Cuộc gặp gỡ của những doanh nghiệp đầu tư ESG Việt Nam được phối hợp tổ chức bởi Vietcetera và Raise Partners, đã diễn ra vô cùng sôi nổi tại New World Saigon Hotel, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc gặp quy tụ gần 400 khách cùng 50 diễn giả, chuyên gia đến từ đa dạng lĩnh vực công và tư nhân, những quỹ đầu tư uy tín như Dynam Capital, Vietnam Holdings, VinaCapital… Các khách mời đã cùng thảo luận về những thách thức và cơ hội phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam, thông qua lăng kính ESG.
“Nếu một đứa trẻ ra đời vào năm nay, 27 năm nữa, đứa trẻ đó sẽ được sống trong môi trường như thế nào? Tôi không biết chắc chắn. Nhưng mọi sự thay đổi đều có thể bắt đầu từ ngày hôm nay, khi chúng ta ngồi với nhau ở đây, cùng thảo luận về phát triển bền vững, về sự đầu tư vào ESG sẽ tác động thế nào đến cuộc sống của thế hệ tiếp theo” – Ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital đã lấy cột mốc năm 2050, khi Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0, để phát biểu mở đầu cuộc gặp gỡ của 50 doanh nghiệp đầu tư ESG vừa qua.
Phát triển bền vững đã trở thành ưu tiên hàng đầu và là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Tuy nhiên, bền vững và “xanh hoá” là một quá trình lâu dài và thử thách. Như chia sẻ của bà Trần Phương Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT, Trưởng Tiểu ban ESG của PNJ: “ESG là một cuộc đua marathon chứ không phải chạy nước rút”.
Quá trình này diễn ra như thế nào? Cần những nỗ lực và cam kết từ các bên ra sao? Đó chính là nội dung của 5 chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất xuyên suốt 2 ngày của cuộc gặp, bao gồm:
- Đảm bảo nguồn đầu tư thông qua lăng kính ESG
- Đầu tư vào khử cacbon và chuyển đổi năng lượng
- Đầu tư vào lực lượng lao động và lãnh đạo
- Tận dụng các nguồn lực quốc tế để phát triển thị trường carbon
- Tài chính và Doanh nghiệp tác động Xã hội/Môi trường
Ở thị trường Việt Nam, hai lĩnh vực tiềm năng nhất để thu hút đầu tư ESG là Y tế và Năng lượng sạch, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng thiếu điện sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng mùa hè. Từ góc độ của quỹ đầu tư, ông Kelvin Vương, Giám đốc công ty quản lý Quỹ CFM B.V chia sẻ: “Đạt được đầy đủ các tiêu chí về ESG để kêu gọi đầu tư không phải là một điều dễ dàng. Điều quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ vừa am hiểu các quan điểm quốc tế, vừa hiểu biết về văn hóa địa phương. Từ đó tạo cầu nối và có cách tiếp cận thực tế cho sự bền vững lâu dài”.
Trong khi đó, ngài Karl Van den Bossche – Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đối với việc thu hút đầu tư ESG tại Việt Nam. Đồng thời, chính phủ cũng đóng vai trò rất quan trọng để tạo điều kiện về pháp lý, cơ sở hạ tầng giúp thúc đẩy đầu tư ESG.
Với tham vọng loại bỏ dần việc sản xuất điện chạy bằng than vào năm 2040 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chi phí cho lộ trình khử carbon của Việt Nam từ nay đến năm 2040 được ước tính lên tới 368 tỷ USD. Việt Nam có tiềm năng to lớn về tạo tín chỉ carbon nhưng đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi và khung pháp lý để hướng dẫn phát triển thị trường carbon.
Một phần không thể thiếu trong lộ trình tăng trưởng bền vững của Việt Nam là đầu tư vào lực lượng lao động và lãnh đạo doanh nghiệp. Ông Serge LeVert-Chiasson, Tổng Giám đốc của Sarona Asset Management cho biết: “Ở hầu hết các nền kinh tế, bao gồm cả Canada và Việt Nam, phụ nữ thường bị thiệt thòi so với nam giới trong việc tìm kiếm khả năng tiếp cận vốn, nguồn lực và cố vấn. Điều quan trọng là khoảng trống này phải được lấp đầy bởi các nhà đầu tư quan tâm sâu sắc đến cân bằng giới tính, sự đa dạng và hòa nhập của nhiều đối tượng lao động khác nhau trong tổ chức”.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, ông Daniel Stork – Tổng Lãnh sự Hà Lan tại TP.HCM nhấn mạnh: “ESG không phải là sự lựa chọn, đó là điều thiết yếu”. Trong khi đó, bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Úc tại TP.HCM bày tỏ sự tin tưởng và cam kết đồng hành của chính phủ Úc với Việt Nam trong lộ trình này. “Tôi tin rằng bền vững chính là giá trị cốt lõi cho tương lai của chúng ta. Chính phủ Úc cam kết tăng trưởng kinh tế toàn diện, bền vững với môi trường – không chỉ ở Úc mà còn trong khu vực và trên toàn cầu. Chính phủ Úc và Việt Nam cam kết tăng cường đầu tư hai chiều. Chúng tôi cũng đề cao 6 nguyên tắc quan trọng đối với đầu tư tác động xã hội và áp dụng những nguyên tắc này để giải quyết các ưu tiên cấp bách nhất bao gồm: biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển tri thức và các kỹ năng”.