Một số người nước ngoài sống ở Việt Nam nhận xét rằng đa số người Việt chưa quan tâm nhiều đến các tác phẩm nghệ thuật, nhất là những tác phẩm nghệ thuật có dấu ấn lịch sử. Với tầng lớp trung lưu ngày một đông ở Việt Nam, nghệ thuật vẫn chưa được xem là một sự đầu tư có giá trị. Có lẽ người ta đang băn khoăn không biết liệu nó có đem lại những món hời trong tương lai hay không, và chỉ khi chắc chắn được câu trả lời, họ mới dám mạnh dạn quan tâm hơn.
Tuy nhiên, một sự kiện diễn ra gần đây cho thấy vẫn có những ngoại lệ. Câu chuyện các tổ chức của Việt Nam cùng hợp sức mua lại chiếc xe kéo cổ của Hoàng thái hậu Từ Minh (mẹ vua Thành Thái) trong một cuộc đấu giá ở Pháp là một tín hiệu đáng mừng. Việc mua lại được chiếc xe kéo, một cổ vật của Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp người Việt nhận thức rõ hơn về giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Điều mà phía bảo tàng của Việt Nam đã làm được là bắt đầu đưa các di vật lịch sử về nước. Những câu chuyện tương tự cũng diễn ra với nhiều nước trên thế giới. Các cuộc chiến tranh trong quá khứ dẫn đến việc có nhiều di sản quốc gia bị lưu lạc và ngày nay mỗi quốc gia vẫn đang nỗ lực đi tìm lại các bảo vật của mình. Nghệ thuật không chỉ là những tác phẩm đẹp, đó còn là lịch sử.
Tôi nhớ lại một bộ phim của George Clooney, trong đó các diễn viên như George, Matt Damon và Bill Murray đóng vai các chuyên gia và nhà khoa học dẫn đầu một nhóm lính đi tìm những tác phẩm nghệ thuật vô giá trước khi Hitler và chế độ Đức Quốc xã hủy hoại chúng. Một trong các diễn viên đã nói rằng: “Bạn có thể quét sạch một thế hệ, đốt phá tan hoang nhà họ nhưng bằng cách nào đó họ vẫn quay lại được. Tuy nhiên, nếu bạn hủy diệt lịch sử và các thành tựu của họ thì điều đó sẽ khiến cho họ như thể chưa bao giờ tồn tại”.
Nếu những bức tranh của Picasso, Monet và Van Gogh mất đi, một phần lớn lịch sử châu Âu có thể mất theo cùng. Hãy đi du lịch ở các nước châu Âu, bạn sẽ thấy các tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng được đặt ở những phòng trưng bày trang trọng nhất ngay trung tâm thành phố và trong những tòa nhà ấn tượng nhất. Thành phố Glasgow của tôi cũng có rất nhiều tòa nhà kiến trúc Gothic được chọn làm nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật.
Hiện nay Việt Nam cần có thêm nỗ lực tương tự như câu chuyện mua lại chiếc xe kéo cổ nói trên để đem về những tác phẩm nghệ thuật bị thất lạc. Mặc dù việc này còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí và thông tin, nhưng ý nghĩa của nó xứng đáng với những nỗ lực bỏ ra. Có thể đến một ngày nào đó nghệ thuật sẽ trở thành điều ưu tiên và các thế hệ về sau sẽ tự hào với lịch sử của quốc gia thông qua sự thần kỳ của nghệ thuật.
Luật sư Amal Clooney, người vợ mới của nam tài tử George Clooney đang tham gia vào nhóm các luật sư tư vấn cho Hy Lạp trong việc đòi lại bộ tượng cẩm thạch Parthenon hiện đang trưng bày ở bảo tàng Anh. Biết đâu câu chuyện tương tự cũng sẽ xảy ra ở Việt Nam trong tương lai.
Bài Derek Milroy
Lê Tâm dịch