Cuộc chiến dằng dai giữa quân đội Iraq và lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đang ngày càng đặt ra nhiều vấn đề nhân đạo cần giải quyết. Phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Brussels hôm 4-6 vừa qua, Điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, bà Lise Grande, cho biết là từ nay đến cuối năm 2015, cộng đồng quốc tế cần ít nhất 500 triệu USD để thỏa mãn những nhu cầu khẩn cấp của 5,6 triệu người Iraq đã phải rời bỏ chỗ ở để tránh những nguy cơ do chiến cuộc gây ra. Theo Ủy ban châu Âu (EC), tính chung hiện nay có khoảng 8,2 triệu người Iraq cần được cứu trợ khẩn cấp, từ thức ăn hằng ngày đến thuốc chữa bệnh. EC cũng dự đoán trong sáu tháng nữa, con số trên sẽ tăng lên 10 triệu người, bao gồm hầu hết người thuộc các sắc tộc cư trú trên đất nước Iraq.
Hiện nay, người tỵ nạn Iraq đang sống rải rác trong khoảng 3.000 trại, nơi những dịch vụ cơ bản hoặc chưa đầy đủ, hoặc không có dịch vụ nào hết. Nguồn thức ăn cung cấp bị gián đoạn, bệnh viện biến thành tro bụi, còn trường học thì đã được cải biến thành nơi tạm trú cho người tỵ nạn trên đường trốn tránh chiến cuộc.Tình trạng các phụ nữ di tản càng tồi tệ hơn, số người bị bắt cóc, bị lạm dụng tình dục có hệ thống, bị làm nô lệ ngày càng nhiều. Theo Liên Hiệp Quốc, luật pháp đang bị buông lỏng tại nhiều nơi ở Iraq và tệ nạn cưỡng dâm phụ nữ đang trở thành chuyện phổ biến hằng ngày đối với hàng ngàn phụ nữ tỵ nạn. Vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là chuyện kinh phí. Các nhà hoạt động nhân đạo rất nỗ lực nhưng lực bất tòng tâm, sẽ có trên 50% hoạt động của họ bị bãi bỏ hoặc tiết giảm nếu như tiền không được rót xuống như dự tính. Đã có 77 trung tâm y tế ở tuyến đầu bị đóng cửa và thực phẩm đang cung cấp cho trên 1 triệu người bị cắt giảm. Ngày 2-6 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra lời cảnh báo rằng từ nay đến cuối năm 2015, chỉ riêng hoạt động của các tổ chức y tế cũng cần trên 60 triệu USD. Hiện nhiều căn bệnh đang đe dọa các trại tỵ nạn như sởi, viêm gan cùng các bệnh liên quan đến nguồn nước bẩn khác. WHO lo rằng mùa hè đang đến với nhiệt độ trên 50oC ở miền Nam và miền Trung Iraq sẽ làm phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm cho cộng đồng người tỵ nạn như dịch tả và viêm gan. Vậy mà các nhân viên y tế của WHO đang làm việc trong những điều kiện thiếu thốn cơ sở hạ tầng cần thiết, thiếu nhân lực và nguồn cung ứng phù hợp với nhu cầu hoạt động của họ.
Tiếc thay, những điều đáng báo động này vẫn chưa được cộng đồng thế giới quan tâm đúng mức.
Lê Cẩn theo IPS, Telegraph (DNSGCT)