đánh giá là kênh sinh lời tốt nhất ở thời điểm hiện tại, thì nhà đầu tư cá nhân sử dụng hoạt động margin khi cần để đẩy nhanh tốc độ sinh lời của mình là điều khó tránh khỏi. Thực ra, với quy mô vốn hiện nay của các công ty chứng khoán (khoảng 36 ngàn tỉ đồng), tỷ lệ margin như vậy vẫn ở mức an toàn và tổng hạn mức mà các công ty chứng khoán được phép cung cấp còn cao hơn nhiều so với con số nói trên. Một khi thị trường được đánh giá vẫn tăng trưởng trong trung và dài hạn, thanh khoản tăng so với trước, thì hầu hết các công ty chứng khoán đều muốn mở rộng quy mô và đẩy mạnh hoạt động cho vay margin nhằm tăng lợi nhuận. Ngoài ra, con số 17 ngàn tỉ đồng chỉ bằng khoảng 0,5% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng, nên chưa thể tạo ra những rủi ro mang tính hệ thống.
Kể từ khi lập đỉnh 644,6 điểm vào ngày 3-9-2014, VN-Index đã có một tháng điều chỉnh mạnh và hơn một tháng giao dịch giằng co với thanh khoản giảm sút. Sự điều chỉnh giảm của thị trường có nguyên nhân từ hiệu ứng tâm lý do một phần dòng vốn nước ngoài bị rút khỏi thị trường. Vậy nên, động thái mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài hai tuần qua là dấu hiệu cho thấy nguy cơ rút vốn mạnh ra khỏi thị trường của khối ngoại đã không còn. Điều này sẽ giúp cho VN-Index dần hồi phục và đi lên trong thời gian tới. Bên cạnh đó, mức P/E hiện tại của doanh nghiệp niêm yết trên HoSE là 14,6, thấp hơn đáng kể so với mức P/E trung bình của thị trường chứng khoán các nước trong khu vực, trong khi tăng trưởng GDP của nước ta dự báo không hề thua kém. Điều này có nghĩa là với các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có sự hấp dẫn tương đối so với thị trường của các nước trong khu vực. Việc Fitch Ratings nâng hạng về tín nhiệm nhà phát hành trái phiếu chính phủ (IDR) bằng ngoại tệ và nội tệ (IDR) của Việt Nam từ mức “B+” lên “BB-”, với triển vọng từ mức “Tích cực” lên “Ổn định” cũng cho thấy kinh tế vĩ mô của Việt Nam là khá tích cực.
Trong tháng 11 này, diễn biến đi ngang có lẽ sẽ duy trì, khi những tin tức liên quan tới kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã được đưa ra và hầu như đã phản ánh ngay vào giá cổ phiếu. Phiên giao dịch đầu tuần mới (10-11) thể hiện xu hướng này: Suốt phiên VN-Index tăng điểm với sự tăng giá ổn định của đa số cổ phiếu trên sàn, nhưng vào phiên giao dịch ATC cuối ngày, các lệnh bán dồn dập khiến cho VN-Index quay đầu giảm điểm. Kết phiên, VN-Index dừng ở 602,12 điểm, giảm 0,47 điểm so với cuối phiên trước, giá trị giao dịch tăng mạnh lên hơn 2.850 tỉ đồng.
Thành Huân