Tại lễ phát động hưởng ứng chương trình 90-90-90 của Liên Hiệp Quốc hướng tới kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức chiều 25-10 với sự hiện diện của ông Michel Sidibe – Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kiêm Giám đốc điều hành UNAIDS cùng lãnh đạo các bộ ngành, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm khẳng định rằng Việt Nam quyết tâm chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, nhưng các hoạt động phòng chống HIV/AIDS chỉ có thể thành công với sự nỗ lực, chung tay không chỉ của chính quyền các cấp, mà còn ở sự giúp đỡ của người thân, cộng đồng, đoàn thể xã hội đối với những người có nguy cơ nhiễm, đã nhiễm và đang điều trị.
Mục tiêu của chương trình ba con số 90 là đảm bảo “90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của bản thân; 90% trong số này được điều trị ARV suốt đời; 90% số người điều trị ARV đáp ứng tốt để không lây nhiễm cho người khác”. Việc thực hiện thành công chương trình sẽ là nền tảng vững chắc để có thể chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030. Cung cấp thêm thông tin về hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết trong khoảng bảy năm qua, cả nước đã thu được nhiều kết quả tích cực với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế về kỹ thuật và tài chính, vì vậy tỷ lệ nhiễm HIV mới, số bệnh nhân AIDS cũng như số tử vong đã giảm liên tục. Tuy nhiên, nước ta đang bước vào giai đoạn mới có nhiều khó khăn khi chiều hướng dịch giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, cụ thể là mỗi năm có khoảng 12-14 ngàn người nhiễm HIV/AIDS mới được phát hiện, trong khi đó vẫn tồn tại tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV. Mặt khác, người nhiễm HIV/AIDS chưa hết khó khăn khi muốn tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán và điều trị y tế…
Trên thực tế, Việt Nam còn cách khá xa mục tiêu của chương trình 90-90-90, do đó hướng hành động cụ thể là ưu tiên một số giải pháp quan trọng, gồm chủ động giám sát các ca bệnh; mở rộng mạng lưới xét nghiệm, phân cấp đến y tế cơ sở để những người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS dễ tiếp cận; tăng cường truyền thông để xóa dần tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử; mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị; theo dõi chặt chẽ chất lượng điều trị… Bên cạnh đó, cần tiếp tục khống chế dịch, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao, các địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS. Kinh phí dành cho phòng chống HIV/AIDS phải được chuyển từ chủ yếu dựa vào viện trợ sang huy động các nguồn lực từ Nhà nước và toàn xã hội. Nếu đầu tư với mức độ trung bình 92 triệu USD/năm, chúng ta có thể cứu được 150 ngàn người không bị nhiễm HIV và kết thúc đại dịch này vào năm 2030.
Nguyễn Thắng