Trong những nỗ lực mở rộng quyền lực và ảnh hưởng của mình trên thế giới, Trung Quốc cũng dùng khối dự trữ tài chính khổng lồ của mình. Ngày 24-10 vừa qua, 21 quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam cùng nhau ký một thỏa thuận thành lập Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á tại Bắc Kinh, trong đó Trung Quốc là quốc gia sẽ cung cấp tín dụng nhiều nhất.
Tuy nhiên các quốc gia phát triển ở vùng châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc không tham gia việc lập ngân hàng trên. Một số chuyên gia kinh tế nhận xét rằng sự kiện trên đáng chú ý vì sự cạnh tranh địa chính trị của nó, một bên là ngân hàng do Trung Quốc chủ xướng thành lập, bên kia là các định chế tài chính phương Tây như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á.
Trả lời câu hỏi về sự ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai của Trung Quốc lên kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam nên tham gia ngân hàng này. Ông nói: “Việt Nam cũng đã ý thức được rất rõ tình hình này nên đã có một quyết định chiến lược là sẽ tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là TPP. Bằng cách đó thì Việt Nam có thể đa dạng hóa được các đối tác về thương mại, mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài, làm cho Việt Nam thực hiện được sự đa dạng hóa về quan hệ kinh tế, và bớt phụ thuộc vào một nước cụ thể nào, đặc biệt là Trung Quốc”.
L.Q