Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy gần đây trên các nẻo đường từ Bắc vào Nam đã có sự góp mặt đông đủ của hầu hết các thương hiệu môtô nổi tiếng nhất thế giới. Cùng việc nới lỏng quy định cấp bằng A2, liệu 2014 có trở thành năm của môtô phân khối lớn tại Việt Nam hay không?
Sau Harley Davidson, Yamaha và Honda sẽ không bỏ lỡ cơ hội
Nổi tiếng khó tính nhưng Harley Davidson – thương hiệu môtô đình đám nhất nước Mỹ cũng đã bị thuyết phục bởi thú chơi xe phân khối lớn của một tập hợp nhỏ người Việt và chính thức có mặt tại thị trường không lớn nhưng đầy tiềm năng này trong những ngày cuối năm 2013. Hầu hết các dòng xe mới nhất và đắt nhất của thương hiệu xe môtô nói trên lần lượt được đưa vào nước ta với mức giá không hề thấp: từ 336 triệu đồng tới hơn một tỉ đồng!
Dù giá bán cao như vậy nhưng chỉ sau một tháng, hơn 30 chiếc Harley Davidson thuộc năm dòng xe chính, gồm Sportster, Dyna, Softail, Touring và CVO đã có chủ. Kế đó, một lượng lớn phụ kiện theo xe chính hãng như quần áo, giầy, mũ… cũng được tiêu thụ hết. Doanh số bán hàng của Harley Davidson sau một thời gian ngắn tại Việt Nam không chỉ khiến các đối thủ giật mình, mà còn khiến chính chuyên gia của thương hiệu xe này phải ngạc nhiên. Bên cạnh đó, nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa cũng như mua sắm thêm phụ kiện của một lượng kha khá khách hàng đã mua xe Harley Davidson trước đó, hứa hẹn sẽ giúp thương hiệu này “sống tốt” tại Việt Nam và tạo nên một cộng đồng chơi xe có cá tính riêng, tương tự nhưở Mỹ hay một số quốc gia khác.
Trước sự xuất hiện của nhãn xe Mỹ, các thương hiệu môtô có mặt trước đó như Ducati, Kawasaki, KTM, Suzuki, Bennelli, Visitor cũng gấp rút đưa thêm xe “khủng” vào Việt Nam, đồng thời đưa ra nhiều chiêu kích cầu để duy trì và cải thiện thị phần.
Dù chưa chính thức có mặt nhưng việc Yamaha đưa xe phân khối lớn vào Việt Nam đã được khẳng định chắc chắn. Theo một số nguồn tin, liên doanh xe máy lớn thứ nhì Việt Nam sẽ khởi đầu năm 2014 bằng một dòng naked bike có giá mềm dành cho khách hàng phổ thông, cụ thể là khoảng trên dưới 60 triệu đồng. Dòng xe này sẽ là hàng lắp ráp trong nước và được kỳ vọng mở ra trào lưu chơi xe môtô mới cho giới trẻ. Sau dòng naked bike sẽ là các mẫu xe phân khối lớn nhập khẩu nguyên chiếc với giá cao hơn để phục vụ cho “dân chơi”. Nhiều khả năng dòng xe đang hot nhất của Yamaha là Bolt cũng sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Việc Yamaha Việt Nam nhảy vào phân khúc môtô thể thao có khả năng sẽ thúc ép Honda Việt Nam đi theo. Trả lời phỏng vấn phóng viên, ông Masayuki Igarashi – Tổng giám đốc Honda Việt Nam hé lộ khả năng đưa xe phân khối lớn vào, thậm chí có cả khả năng lắp ráp xe côn tay nếu thấy đối thủ nặng ký Yamaha thành công. Một khi cả Yamaha và Honda cùng nhảy vào phân khúc này, nhiều khả năng môtô thể thao sẽ tạo ra trào lưu chơi xe mới thay thế cho xe ga và xe số vốn bắt đầu trở nên lỗi thời và bão hòa.
Môtô lên ngôi, dòng xe nào sẽ chiếm ưu thế?
Trước đây, do những hạn chế về quy định cấp bằng A2 cũng như đăng ký xe phân khối lớn, một số người ưa sử dụng loại xe này phải chấp nhận rủi ro khi mua xe không đầy đủ giấy tờ hoặc xe lậu. Tuy nhiên, những thay đổi mới đây về chính sách quản lý phương tiện xe hai bánh phân khối lớn đã mở ra hy vọng mới cho người yêu xe môtô và tạo cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng này.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường môtô nước ta trong năm 2014 sẽ có sự phân hóa rõ nét ngay sau khi Yamaha và một vài thương hiệu khác tung ra dòng xe dưới 200 phân khối. Có khả năng những mẫu xe dung tích dưới 200 phân khối sẽ mang tới doanh số đủ lớn cho các nhà cung cấp và chiếm lĩnh thị phần của những dòng xe côn phổ thông hiện nay như Suzuki Raider, Yamaha Exciter… Các dòng xe từ 200 đến 1.800 phân khối sẽ khó tăng mạnh doanh số vì giá bán quá cao và còn do sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu.
Theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh môtô thể thao, ở nhiều nước, xe phân khối lớn được xếp vào loại hàng không phải dành cho số đông, đặc biệt là những chiếc xe thể thao trên 800 phân khối. Giá xe môtô được gắn những thương hiệu lớn như Harley Davidson tại Mỹ đắt chẳng kém gì xe ôtô bình dân. Khi về đến Việt Nam, mỗi chiếc xe đến từ Mỹ hoặc châu Âu phải gánh nhiều loại thuế khá nặng, gồm thuế nhập khẩu bằng khoảng 85% giá trị xe, thuế tiêu thụ đặc biệt 20% và thuế giá trị gia tăng 10%. Nếu xe nhập từ khu vực AFTA thì mức thuế nhập khẩu được giảm khá nhiều (còn có 25%), riêng xe nhập từ khu vực ASEAN còn thấp nữa, chỉ 5% (hai loại thuế còn lại không thay đổi). Cho tới nay, vì phần lớn các xe môtô nhập khẩu chính hãng đều không thuộc cả AFTA lẫn ASEAN nên giá xe khi về đến Việt Nam đã cao hơn giá niêm yết của nhà sản xuất khoảng 2,5 lần (chưa tính chi phí vận chuyển, chi phí hải quan, bến bãi và tiền lãi của đại lý phân phối), đẩy giá niêm yết trên thị trường của xe môtô thuộc các thương hiệu đó lên cao không kém gì số tiền phải bỏ ra để sắm một chiếc ôtô hạng trung. Do vậy, thương hiệu nào có nhà máy lắp ráp tại khu vực ASEAN, nhất là trực tiếp tại Việt Nam mới có khả năng chiếm ưu thế. Xin hãy chờ xem!