Trong khi người dân TP.HCM đỏ mắt tìm nguồn thủy sản sạch để phục vụ bữa ăn hằng ngày thì tại Bến Tre, nhiều loại thủy sản tự nhiên của những người giữ rừng ngập mặn lại khó tìm đầu ra và luôn bị thương lái ép giá. Trước thực trạng này, cô gái xứ dừa Trịnh Thị Ngọc Hiện đã khởi nghiệp dự án Kinh doanh với người giữ rừng để xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho thủy sản rừng ngập mặn, góp phần cải thiện đời sống của người giữ rừng.
Tốt nghiệp ngành Quản lý môi trường, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM và có nhiều năm làm việc tại xã Thạnh Phong, khu vực giáp biển tỉnh Bến Tre, Trịnh Thị Ngọc Hiện sớm nhận thấy tiềm năng lớn từ nguồn thủy sản tự nhiên tại đây chưa được khai khác hợp lý. Khoảng 1.000ha rừng ngập mặn ở xã này được nhà nước giao cho dân bảo tồn và khai thác với chi phí 100.000 đồng/ha.
Theo ước tính, mỗi ha rừng cho gần 1.000kg thủy sản các loại, sẽ mang lại nguồn thu nhập khá để cải thiện đời sống của người giữ rừng. Tuy vậy, phần lớn nguồn thủy sản này lại có đầu ra bấp bênh vì được bán tại địa phương với mức giá thấp và bị đánh đồng với các loại thủy sản nuôi công nghiệp. Hậu quả, nhiều hộ giữ rừng không đủ sống phải bỏ nghề hoặc khai thác theo kiểu tận thu. “Làm thế nào để giải quyết khâu phân phối sản phẩm, nâng cao chất lượng đời sống cho người giữ rừng?” chính là bài toán cần giải để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Vậy là Hiện bắt tay vào xây dựng dự án Kinh doanh với người giữ rừng, tạo thương hiệu cho sản phẩm thủy sản tự nhiên của đất biển Thạnh Phong.
Với 5 triệu đồng, cô gái trẻ cùng một vài người bạn bắt đầu tìm hiểu thị trường và quyết định đưa thủy sản lên TP.HCM để chào bán. So với khu vực miền Tây, khách hàng TP.HCM dù khó tính nhưng lại sẵn sàng chi trả đúng giá trị sản phẩm nếu đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ và yếu tố 100% tự nhiên. Mạo hiểm với số vốn ít ỏi ban đầu, Hiện bao tiêu sản phẩm từ những người giữ rừng với giá cao hơn 15% của thương lái, rồi triển khai quảng bá thương hiệu, chạy quảng cáo, giới thiệu đến khách du lịch…
Ban đầu, chỉ có hai hộ dân chịu bán hàng cho Hiện. Đến nay, khi sản phẩm đã có quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản bài bản và bán tại các đại lý uy tín ở TP.HCM, số hộ giữ rừng tham gia cung ứng sản phẩm đã tăng lên 10 hộ (khoảng 100ha). Điều làm Hiện vui nhất là ý thức người dân ở đây đã thay đổi khá nhiều. Việc đánh bắt thủy sản dưới tán rừng đã có trách nhiệm hơn, khi người dân chỉ bắt những con cá to, giữ lại những con cá nhỏ và biết tận dụng cảnh quan của rừng để làm du lịch sinh thái nhằm tăng thu nhập, phát triển bền vững dưới tán rừng ngập mặn.
Dự án khởi nghiệp của Hiện vừa đoạt giải ba cuộc thi “Dự án khởi nghiệp lần 2 năm 2016” do trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức. Dù vậy, hành trình phía trước còn lắm gian nan. Theo Ngọc Hiện, sản phẩm từ người giữ rừng đã đảm bảo yếu tố sạch, tuy nhiên cái khó nhất là tìm thị trường. Với hai điểm bán và số lượng bán ra khoảng 100 đến 200kg thủy sản/tuần như hiện nay, sản phẩm từ rừng của 10 hộ dân vẫn chưa được tiêu thụ hết để nhân rộng ra các hộ còn lại.
Hiện rất mong sẽ tìm được nguồn vốn để đầu tư thiết bị máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy nhanh việc mở rộng thị trường. Thậm chí, nếu có người bỏ vốn và làm tốt hơn mình, cô gái trẻ sẵn lòng làm nhân viên vì mong muốn của Hiện là cải thiện thu nhập của người giữ rừng một cách bền vững. Về lâu dài, Hiện mong có thể nâng giá trị của các sản phẩm từ người giữ rừng lên 20 – 25%.