Học bổng Eiffel – Pháp
Ngoài các nước nói tiếng Anh, Pháp cũng là một trong những điểm đến thu hút được nhiều du học sinh Việt. Và chính phủ Pháp cũng khá ưu ái với sinh viên quốc tế cũng như sinh viên Việt Nam theo học tại đất nước mình. Học bổng Eiffel cũng có các đặc điểm tương tự như Fulbright, Chevening hay Endeavour. Đây là học bổng cao nhất của Chính phủ Pháp dành cho sinh viên xuất sắc muốn theo học bậc thạc sĩ, kỹ sư hay tiến sĩ tại Pháp trong các trường đại học, học viên công lập ở nước này. Hằng năm có khoảng 400 sinh viên quốc tế xuất sắc được nhận học bổng và Việt Nam thường giành được khoảng 50 suất mỗi năm cho tất cả các lĩnh vực. Các ngành học được trao học bổng là:
• Cơ khí và Công nghệ
• Khoa học ứng dụng
• Khoa học cơ bản
• Kinh doanh và quản lý
• Luật
1. Trị giá học bổng
Học bổng Eiffel không bao gồm học phí, tuy nhiên các trường đại học tại Pháp đều cung cấp các chương trình tài chính tốt nhất có thể cho ứng viên được học bổng.
Người hưởng học bổng Eiffel được nhận một khoản trợ cấp hằng tháng là:
• 1.181 euro (đối với thạc sĩ)
• 1.400 euro (đối với tiến sĩ)
Thêm vào đó là việc chi trả nhiều dịch vụ khác như:
• Vé máy bay khứ hồi
• Bảo hiểm y tế
• Hoạt động văn hóa
Những người được hưởng học bổng có thể được hưởng trợ cấp phụ về nhà ở. Đây là mức học bổng khá cao vì sinh viên thường chỉ tốn khoảng 600-700 euro/tháng cho mọi khoản chi tiêu khi du học tại Pháp. Phí đăng ký vào các trường đại học công lập của Pháp được miễn cho sinh viên dựa trên chương trình học bổng Chính phủ Pháp.
2. Điều kiện học bổng
Sinh viên phải liên hệ với các trường đại học tại Pháp và đề nghị nhà trường đứng ra hỗ trợ cho hồ sơ của sinh viên (chấp nhận sinh viên vào học, giới thiệu sinh viên cho ban xét tuyển học bổng, miễn học phí…).
Các trường đại học của Pháp lập ra danh sách chọn lọc thí sinh để tìm ra ứng viên ưu tú nhất.
Ứng viên có đủ điều kiện tham dự chương trình nếu được đăng ký vào một khóa học thạc sĩ hay một trường đại học (ngành khoa học kỹ thuật) hoặc một khóa PhD được đồng giảng dạy, hướng dẫn hay giám sát bởi một trường đại học đối tác nước ngoài.
Ứng viên cho các khóa thạc sĩ không được quá 30 tuổi vào thời điểm hạn chót cho việc tuyển chọn.
Học bổng Song phương Bỉ
Bỉ là một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển nhất châu Âu cùng đời sống an sinh xã hội ổn định. Ngoài Pháp, Bỉ cũng là một trong những quốc gia được nhiều du học sinh Việt Nam quan tâm. Học bổng song phương Bỉ được cấp thông qua Tổng vụ Hợp tác Phát triển và Viện trợ nhân đạo (DGD) thuộc Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Hợp tác Phát triển, dành cho các cán bộ trẻ tuổi Việt Nam mong muốn được theo học các khóa đào tạo thạc sĩ tại các trường đại học của Vương quốc Bỉ. Chương trình học bổng này được quản lý và thực hiện bởi Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội và Cơ quan Phát triển Bỉ (BTC).
Năm học 2014-2015 sẽ có 30 suất học bổng thạc sĩ toàn phần.
Mỗi suất học bổng toàn phần sẽ bao gồm vé máy bay khứ hồi đến Vương quốc Bỉ, toàn bộ học phí, bảo hiểm y tế cơ bản, học bổng hằng tháng và các khoản trợ cấp khác.
1. Đối tượng đăng ký
Tất cả thí sinh từ mọi vùng, miền của Việt Nam, từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân được khuyến khích nộp đơn.
Thí sinh tham gia dự tuyển cần có thành tích học tập tốt và kinh nghiệm làm việc phù hợp với nội dung khóa học lựa chọn.
Thí sinh cần chứng tỏ được tiềm năng đóng góp vào công cuộc phát triển của Việt Nam.
Phụ nữ và những người ở vùng sâu, vùng xa được đặc biệt khuyến khích nộp hồ sơ xin học bổng.
2. Điều kiện tham gia dự tuyển
Thí sinh tham gia dự tuyển cần thỏa mãn các điều kiện sau:
• Là công dân Việt Nam, sinh sống và làm việc tại Việt Nam vào thời điểm nộp đơn;
• Không phải là công dân hay đang cư trú tại Bỉ hoặc các nước đang phát triển khác (theo danh sách của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế – OECD);
• Không kết hôn hay đính hôn với công dân Bỉ hoặc người có quốc tịch Bỉ;
• Không quá 35 tuổi tại thời điểm nộp đơn;
• Tốt nghiệp đại học chính quy;
• Có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc (kể từ khi chính thức tốt nghiệp đại học cho đến thời điểm nộp đơn). Có kinh nghiệm làm việc phù hợp với ngành học thạc sĩ định theo học;
• Có trình độ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp tốt. Chương trình BBS yêu cầu như sau:
– Tiếng Pháp: tối thiểu DEFL B2 / TCF 400-500.
– Tiếng Anh: tối thiểu IELTS 6.5 / TOEFL computer 213 / TOEFL iBT 79-80.
Lưu ý:
– Các thí sinh nên liên hệ trực tiếp với các trường đại học ở Vương quốc Bỉ để được khẳng định về việc có khóa học và ngôn ngữ giảng dạy trước khi nộp đơn.
– Thí sinh cần có trình độ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp tốt để có thể theo học tại Vương quốc Bỉ. Vì vậy thí sinh cần liên hệ trực tiếp với các trường đại học của Bỉ để biết được yêu cầu ngoại ngữ cụ thể cho từng khóa học. Trong trường hợp yêu cầu điểm ngoại ngữ của khóa học/trường lựa chọn cao hơn so với yêu cầu của BBS thì thí sinh cần phải thỏa mãn điều kiện này trước khi nộp đơn xin học bổng.
– Thí sinh không bắt buộc phải có thư mời nhập học của trường đại học Bỉ trước khi nộp đơn xin học bổng. Tuy nhiên, nếu có, thư mời nhập học này sẽ giúp đẩy nhanh quy trình sàng lọc hồ sơ và tuyển chọn của ban tuyển sinh.
– Chứng chỉ GMAT/GRE sẽ được yêu cầu bởi một số trường đại học của Bỉ đối với các khóa học về quản lý, kinh tế, tài chính hoặc khoa học tự nhiên. Thí sinh cần kiểm tra thật kỹ với khóa học/trường lựa chọn về yêu cầu này trước khi nộp hồ sơ tới Đại sứ quán.
Học bổng ASEAN – New Zealand
Đây là học bổng nhằm giúp cho những nhà lãnh đạo tiềm năng có cơ hội nâng cao kiến thức, kỹ năng và các điều kiện cần thiết cho sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế, chính trị xã hội của các quốc gia trong khối ASEAN. Cụ thể, chương trình học bổng này dành cho sinh viên quốc tế các nước khu vực ASEAN (Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam). Mỗi năm, chính phủ New Zealand cấp khoảng 30 suất học bổng thạc sĩ cho các ứng viên Việt Nam.
Học bổng bao gồm vé máy bay khứ hồi, toàn bộ học phí, sinh hoạt phí, chi phí lúc mới sang…
Các lĩnh vực được ưu tiên:
• Phát triển nông nghiệp – Thú y, bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, nông nghiệp và trồng trọt, an toàn thực phẩm và chất lượng thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ sinh học, an toàn sinh học, sản xuất rau quả sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, quản lý kinh doanh nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp
• Quản lý rủi ro thiên tai – Quản lý khẩn cấp, đánh giá và quản lý rủi ro, thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường, địa chất, lập kế hoạch và phát triển đất
• Quản lý công – Luật, tư pháp, cải cách luật pháp và tư pháp, hành chính công, chính sách và quản lý nhà nước
• Phát triển lĩnh vực tư nhân – Tạo thuận lợi cho thương mại, thương mại quốc tế, chính sách thương mại, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, quản lý khu vực tư nhân, kinh tế phát triển, kinh tếứng dụng, năng suất dây chuyền, kế toán, tài chính, ngân hàng, thương mại, marketing, kinh doanh, quản lý cung cấp, du lịch và năng lượng tái tạo
• Đào tạo tiếng Anh
1. Điều kiện dự tuyển
Yêu cầu về tiếng Anh: Mỗi cơ sở đào tạo sẽ có yêu cầu tiếng Anh khác nhau, thế nên bạn sẽ cần phải kiểm tra các điều kiện nhập học IELTS hay TOEFL của trường mà bạn đăng ký.
2. Yêu cầu về hồ sơ
• Là công dân Việt Nam
• Không phải là công dân hay thường trú nhân ở New Zealand, Úc hay các quốc gia phát triển khác
• Không kết hôn hay có ý định kết hôn với công dân hay thường trú nhân ở các quốc gia phát triển
• Có bằng cử nhân cho ứng viên thạc sĩ và có bằng thạc sĩ cho ứng viên tiến sĩ
• Được một trường nào đó trên lãnh thổ New Zealand nhận vào học
• Dưới 40 tuổi ở thời điểm đăng ký thạc sĩ và dưới 45 tuổi ở thời điểm đăng ký tiến sĩ
• Có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc (ứng viên dưới 25 tuổi không cần có hai năm kinh nghiệm, với điều kiện chứng minh mình có kết quả học tập xuất sắc, hoặc chứng minh được mình là một nhà lãnh đạo tiềm năng).
Nhật Hà