Nhắc tới thư viện, là nhắc đến một ngôi nhà tri thức, chứa vô vàn ấn phẩm, từ những thư tịch hàng trăm năm tuổi, cho tới những cuốn sách – báo chỉ mới xuất hiện vài ngày. Thế nhưng, trên thế giới còn có khá nhiều thư viện có số lượng ấn phẩm khổng lồ, và hơn thế được trưng bày dưới một kiến trúc cực kỳ tráng lệ.
Thư viện Quốc hội ở Washington D.C – Mỹ, ra đời từ năm 1800, là một phòng nhỏ trong tòa nhà Capitol, với khoảng 3.000 cuốn sách và năm 1812 bị quân Anh gần như đốt sạch, thì đến nay thư viện này đã quy tụ được 164 triệu hiện vật và cụ thể là 33 triệu cuốn sách, 98 triệu thủ bản, 6,7 triệu bài nhạc, 13,5 triệu bức ảnh, 55 triệu bản đồ, 3,5 triệu cuốn băng… bày biện trên 1.340km giá, và mỗi ngày lại tích thêm khoảng 11.000 tác phẩm mới vào bộ sưu tập của hơn 470 thứ tiếng.
Tuy nhiên, có một tác phẩm mà ai cũng thích, từ lâu được gìn giữ rất cẩn thận, đó là tờ nháp của Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và một số cuốn Thánh Kinh Gutenberg, là sách in đầu tiên của nhân loại.
Là kho sách lớn nhất thế giới, đây cũng là danh thắng đệ nhất toàn quốc vì phong cách cổ điển độc đáo.
Tòa nhà chính của nó là một công trình Beaux Arts, cao ba tầng, dài 140m, ở trên cùng – nơi mái vòm đồ sộ bằng đồng vươn cao một ngọn đuốc cho ánh sáng tri thức.
Ngoài mặt tiền bằng đá điêu khắc tinh xảo, bên trong nhà cũng được bài trí hết sức lộng lẫy bởi hơn 100 bức tranh tường và hàng trăm pho tượng, phù điêu.
Mà ý nghĩa nhất là hình ảnh nữ thần Minerva, người bảo vệ cho nền văn minh và hòa bình của thế giới, cầm trên tay một cuốn thư dài ghi chép những lĩnh vực cần có trong xã hội, như luật pháp, thống kê, triết học… và bên cạnh bà là các tiểu tiên thay trời mang những ấn phẩm trí tuệ xuống cho loài người.
Thư viện Quốc gia Pháp tại Paris – Pháp cũng là một nơi dẫn đầu về sách và cảnh quan tuyệt đẹp. Đây vốn dĩ là một tàng thư trong Điện Louvre, được vua Charles V thành lập năm 1368 với nhiều thủ bản quý hiếm, nhưng khi ông mất chúng đã được bán hết, và phải tới năm 1461 mới khôi phục được như cũ, và đặc biệt từ năm 1995, khi chuyển sang khu nhà mới, dưới sự kêu gọi của tổng thống Pháp muốn tạo nên một thư viện lớn nhất trái đất, thì số ấn phẩm tại đây đã tăng vọt.
Hiện có hơn 40 triệu hiện vật, gồm 15,3 triệu cuốn sách, 10 triệu văn kiện, 5.000 thủ bản Hy Lạp và hàng trăm nghìn bản đồ, xếp đầy trên 400km giá. Không chỉ có bản in.
Từ năm 1997, còn có bản số hóa mà đến giờ là 4,2 triệu văn kiện, 533.000 tập sách và hơn 1.000.000 bức ảnh điện tử. Nằm bên dòng sông Seine thơ mộng, trái với nhiều công trình cổ kính.
Thư viện này là một tòa nhà cực kỳ hiện đại, hình chữ L với ý nghĩa như một cuốn sách hay giá sách mở rộng, tuôn trào kiến thức.
Có đến bốn “cuốn sách” cao 24 tầng, làm từ kính, thép – gỗ, và ở giữa chúng là một khoảng vườn bao la, ngụ ý trung tâm của kiến thức chính là thiên nhiên, và tạo ra một không gian xanh cực kỳ êm đềm, thu hút 3.600 bạn đọc/ngày.
Với 4,4 triệu hiện vật gồm 2 triệu đầu sách và 2,4 triệu cuốn băng bằng 100 thứ tiếng, Thư viện Công cộng Stockholm – Thụy Điển lại là biểu tượng văn hóa của thủ đô Thụy Điển.
Tại đây, bạn đọc có thể tiếp cận với 17 nghìn ấn phẩm tiếng Ba Tư, 15.800 – tiếng Ả Rập, 14.500 – tiếng Tây Ban Nha và 19.300 – tiếng Nga.
Ngoài ra là tiếng Trung, Nhật, Thái… xứng tầm là một thư viện quốc tế. Nó cũng là một thư viện đầu tiên của nước này mở cửa đón khách miễn phí, nên ngày nào cũng đông.
- Xem thêm: Những mái nhà đẹp nhất thế giới
Rất dễ nhận ra thư viện, thứ nhất là vì màu hoàng thổ đồng chất bên ngoài từ dưới lên trên, và tương tự là một màu trắng thanh nhã từ trần xuống sàn bên trong.
Thứ hai là một hình dáng nhẹ nhàng như một chiếc bánh hai tầng có đế vuông, thân trụ, và là một ví dụ tiêu biểu của chủ nghĩa cổ điển Tây Bắc Âu, được thực hiện vào năm 1928, lấy cảm hứng từ một nhà tròn rotunda, và dùng nhà tròn ấy làm phòng đọc còn phần vuông bao quanh là các hành lang kế cận.
Nó là một tòa tháp xilanh, chia thành ba tầng, giống như hang hốc để chứa sách, và cho sách chạy vòng tròn 360 độ, rất dễ tiếp cận. Để hỗ trợ thị lực, xung quanh trổ hàng chục ô cửa, làm căn phòng sáng trưng.
Phòng đọc Hoàng gia tiếng Bồ Đào Nha của Rio de Janeiro – Brazil cũng là một thư viện lôi cuốn nhất Nam Mỹ, và có nhiều sách tiếng Bồ Đào Nha thứ hai thế giới.
Vào năm 1837, nhận thấy phải có một kho sách phục vụ cộng đồng người Bồ Đào Nha di cư tới tân thế giới, 43 người Bồ Đào Nha đã dựng lên thư viện này, lưu giữ khoảng 350.000 cuốn sách tiếng Bồ Đào Nha cùng nhiều tranh tượng, tiền xu cổ từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, và mỗi năm có thêm 6.000 cuốn sách mới.
Thuở đầu, nó còn khá đơn sơ và tới năm 1887 thì được dựng lại dưới dạng nhà thờ Tân cổ, cao ba tầng bằng đá vôi, mái vòm kính, cửa sổ ở chóp bằng sắt.
Trước cửa đặt tượng của bốn nhà thám hiểm trứ danh người Bồ Đào Nha: Infante D. Henry, Pedro Alvares Cabral, Vasco da Gama và Luis de Camoes, và bên trong là nhiều tranh vẽ của các họa sĩ nổi tiếng khác như Jose Malhoa, Carlos Reis, Eduardo Malta và Oswaldo Teixeira.
Cùng những giá gỗ thâm trầm kiểu Gothic Phục Hưng cho một cảm giác rất sâu lắng. Năm 1906, thư viện đã được vua Manuel II Bồ Đào Nha phong tặng danh hiệu hoàng gia bởi vẻ đẹp hấp dẫn cùng những giá trị lịch sử to lớn. Và tháng 6 năm 2014 cũng được tạp chí Time bình chọn là tráng lệ thứ tư thế giới.
Xuất hiện cùng Đại học Trinity Dublin – Ireland năm 1592, không chỉ phục vụ sinh viên, Thư viện Đại học Trinity còn là một địa điểm thu hút rất nhiều du khách tới nước này, do chứa đến 6 triệu hiện vật, gồm 200 nghìn cuốn sách cổ, mà lâu đời nhất là cuốn kinh Phúc Âm Kells thế kỷ 9.
Với 680 trang, ghi lại bốn tập đầu tiên trong kinh Tân ước và được vẽ tay, viết theo chữ La tinh, lối insular majuscule rất hiếm, nên nó được xem là một kiệt tác thư họa của châu Âu.
Sách mang tên kinh Phúc Âm Kells vì trước khi tới Đại học Trinity vào năm 1661, nó đã nằm tại tu viện Kells, hạt Meath trong hàng thế kỷ.
Hiện nay, cùng cuốn sách này, phần lớn sách cổ đều được trưng bày tại một phòng dài là phòng chính của thư viện, dài 65m, với nhiều hàng cột – mái vòm, mà ở mỗi cột gắn một giá sách cao kều.
Tại mỗi đầu giá cũng treo tranh lớn và bày tượng bán thân của các triết gia, văn hào Ireland. Vì sự cổ kính – trầm mặc, nó đã xuất hiện trong bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao, và làm ngôi đền Jedi, nơi gìn giữ tri thức của nhân loại.
Đến tu viện Admont Styria – Áo, ai nấy đều không khỏi ngỡ ngàng trước một kho tàng tư liệu tu học lớn nhất trái đất, cùng một kiến trúc hết sức thú vị cuối thời Ba Rốc.
Tại thư viện có tới hơn 200.000 cuốn sách, 1.400 thủ bản thế kỷ 8 và 900 văn bản cổ trước thế kỷ 16. Là trường tu nên nó dành khá nhiều diện tích và thiết kế cho chủ đề tôn giáo.
Ở đâu cũng thấy cảnh thần tiên, và đặc biệt trên bảy mái vòm của căn phòng dài 70m, rộng 14m, cao 13m, có những bức tranh tường cực lớn khắc họa bảy mức độ nhận thức của con người trước khi mặc khải ở vòm trung tâm.
Ngay dưới vòm này là một khu trưng bày sách Kinh Thánh và những tác phẩm của các học giả Cơ đốc.
Nhờ có tới 48 cửa sổ cho ánh sáng tràn ngập và phản chiếu lên những bức tường trắng, nó cũng ngụ ý về một sự khai trí cho bạn đọc mỗi khi đến nghiên cứu – học tập.
- Xem thêm: Thăm bảo tàng bóng đá trên thế giới
Thư viện tu viện Strahov, Prague – Czech cũng là một kho sách tầm cỡ. Ra đời năm 1143, đây giống như một bảo tàng nhiều hơn là một thư viện, với hơn 200.000 cuốn sách về mọi đề tài Trung cổ đến cuối thế kỷ 18.
Đặc biệt, còn có hai lối đi bí mật nằm sau những kệ sách và được mở bằng các quyển giả. Vì thế, đôi khi người ta thấy một số bạn đọc biến mất ngay trước mắt.
Nằm trong cung điện của vua Philip II, nên thư viện San Lorenzo de El Escorial Madrid – Tây Ban Nha vô cùng lộng lẫy, với khắp nơi là một màu vàng rực rỡ và trên vòm có những bích họa phản ánh nhiều môn học cơ bản như thiên văn học, hình học, đại số, ngữ pháp, từ vựng, âm nhạc.
Tất cả được tiếp tục phản ánh qua hơn 40.000 cuốn sách, mà một phần mười là thủ bản quý hiếm, cùng với hoàng cung trở thành di sản thế giới.
Lấy cảm hứng từ đại hý trường Coliseum La Mã, Thư viện Trung ương Vancouver – Canada không chỉ có diện tích khổng lồ lên tới 37.000m2, với chín tầng để trưng bày 1,3 triệu cuốn sách mà còn là nơi tập trung của nhiều văn phòng, nhà hàng, cửa hiệu và một vườn cây xanh mượt trên sân thượng. Mỗi ngày, nó phục vụ hàng trăm bạn đọc.
Riêng năm 2013, tiếp hơn 6,9 triệu độc giả, mượn gần 9,5 triệu cuốn sách, băng đĩa và là một trong các thư viện công cộng lớn nhất nước.
Được báo chí Mexico ca ngợi là siêu khủng, Thư viện Jose Vasconelos – Mexico cũng có diện tích tới 38.000m2, đủ để treo một bộ xương cá voi xám tại đại sảnh, và trồng ở bên ngoài một vườn cây vĩ đại với 60.000 loài như một lá chắn rợp mát.
Không bày sách trên giá gỗ cổ điển, tại đây bày hơn 575.000 cuốn sách trên các tủ kính hiện đại và nhờ trong suốt có thể nhìn thấy từ sàn tới đỉnh của từng năm tầng nhà.
- Xem thêm: 10 trụ sở chính phủ trên khắp thế giới
Thư viện Raza Rampur – Ấn Độ cũng là một phần của cung điện hoàng gia. Từ năm 1774, dưới thời vua Nawab Faizulla Khan, nó đã lưu giữ một bộ sưu tập lớn thủ bản và tranh miniature Hồi giáo thế kỷ 18, và đến nay lên đến 17.000 thủ bản bằng tiếng Ả Rập, Ba Tư…, 5.000 bức tranh miniature, 205 lá cọ viết tay cùng hàng chục nghìn cuốn sách tiếng Sanskrit, Hindi, Urdu quý hiếm. Hiện giờ, tất cả được bảo quản bởi chính phủ.
Ra đời năm 1967, Thư viện Quốc gia Bhutan vừa là một kho tàng vừa là một ngôi đền Phật giáo, bảo tồn và phát huy di sản tín ngưỡng và văn hóa Bhutan.
Đây là nơi gìn giữ của 6.100 cuốn kinh thơ, truyện, và là một bộ tác phẩm văn học đạo Phật lớn nhất thế giới. Phần lớn được in theo kiểu Tây Tạng, tức là viết tay hoặc in trên những mảnh giấy dài kẹp đai gỗ, quấn vải.
Và để làm ra chúng là 9.000 khuôn in bằng gỗ mà về nguồn gốc đã có từ thế kỷ 15, trong đó khuôn Kun mkhyen bká bum là một khuôn in lớn nhất, cho ra 12 tập và 7.329 trang sách.
Ngoài ra, đẹp và đồ sộ còn phải kể tới Thư viện Quốc gia Nga tại Moscow với 24,2 triệu cuốn sách, 13 triệu tờ báo và 150.000 bản đồ, Thư viện Quốc gia Trung Quốc – Bắc Kinh 22 triệu cuốn sách và 35.000 bản khắc trên xương và mu rùa đời Thương, Thư viện Anh London 14 triệu cuốn sách và 50 triệu tờ giấy môn bài, Thư viện thành phố Berlin Đức 12 triệu cuốn sách, Thư viện Hoàng gia Đan Mạch 6,4 triệu cuốn sách, Thư viện bang Victoria Australia 2,2 triệu cuốn sách, Thư viện Mohammed bin Rashid Dubai UAE 1,5 triệu cuốn sách, Thư viện Alexandria Ai Cập 500 nghìn cuốn sách, Thư viện Quốc gia Singapore 200 nghìn cuốn sách…