Phải đến hơn trăm năm sau khi Truyện Kiều của Nguyễn Du ra đời mới có một “bác sĩ” khám phá ra rằng nàng Kiều có một đứa con! Con trai hay con gái, số phận của đứa bé ra sao không biết. Thậm chí cha của nó là ai cũng không rõ!
Chỉ chắc một điều Thúy Kiều có con. Vị thầy thuốc mát tay này chính là nhà văn Vũ Hạnh. Trong cuốn Đọc lại Truyện Kiều của ông, ông đã khẳng định điều này dựa vào một câu thơ của Nguyễn Du: Thất kinh nàng chửa biết là làm sao! mà nếu viết theo kiểu thơ “hiện đại” sẽ là:
Thất kinh
Nàng chửa
Biết là làm sao!
Kiều đã “thất kinh”, nghĩa là đã bặt kinh và do vậy mà nàng biết mình đã có chửa, đã mang thai, và nàng hoang mang không biết phải giải quyết làm sao cho ổn! Nàng lại đang lắm nỗi lo toan. Làm sao đây? Giữ hay bỏ? Hồi đó chuyện phá thai đâu có dễ! Phải chi như bây giờ thì Kiều đã có thể đến ngay Trung tâm Dân số – Kế hoạch hóa gia đình hay các bệnh viện phụ sản để được “điều hòa kinh nguyệt”, mau chóng mà dễ dàng, an toàn và bảo mật!
Thời đó cũng chưa có thuốc ngừa thai nhiều thứ để tùy nghi chọn lựa như bây giờ, nếu không thì đâu đến nỗi! Cũng may, cuối cùng thì ai cũng biết là nàng Kiều chưa hề chửa đẻ gì cả, chẳng qua nhà văn của chúng ta trong môt lúc rỗi rảnh, cao hứng, đọc lại Truyện Kiều bỗng “thất kinh” phát hiện ra điều “động trời” đó mà la toáng lên thế thôi! Cụ Nguyễn Du chẳng dại gì để nàng phải chửa đẻ làm chi cho thêm phiền phức.
Trở lại chuyện “thất kinh”. Một bé gái tuổi mới lớn mới có kinh lần đầu (ménarche) rồi mấy tháng sau mới có lại lần nữa… đã hoang mang, tưởng mình “thất kinh”, viết thư hỏi bác sĩ có phải con đã có bầu rồi không, vì bạn con nó nói “ai mất kinh thì người đó có bầu”!
Tội nghiệp, không ai nói cho bé biết rằng ở giai đoạn đầu, cơ thể mới làm quen với chuyện kinh nguyệt nên có hơi lộn xộn một chút thế thôi! Không biết tại sao hồi xưa người ta coi chuyện kinh nguyệt như là tội lỗi, xấu xa đến nỗi phải giấu giếm, lo lắng, sợ hãi, gây ra nhiều mặc cảm, khiến cho người phụ nữ khó chen vai thích cánh với đám đàn ông trong nhiều lĩnh vực mặc dù tài năng họ có thừa.
Thực ra kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường của một người nữ khoẻ mạnh. “Kinh” là đều đều, còn “nguyệt” là tháng. Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý “đều đều hằng tháng”, gắn với chu kỳ rụng trứng ở người nữ, thế thôi. Dĩ nhiên kinh nguyệt cũng là một chuyện riêng tư, kín đáo mà người ta thường coi là chuyện “không nói ra thì không ai biết!”.
Thế nhưng hiện nay tình hình như có vẻ ngược lại: “không nói ra mà ai cũng biết”! Đó là vào những ngày đó, các cô thiếu nữ bỗng nhảy cỡn lên, ca hát tưng bừng, phóng xe như bay hay tuột cầu thang… ào ào, hoặc một thiếu phụ ăn mặc rất thời trang, kênh kiệu bước đi làm cho giới mày râu phải ngoảnh nhìn đầy vẻ… thán phục! Dĩ nhiên chuyện này mới thấy trên các “spot” quảng cáo “băng vệ sinh” trên truyền hình, tuy cách quảng cáo này rất ấn tượng nhưng dễ gây phản cảm.
Tuy kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường nhưng cũng giống như ách xì, nhảy mũi… người ta cũng cần kín đáo một chút, nếu không thì đây mới chính là chuyện “thất kinh”, phải không?
Hẹn thư sau. Thân mến.