Thế giới cần nỗ lực hơn nữa để đối phó với dịch bệnh Ebola
Theo Tổ chức Bác sĩ không biên giới (Medecins sans Frontières – MSF), những nỗ lực của thế giới là không đủ để chống lại dịch bệnh Ebola. Liên Hiệp Quốc mới cảnh báo tình trạng thiếu thốn lương thực nghiêm trọng tại những quốc gia đang bị đại dịch này tấn công. MSF khẳng định giới lãnh đạo các nước vẫn chưa thể tìm cách giải quyết vấn đề dịch bệnh này cũng như đưa ra một hành động phản ứng khẩn trương và mang tính toàn cầu trong việc hỗ trợ nguồn lực lẫn con người đối với khu vực Tây Phi. Theo chủ tịch MSF, Joanne Liu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 8-8 thông báo dịch bệnh Ebola đã ở trong tình trạng khẩn cấp quốc tế nhưng không một hành động cương quyết nào được các nước đưa ra và không một quốc gia nào thật sự muốn hợp tác với nhau trong việc tìm kiếm liệu pháp toàn cầu. Trước mắt, bà Liu kêu gọi cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ ngân sách cho thêm nhiều giường bệnh tại các hệ thống bệnh viện địa phương, cung cấp thêm nhân viên y tế có kinh nghiệm cũng như trang bị các phòng khám di động trên khắp các quốc gia Tây Phi như Guinea, Sierra Leone và Liberia. Bà Liu cũng cho biết các bệnh viện tại đây phải từ chối nhiều bệnh nhân mỗi ngày bởi họ đã có quá đông bệnh nhân để săn sóc và các tài xế xe cứu thương buộc phải bỏ mặc bệnh nhân vì không thể chở họ đến bệnh viện.
Theo số liệu mới nhất từ WHO, dịch bệnh Ebola đến nay đã giết chết hơn 1.550 người và hiện có hơn 3.000 người mắc nhiễm. Với mức độ nhiễm bệnh hiện tại, MSF lo ngại rằng sẽ cần từ 6-9 tháng và ít nhất khoảng 490 triệu USD để đưa Ebola trở về tầm kiểm soát và khi ấy đã có hơn 20.000 bệnh nhân. Ngoài ra, Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cảnh báo rằng việc hạn chế trong giao thông tại các nước Tây Phi đã dẫn đến tình trạng thiếu thốn lương thực, người dân hoang mang và giá cả thực phẩm leo thang. Việc đóng cửa biên giới giữa các nước Tây Phi vì dịch bệnh cũng như hạn chế giao thông đường biển đã khiến việc cung cấp thực phẩm đến người dân trở nên vô cùng khó khăn. Từ Senegal đến Liberia và Congo, giá lương thực trung bình tăng 150% kể từ đầu tháng 8 đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu dịu xuống trong thời gian tới. Do đó, đầu tuần qua, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) trực thuộc Liên Hiệp Quốc cũng đã khẩn trương tiến hành chương trình cứu tế khẩn cấp đưa 65.000 tấn lương thực đến với hơn 1,3 triệu người tại khu vực bị dịch bệnh hoành hành.
B. Trịnhtheo AFP