Để diễn đạt cảm xúc và truyền đi thông điệp tinh thần của mình đến với công chúng, các nghệ sĩ tạo hình có thể dùng bất kỳ chất liệu nào, với họa sĩ trẻ Yusuke Asai (Nhật Bản) thì bùn đất là thứ chất liệu sáng tác chính của anh.
Tại gallery Rice ở Houston, bang Texas (Mỹ) đang diễn ra triển lãm cá nhân mới nhất của Yusuke Asai với những tác phẩm vẽ bằng bút đất kích thước lớn. Triển lãm sẽ kéo dài đến 23-11-2014 và đây là phòng tranh cá nhân thứ 22 của Yusuke Asai, cho thấy sức làm việc cũng như thành công về mặt nghệ thuật của một họa sĩ sinh năm 1981 ở Tokyo, chưa từng học chuyên môn hội họa bậc đại học mà chỉ mới tốt nghiệp một khóa học trung cấp về gốm mỹ thuật năm 1999.
Cũng như nhiều triển lãm trước đây của anh, trong triển lãm ở gallery Rice lần này, Yusuke Asai cần có một đội trợ thủ để giúp anh thực hiện những tác phẩm hội họa từ bùn đất với khổ rất lớn. Trong vòng hai tuần, những “bức tranh bùn đất” do Yusuke Asai vẽ đã phủ kín các bức tường và cả sàn phòng tranh. Tranh được vẽ bằng chính nguyên liệu bản địa: bùn đất của Houston. “Có rất nhiều loại đất khác nhau ở Houston nói riêng và rộng hơn là bang Texas. Thoạt tiên, tôi hy vọng mình sẽ vẽ với mười loại đất, nhưng cuối cùng tôi đã dùng tới 27 loại: đây là dải màu rộng nhất ở một địa phương mà tôi đã dùng vẽ tranh”, Yusuke Asai cho biết. Khi bắt đầu nhận thực hiện dự án nghệ thuật này, Yusuke Asai nghĩ chỉ cần khoảng mười loại đất ở địa phương là đã quá đủ cho nhu cầu sáng tạo của mình, nhưng rồi anh hết sức ngạc nhiên và hài lòng khi nhận được những quà tặng từ các sinh viên mỹ thuật và tình nguyện viên: 17 loại đất nữa, trong đó có các sắc đỏ, vàng và xanh lục. Dù đã vẽ bằng bùn đất từ năm 2008, chưa bao giờ Yusuke Asai có trong tay nguồn “màu” phong phú đến vậy.
Tại sao Yusuke Asai lại dùng đất thay vì bất kỳ chất liệu nào khác để sáng tác hội họa? Anh giải thích: “Đất trong thiên nhiên rất khác với các loại chất liệu được bán ở các cửa hàng vật phẩm mỹ thuật. Các hạt giống nảy nở trên đất, trở thành nơi cư trú của côn trùng và vi sinh vật. Đất là một chất liệu sống”. Cũng chính vì thế mà những bức tranh tường khổ lớn được triển lãm tại gallery Rice có tên tiếng Nhật là Yamatane (nghĩa là “Hạt giống trên núi”). Và trên những mảnh đất màu mỡ ấy, họa sĩ vẽ những sinh vật và thực vật có thực cũng như chỉ có trong thế giới tưởng tượng của anh.
Yusuke Asai cho biết: “Trước khi vẽ, tôi không hề quyết định về câu chuyện hay ý nghĩa của tác phẩm mình sắp thực hiện. Những hình ảnh và sinh vật trong tranh đến với tôi trong quá trình sáng tác. Những chồn, mèo, chim chóc và ánh dương – mọi thứ đều có vị trí trong tranh; rồi những phần biến mất và những thứ được thêm vào. Thế giới chấp nhận chúng và thế giới đang biến đổi. Tôi bắt đầu mỗi bức tranh bằng cách suy nghĩ về những điều nhỏ nhặt không đếm xuể, chúng đến cùng nhau và tạo thành một thế giới rộng lớn…”.
Thật đáng ngạc nhiên khi biết Yusuke Asai gần như chỉ tự học hội họa. Sau khi biết mình không được nhận vào một trường đại học mỹ thuật, anh đã nghiên cứu nghệ thuật dân gian và nghệ thuật bộ tộc tại các bảo tàng và thảo cầm viên, tự mày mò sáng tác theo cách riêng của mình và dần dà hoàn thiện kỹ thuật sáng tác tranh tường với chất liệu bùn đất. Năm 2012, Yusuke Asai tham dự Liên hoan tranh tường tổ chức tại Ấn Độ. Được khởi xướng từ năm 2006, liên hoan có mục đích gây quỹ từ các học sinh Nhật để giúp các vùng nghèo khó ở Ấn Độ. Yusuke Asai đã đến làng Sujata nghèo khó ở bang Bihar vẽ tranh bằng bùn đất và hướng dẫn học sinh, trẻ em trong làng vẽ cùng anh, giúp các em nhận thức và khám phá năng lực nghệ thuật có thể chưa được phát lộ của mình.
Ngoài các triển lãm, tranh của Yusuke Asai được trưng bày vĩnh viễn tại nhiều bảo tàng ở Nhật, như: Bảo tàng Ohara ở Okayama, Bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở Fukuoka, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại ở Tokyo, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Gunna…
- Lê Bản