Ấn tượng của sếp về bạn rất quan trọng, do họ là người ảnh hưởng trực tiếp tới công việc, khả năng thăng tiến hay thu nhập của bạn.
Nếu được lòng sếp, bạn sẽ thấy công việc trở nên thuận lợi hơn. Nếu không, bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải.
Một số người đứng đầu sẽ góp ý trực tiếp với bạn, nhưng không phải ai cũng thích thể hiện ra mặt. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang nằm trong danh sách “không ưa” của sếp.
1. Sếp không muốn thân thiết hơn với bạn
Bạn chỉ thấy sếp nói chuyện với mình khi cần gì đó, hay khi có lịch họp. Bạn cố gắng bắt chuyện hay đơn giản chỉ là chào hỏi vào đầu giờ làm, nhưng sếp hoàn toàn không tỏ ra hứng thú. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy sếp không thích con người bạn, và chỉ nghĩ về bạn như ai đó làm được việc.
2. Nói át bạn trong các cuộc họp
Mỗi khi bạn bắt đầu giải thích về ý tưởng của mình trong các cuộc họp, sếp thường ngắt lời và chẳng thèm đả động gì đến điều bạn vừa nói. Điều đó cho thấy họ không tôn trọng bạn hay ý kiến của bạn.
3. Không chọn bạn cho các dự án
Bạn tỏ ra hứng thú với những dự án nằm trong tầm khả năng của mình, nhưng chẳng bao giờ được chọn. Thay vào đó, sếp sẽ đưa dự án đó cho người khác mà không quan tâm đến mục tiêu hay mong muốn của bạn. Đó có thể là dấu hiệu sếp không tin tưởng hay đánh giá thấp khả năng của bạn.
4. Không quan tâm tới con đường phát triển sự nghiệp của bạn
Một vị sếp quan tâm tới sự nghiệp của bạn sẽ hỏi về mục tiêu tương lai và tạo điều kiện cho bạn ở nơi làm việc. Họ là người có vai trò chủ chốt trong các nhiệm vụ, trách nhiệm và thành tựu của bạn.
Nếu sếp của bạn hoàn toàn không có hứng thú trao đổi hay trợ giúp phát triển, rõ ràng họ không có ý định hợp tác với bạn lâu dài mà chỉ xem bạn như một công cụ để thực hiện mục tiêu của bản thân họ.
5. Không quan tâm đến sức khỏe của bạn
Sau khi bạn khỏi ốm và đi làm trở lại, sếp lập tức giao cho bạn hàng loạt nhiệm vụ mà không thèm hỏi han xem bạn đã khỏe hơn chưa. Khi bạn xin nghỉ vì việc cá nhân, họ sẽ hỏi bạn có thể bỏ qua hay chuyển việc đó sang ngày thuận tiện hơn cho họ không.
Đó là dấu hiệu cho thấy sếp không quan tâm tới cảm xúc hay sức khỏe của bạn mà chỉ quan tâm tới công việc.
Nếu có đầy đủ dấu hiệu trên, bạn cần đánh giá xem sếp cư xử như vậy với mọi người, hay chỉ riêng bạn. Nếu thực sự thích công việc hiện tại và có đồng nghiệp tốt, bạn nên tập trung vào xây dựng quan hệ với đồng nghiệp thay vì cố gắng cải thiện mối quan hệ với sếp. Bạn nên đặt mục tiêu hoàn thành tốt công việc được giao dù có được lòng sếp hay không.
Tuy nhiên, nếu sếp đối xử với bạn khác những người khác và bạn cảm thấy khó chịu ở nơi làm việc đến mức điều đó ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn, có lẽ đã đến lúc bạn nên tìm kiếm công việc khác.
Việc mong muốn được đối xử công bằng và với sự tôn trọng là yêu cầu hoàn toàn hợp lý và thích đáng ở nơi công sở.