Tại các quốc gia phát triển, tỷ lệ người dân có trình độ cao đẳng và đại học tăng hơn 30% trong năm 2010, riêng ở Mỹ, con số ấy lên đến 40%. Tuy nhiên, đạt được trình độ học vấn sau đại học là vấn đề không đơn giản ngay tại những quốc gia giàu có. Một nghịch lý cũng đã bộc lộ là sự gia tăng số người đạt trình độ sau đại học tại các nước giàu tỏ ra rất khiêm tốn so với những nền kinh tế đang phát triển. Chẳng hạn, Hoa Kỳ chỉ có khoảng 1% dân số có trình độ sau đại học nên nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ tăng số người theo học sau đại học thấp nhất thế giới kể từ năm 1997, trong khi tại Ba Lan, tỷ lệ đó lên đến 7,2% trong giai đoạn 1997-2010.
Báo cáo của OECD cũng cho thấy hầu hết những quốc gia chi tiêu nhiều cho hoạt động giáo dục và đào tạo đều sở hữu tỷ lệ cao về dân số có trình độ học vấn, trong đó Mỹ và Canada lần lượt là hai nước chi tiêu nhiều thứ nhất và thứ ba trong những năm gần đây nếu tính theo GDP.
Theo ông Matthias Rumpf – Giám đốc Truyền thông của OECD, việc gây quỹ giáo dục và đào tạo có mối quan hệ gắn bó với tỷ lệ người dân theo đuổi việc học tập sau đại học. Tại những quốc gia có tỷ lệ cao về số người dân đạt trình độ cao đẳng và đại học, nguồn quỹ tư nhân đóng góp cho các tổ chức giáo dục so với nguồn ngân sách công cũng cao hơn, điển hình là các quỹ tư nhân tại Mỹ và Hàn Quốc lần lượt chiếm đến 28% và 40% tổng vốn đầu tư cho giáo dục và đào tạo, trong khi tại các nước khác trong khối OECD chỉ đạt trung bình khoảng 16%.
Nhờ đạt được trình độ học vấn tốt, nhiều người giữ vững được việc làm và thu nhập trong cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính đã và đang diễn ra trên toàn cầu. Trong giai đoạn 2008-2010, tại những quốc gia giàu có, nếu tỷ lệ thất nghiệp của nhóm những người có trình độ học vấn thấp (chưa vào đại học hoặc cao đẳng) tăng từ 8,8% đến 12,5% thì tỷ lệ thất nghiệp của nhóm những người có trình độ cao đẳng và đại học chỉ tăng từ 3,3% lên 4,7%. Trong số mười quốc gia có tỷ lệ người có trình độ học vấn cao nhất, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người có trình độ đại học hoặc cao đẳng cũng chỉ dao động từ mức 2,8% (Úc) đến 5,4% (Canada), nói chung rất thấp so với mức trung bình ở từng nước. Qua phân tích trình độ học vấn của các nhóm dân cư thuộc độ tuổi từ 25 đến 64, OECD đã công bố danh sách mười quốc gia có nền giáo dục và đào tạo tốt nhất thế giới như sau:
Thứ hạng Quốc gia Tỷ lệ dân số đạt trình độ cao đẳng, đại học
1 Canada 51%
2 Israel 46%
3 Nhật Bản 45%
4 Mỹ 42%
5 New Zealand 41%
6 Hàn Quốc 40%
7 Anh 38%
8 Phần Lan 38%
9 Úc 38%
10 Ireland 37%
Lâm Kiên theo 24/7 Wall St.