Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ đầu năm đã không còn là nỗi lo của người dân như trước. Mức lạm phát thấp được duy trì, lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm, còn thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng và cả lãi suất trái phiếu chính phủ các kỳ hạn cũng ngày càng giảm. Tất cả tạo tiền đề cho tín dụng tăng tốc, nhưng trên thực tế vốn huy động vẫn đang tăng trưởng với tốc độ cao hơn nhiều so với tín dụng. Đồng vốn ngân hàng huy động được từ khu dân cư vẫn đang ế, chưa vào được khu vực sản xuất – kinh doanh. Một số ngân hàng thương mại lớn đã chủ động giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia mạnh dạn dự báo trần lãi suất huy động có khả năng giảm thêm khoảng 0,25 – 0,5%, kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Có thể nói, áp lực giảm trần lãi suất huy động đang ngày một lớn hơn với các nhà điều hành. Tuy nhiên, mới đây đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng mức lãi suất điều hành hiện nay (trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới sáu tháng là 6%/năm) vẫn hợp lý, còn việc một số ngân hàng chủ động giảm lãi suất huy động xuống mức dưới 6%/năm là do tính chủ động của từng tổ chức tín dụng. Khi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất dưới mức trần mà vẫn huy động được tiền gửi thì điều này rất tích cực, chứng tỏ lãi suất tiền gửi – cho vay hoàn toàn được quyết định bởi cung – cầu về vốn trên thị trường.
Các nhà điều hành tỏ ra thận trọng như vậy cũng hợp lý, bởi việc giảm lãi suất huy động thêm nữa có thể tạo áp lực cho toàn hệ thống ngân hàng và ảnh hưởng đến lợi ích của người gửi tiền. Trần lãi suất cho vay quy định đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện là 8%/năm. Trong bối cảnh lạm phát năm nay được dự báo trong khoảng 5%, thì trần lãi suất tiền gửi 6%/năm là phù hợp, vừa đảm bảo lợi ích của người gửi tiền (lãi suất thực dương) vừa duy trì lợi ích của các ngân hàng.
Dĩ nhiên, lãi suất cho vay của ngân hàng giảm thì chi phí đầu vào của doanh nghiệp cũng giảm theo tương ứng, lợi nhuận sẽ tăng lên. Một mặt, các ngân hàng thương mại cho rằng họ vẫn đang tích cực giảm lãi suất cho các khoản vay cũ cũng như mới và hiện lãi suất cho vay đã ở mức hợp lý với điều kiện của các doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, các ngân hàng cũng khẳng định việc giảm lãi suất trên thực tế không tác động nhiều đến cầu tín dụng, vì sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp còn yếu. Vì vậy, nếu chỉ vì mục đích kích cầu tín dụng thì vấn đề không nằm ở giảm lãi suất mà phải làm sao để doanh nghiệp có thể tiêu thụ được hết hàng tồn kho, rồi đầu tư vào mở rộng sản xuất.
Lập luận của các ngân hàng cũng hợp lý nhưng chưa đầy đủ. Thực ra, không cần lãi suất huy động phải giảm tiếp thì ngân hàng mới có thể giảm lãi suất cho vay. Bởi mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của nhiều ngân hàng thời gian qua đã tăng nhẹ, chứng tỏ tốc độ giảm của lãi suất cho vay chậm hơn của lãi suất huy động. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến hết tháng 7-2014, lãi suất tiền gửi bình quân trên thị trường là 5,53%/năm, giảm 0,6%/năm so với tháng
12-2013, trong khi lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng là 10,08%/năm, chỉ giảm 0,25%/năm so với tháng 12-2013. Nghĩa là nếu cần, ngân hàng vẫn có thể giảm thêm lãi suất cho vay so với hiện nay, đỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp, mà không cần Ngân hàng Nhà nước phải giảm trần lãi suất huy động. Còn phần hấp thụ nguồn vốn ấy như thế nào là tùy thuộc vào sức khỏe của từng doanh nghiệp.
Minh Hằng