Từ thời Trung cổ, thế giới đã có lâu đài, về ý nghĩa là nơi ở của vua chúa và ngoài ra còn là một thành trì để bảo vệ làng xóm, cũng như nằm ở các tuyến đường quan trọng thu hút thương mại, du lịch.
Kể từ đó tới nay, đã có hàng trăm lâu đài xinh đẹp, vĩ đại, mang những giá trị lịch sử, văn hóa, chính trị to lớn. Tuy nhiên, có một số công trình đã vươn lên nổi bật và là các lâu đài ấn tượng nhất đương đại, từ sự uy nghi, hoành tráng.
Đầu tiên phải kể tới lâu đài Malbork của thành phố Malbork-Ba Lan. Nó đứng đầu danh sách các lâu đài lớn nhất thế giới vì có diện tích tới 143.591m2, và tọa lạc bên dòng sông Nogat, cho phép thuyền bè xuôi ngược từ biển Baltic tới sông Vistula, trường giang lớn nhất Ba Lan.
Gọi là một công trình, song nó gồm tới ba lâu đài tráng lệ: thượng, trung và hạ, đều là nơi ở của các hiệp sĩ ngày xưa, có thời lên tới 3.000 vị. Vào năm 1274, các hiệp sĩ Teutonic, cũng là một dòng tu Cơ đốc từ Đức đã xây nên lâu đài này.
Đến năm 1466, nó trở thành hoàng cung của vua Ba Lan, rồi vua Đức trong 200 năm, và tới sau Đại chiến thế giới II thì trở về Ba Lan. Trải qua nhiều biến cố, nhưng công trình vẫn đứng vững, và tới nay trở thành tòa thành cổ lẫn lâu đài bằng gạch đồ sộ nhất thế giới. Đứng ở bên sông Nogat, đều được thấy nó sừng sững, nhờ những tháp nhọn và màu gạch đỏ hồng rừng rực.
- Xem thêm: Những ngọn đèn biển đẹp nhất thế giới
Hùng vĩ thứ hai là lâu đài – pháo đài Mehran ở thành phố Jodhpur – Ấn Độ. Nằm trên đỉnh đồi cao 125m, công trình được vua Rao Jodhha kiến thiết năm 1459 để làm hoàng cung, với nhiều cung điện được đẽo từ đá sa thạch và có những tường bao cao tới 36m, rộng 21m, chịu được các cuộc tấn công tứ phía. Tuy nhiên, theo thời gian, nó cũng bị tàn phá, và phần lớn những gì còn lại tới nay đều thuộc thế kỷ 17.
Với diện tích 81.227m2, đây là một pháo đài lớn nhất Ấn Độ, cũng là bảo tàng ngoài trời đẹp nhất bang Rajasthan, nhờ có nhiều mảng điêu khắc trên đá, đặc tả cảnh dân gian, thiên nhiên thú vị. Cùng đó là những chứng tích của thời chiến khi quân Jaipur nã pháo vào đây, trong đó tại cửa thứ hai trong bảy cửa thành vẫn còn nguyên vẹn một số súng ống và hố hỏa châu.
Cũng từng là lâu đài vĩ đại trái đất theo Sách kỷ lục Guiness, và nay đứng thứ ba với 66.761m2 là lâu đài Prague tại thành phố Prague-Czech. Hoàng cung của nhiều vị vua Bohemia, Hoàng đế La Mã thần thánh, Tổng thống Czechoslovakia trước khi thành trụ sở (hay dinh) Tổng thống Cộng hòa Czech.
Ra đời từ thế kỷ 9 và mở rộng liên tục tới nửa cuối thế kỷ 18, đây không chỉ là một lâu đài mà còn là quần thể của nhiều kiến trúc đồ sộ, gồm các nhà thờ, cung điện, thị sảnh, tháp, vườn trông ra sông rộng có nhiều cây cầu bắc ngang điệu đà. Vì phong cảnh trữ tình, nhất là hoàng hôn nhuộm vàng khắp nơi, lâu đài Prague đã xuất hiện trong nhiều bộ phim và trò chơi video ăn khách.
Mặc dù chỉ bằng 1/3 lâu đài Malbork (54.835m2), nhưng lâu đài Windsor lại là công trình được biết nhiều nhất vì là nơi ở của Nữ hoàng Elizabeth II. Hoàng gia Anh đã cư trú ở đây suốt 1.000 năm kể từ khi công trình khánh thành tới nay.
Mỗi năm, nữ hoàng thường dành nhiều ngày nghỉ cuối tuần tại Windsor, và đặc biệt là một tháng ròng qua lễ Phục sinh nhằm nghỉ ngơi và tổ chức lễ tiệc chiêu đãi quan khách trong ngoài nước, thành thử đây là một trung tâm chính trị – xã hội của đất nước.
Rất dễ nhận ra lâu đài Windsor do vị trí nổi bật và chiến lược phía trên dòng sông Thames. Về đại thể, nó là một dãy nhà hình chữ nhật bằng đá trắng bao quanh một nhà tròn nằm chính giữa trên gò cao. Để tới lâu đài, phải băng qua một đại lộ dài gần 5km, có nhiều hàng du với tán tròn như những cây nấm.
Đồng xuất hiện thế kỷ 11 và nằm chót vót trên vách đá cao 506m, trông xuống thị trấn phía dưới, lâu đài Hohensalzburg – Áo cứ như một chú chim khổng lồ đang canh giữ tổ ấm hay báu vật.
Tọa lạc tại quê hương của thiên tài âm nhạc W.A. Mozart, công trình có khá nhiều điểm đáng nhớ. Thứ nhất là lâu đài nguyên vẹn và lớn nhất châu Âu – 54.523m2. Thứ hai là pháo đài, nơi ở của các tổng giám mục thành phố Salzburg với màu sắc hết sức trang nhã – trắng muốt. Chính họ, nhờ sự giàu có, sở hữu nhiều mỏ vàng cung cấp tới 10% lượng vàng trên thế giới, đã tạo nên lâu đài này và một thị trấn vô cùng sầm uất.
- Xem thêm: Đa dạng nhà gỗ cổ truyền Indonesia
Bên trong lâu đài, đặc biệt là phòng hoàng tử, chứa rất nhiều vàng, được phủ lên trần nhà, rát vào các vật dụng cực kỳ lộng lẫy. Thế nhưng, nó chưa bao giờ bị tấn công hay phá phách nghiêm trọng. Trong thời Napoleon, Hohensalburg đã đầu hàng quân Pháp một cách an lành, và được dùng làm trại lính. Kế tiếp tới Đại chiến thế giới I và II trở thành nhà ngục, rồi bảo tàng.
900 năm trước, lâu đài Spis-Slovakia cũng từng là một cung điện của nhiều triều vua, rồi nhà ngục nổi tiếng trước khi hoang hóa vào năm 1970, và nằm lẻ loi giữa vùng Tây Bắc của Đông Slovakia. Dù rằng bị bỏ hoang, nó vẫn rất đẹp và lớn tới 49.485m2, vì thế đã có mặt trong nhiều bộ phim bom tấn, như Binh đoàn cuối cùng và Trái tim của rồng, khắc họa đời sống – phong cảnh Trung cổ.
Qua các nghiên cứu, người ta thấy rằng, từ thời đồ đá tại đây đã có người ở, đến thời La Mã cũng có nhiều người sinh sống, bằng chứng là họ đã tìm thấy một số đồng xu La Mã trong một cái hang hẹp dưới chân lâu đài. Tuy vậy, lâu đài chính thức xuất hiện từ thế kỷ 12.
Mới đầu là một tòa tháp, sau đó mở rộng thành một thành trì bằng đá để bảo vệ vùng đất trù phú. Sau cùng là nơi ở suốt 600 năm của hoàng tộc Hungary, gia tộc Szapolyi, Thurzo, Csaky và năm 1945 thì thuộc về Slovakia. Vào năm 1993, nó đã được công nhận là Di sản UNESCO.
Budavari Palota là lâu đài cũng là hoàng cung nguy nga ở thành phố Budapest-Hungary. Dài tới 300m, che phủ 44.674m2, đây là một quần thể kiến trúc đã được tái thiết nhiều lần sau mỗi cuộc chiến, với mỗi lần có thêm một phong cách riêng. Cụ thể là các phong cách như La Mã, Gothic và Baroque. Tuy vẫn là hoàng cung, song nơi này có ý nghĩa như một di tích lịch sử nhiều hơn, và là một cảnh đẹp mở cửa suốt ngày đêm để đón khách tham quan.
- Xem thêm: Những đại thư viện hoành tráng
Ngoài những tòa nhà, tháp canh lộng lẫy ven sông Danube, quanh lâu đài còn có nhiều pho tượng thể hiện cho những chiến thắng vinh quang của thành phố, ví dụ tượng hoàng tử Eugene xứ Savoy là người đã giải phóng Budapest khỏi quân Thổ Nhĩ Kỳ. Du khách khi đến thăm thủ đô Hungary đều ghé qua, chụp ảnh tại lâu đài lớn thứ bảy thế giới này.
Nếu ai hỏi đâu là lâu đài tráng lệ nhất Nhật Bản và khu vực, thì câu trả lời luôn là lâu đài Himeji tại quận Hyogo. Ra đời năm 1333, nó đã tránh được vô số trận động đất, những cuộc oanh tạc và nội chiến liên miên, để trở thành một lâu đài tiêu biểu nhất của xứ sở hoa anh đào, vừa đẹp vừa rộng đến 41.468m2.
Không đơn giản chỉ để ở, với vẻ đẹp trang nhã như một con hạc trắng cất cánh bay trên mặt nước, cho nó cái tên là Thành Hạc Trắng, đây còn là một công trình quân sự, phòng thủ quan trọng, với tường cong đặt lỗ châu mai, các hào sâu bên trong và ngoài cùng các cánh cổng rắn chắc, lối đi ngoằn ngoèo trùng lặp tựa mê cung nhằm chặn bước quân thù. Tổng cộng có hơn 80 tòa nhà bằng gỗ, đá cao trên dưới 46,4m chạy suốt chiều dài 900m – 1.700m công trình.
Mang những tàn tích hơn 4.000 năm lịch sử Cận Đông và là thành trì lâu đời nhất hiện nay là lâu đài – thành lũy Aleppo tại thành cổ Aleppo-Syria. Tọa lạc trên một núi đá vôi cao 50m, dài 450m, rộng 325m giữa lòng thị trấn cổ, đây đã từng là nơi ở của những cư dân cổ đại trong thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên, rồi người Hy Lạp, Byzantine, Ayyubids, Mamluks, Ottoman… Và còn giữ lại được tới giờ một kiến trúc lâu đài vào khoảng thế kỷ 13-16, diện tích 39.804m2.
- Xem thêm: Những mái nhà đẹp nhất thế giới
Công trình này một phần được đẽo từ đá, một phần được xây từ gạch hết sức công phu. Đặc biệt có một đền thờ, với một hệ thống tinh xảo những phù điêu thần linh, cho thấy tín ngưỡng xa xưa và thời kỳ đầu của đất nước Syria.
Là hộ thành, đồng thời là biểu tượng quốc gia, thể hiện cho vẻ đẹp kiến trúc, văn hóa – quân sự Scotland, lâu đài Edinburgh đóng một vai trò rất lớn đối với Scotland. Vừa là tòa nhà cổ nhất thành phố Edinburgh, hoàng cung của vua từ thế kỷ 11 vừa là thành trì bảo vệ địa phương.
Do diện tích rộng 35.737m2 và nằm trên một núi lửa cao 135m cùng một con đường chiến lược ngăn cản các cuộc tiến đánh từ bên ngoài. Mọi đội quân xâm lược khi muốn đi sâu vào lãnh thổ Scotland đều phải qua đây và bị chặn lại, từ các binh đoàn La Mã thế kỷ 1, 2 tới quân Jacobite năm 1745.
Hiện nay, ở đây hãy còn một khu quân sự, tuy rằng hoạt động bố ráp đã chấm dứt nhiều năm. Kể từ khi thị trấn cổ bao gồm lâu đài Edingburgh trở thành Di sản UNESCO, và Edinburgh là thành phố văn học đầu tiên của thế giới, nơi này đã làm bảo tàng thu hút du lịch.