Nếu bạn từng đọc quyển The Automatic Millionaire và Start late, finish rich, hai trong số những quyển sách bán chạy nhất nước Mỹ của triệu phú David Bach, thì bạn sẽ nhận thấy rằng, để trở nên giàu có, không nhất thiết phải kiếm được thật nhiều tiền hay phải có một ý chí kiên định phi thường như nhiều người vẫn lầm tưởng. Từ bỏ bốn quan niệm sai lầm thường gặp về sự giàu có dưới đây, trong tương lai bạn sẽ không còn bị xếp vào nhóm những người có thu nhập trung bình nữa:
1. Số tiền bạn kiếm được không đồng nghĩa với sự giàu có của bạn, vì vậy bất kể kiếm được bao nhiêu, bạn vẫn có thể trở nên giàu có
Theo David, nếu không biết quản lý tiền bạc đúng cách, thì dù bạn kiếm được bao nhiêu đi nữa, chúng cũng sẽ sớm tiêu tan trong chốc lát. Kiếm được 30 triệu đồng mỗi tháng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ đạt được sự giàu có sớm hơn những người chỉ kiếm được 10 triệu đồng/tháng. Sự giàu có chỉ phụ thuộc vào số tiền mà bạn sở hữu.
Chính vì vậy, dù kiếm được bao nhiêu tiền, bạn hãy bắt đầu tiết kiệm và học cách đầu tư, cho dù chọn kênh đầu tư là vàng, cổ phiếu, bất động sản hay gửi tiết kiệm ngân hàng… Cho dù chỉ nhận được lợi tức vài trăm ngàn đồng/năm hoặc thậm chí lỗ vốn, thì theo thời gian, chắc chắn giá trị những khoản đầu tư của bạn sẽ tăng lên cùng với những trải nghiệm mà bạn nhận được.
2. Không cần một ý chí phi thường để tuân theo kỷ luật khắt khe thì mới trở nên giàu có
Nếu bạn vẫn cho rằng, con đường giàu có là dành riêng cho những người có ý chí kiên định, kỷ luật kiểu như tập thể dục lúc 5 giờ, đến công ty lúc 7 giờ, ra về lúc 17 giờ, đi ngủ lúc 23 giờ. Ngày này qua ngày khác. Đọc sách mỗi tuần một quyển, không nghiện mua sắm, cà phê… thì bạn đã sai lầm. Thật may mắn cho bạn, con đường làm giàu không buộc chúng ta phải trải qua quy trình rèn luyện khắc nghiệt cho ý chí và thể chất của mình như vậy.
Để làm giàu, bạn chỉ cần có cho mình một cơ chế tài chính tự động, tiền của bạn sẽ tự động chảy vào tài khoản đầu tư, tài khoản tiết kiệm,… trước khi bạn nghĩ cách sử dụng chúng. Điều này cho phép những người lười nhất cũng phát triển được chiến lược tài chính để trở nên giàu có hơn.
Lập một kế hoạch tài chính tự động là một bước bảo đảm rằng bạn sẽ không bao giờ bị thất bại về tài chính. Sẽ không bao giờ quên việc thanh toán một khoản nào đó để chúng biến thành nợ quá hạn gây ám ảnh. Bạn sẽ không bị cám dỗ bởi cơn nghiện mua sắm, bệnh chi tiêu quá đà vào đầu tháng, vì bạn thậm chí còn không thấy tiền lương của mình chảy vào tài khoản tiết kiệm như thế nào nữa. Ngoài ra, bạn cũng sẽ có nhiều thời gian thảnh thơi hơn để nghĩ về những điều thú vị hay học cách đầu tư sao cho hiệu quả, thay vì ngồi đó và đấu tranh nội tâm giữa việc đầu tư hay là mua một chiếc tivi mới giảm giá 50%.
3. Không cần trở thành ông chủ mới có thể giàu có
Bill Gates, Mark Zuckerberg, Steve Jobs… là những tấm gương làm giàu bằng cách sở hữu khối tài sản lớn từ việc phát triển những công ty của chính mình, khiến nhiều người vẫn cho rằng phải trở thành ông chủ, nhà quản trị tài năng, thì mới có thể giàu có.
Nếu bạn không may mắn có được cơ hội hay có năng lực quản trị để thành công và sở hữu một công ty riêng cho mình, thì bạn vẫn có thể giàu có dù ở vị trí nhân viên.
Ở nhiều công ty nước ngoài, bạn có thể đầu tư vào các quỹ hưu trí tư nhân, nơi họ sẽ trích trực tiếp một phần tiền lương hằng tháng của bạn vào những danh mục đầu tư, để trước khi bạn về hưu, số tiền này đủ giúp bạn thoải mái chi tiêu. Còn ở nước ta, bạn có thể đầu tư vào các quỹ hoạt động hiệu quả hiện nay, như Property Holding, Lumen Vietnam Fund… với tỷ lệ tăng giá trị tài sản ròng (NAV) trên mỗi cổ phiếu khá tốt.
Ngoài ra, hãy đảm bảo công ty mà bạn đang làm việc phải minh bạch và tuân thủ những khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho bạn hằng tháng, vì những khoản này được trích trực tiếp từ lương của bạn và hoàn toàn không bị tính thuế.
4. Tập thói quen chi tiêu thận trọng, cả với những khoản nhỏ nhất
Rất nhiều người không quan tâm đến cách họ tiêu tiền, có chăng chỉ quan tâm đến những khoản chi lớn, bỏ qua những khoản chi tiêu nhỏ cho dù đó là những khoản chi lãng phí hằng ngày. Nguyên lý ở đây không phải là bạn hãy tiết kiệm từng đồng một, dù là nhỏ nhất, mà là bạn hãy đầu tư từng đồng một, dù là ít nhất.
Bạn nên nhận ra rằng, thay vì lãng phí những khoản chi tiêu đó, bạn dùng nó để đầu tư dần, thì giá trị mà chúng ta có được sẽ lớn đến mức nào. Hãy tính tới chi phí cơ hội mà bạn đã bỏ qua hằng ngày bằng một ví dụ sau đây:
Thay vì bạn tiêu tốn 100 ngàn đồng cho ba ly cà phê/ngày, hãy thêm vào tài khoản đầu tư của mình 100 ngàn đồng/ngày, nghĩa là sau một tháng, bạn đã tăng thêm 3 triệu đồng cho đầu tư và sau một năm con sốấy là 36 triệu đồng. Giả sử khoản đầu tư này mang về cho bạn lợi nhuận so với mức lạm phát trung bình là 10%/năm, thì bạn sẽ có 93.374.724 đồng sau 10 năm, 628.178.481 đồng sau 30 năm và 1.629.333.200 đồng sau 40 năm. Một con số không hề nhỏ phải không?
Tuấn Thành (DNSGCT)