Nhờ sự lồng lộng, tạo ra những cột mốc trên biển, đồng thời có thể chiếu xa hàng km, những hải đăng (ngọn đèn biển) đã được dùng từ 2.268 năm trước để hướng dẫn tàu thuyền qua lại an toàn. Nhờ chúng, mọi phương tiện hằng hải đều dễ dàng nhìn xuyên bóng tối, nhận biết các chướng ngại vật như đá ngầm, bãi cạn, hải tặc mà tránh va chạm.
Đến nay, đã có khoảng 18.600 ngọn đèn biển rải khắp những vùng duyên hải. Có cái nằm sát mặt nước, có cái lại ở tít trên cao, song đều hấp dẫn và là hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp thanh bình của biển. Có khá nhiều hải đăng tráng lệ, nhưng đặc sắc nhất có lẽ phải kể tới một số công trình sau:
Đèn biển Hercules ở thành phố Galicia, Tây Ban Nha
Đây là một ngọn đèn biển cổ nhất trái đất, đã xuất hiện từ thế kỷ 2 và hãy còn hoạt động tới nay. Ngọn đèn này nằm ở cửa ngõ hải cảng La Coruna trên Đại Tây Dương.
Dựa theo tên gọi Farum Brigantium khi mới ra đời cho đến thế kỷ 20, người ta tin rằng, nó được xây dựng theo chính hải đăng Alexandria, một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại. Cao 55m trên một mỏm đá cao 57m, công trình có chiều cao lên tới 112m và là hải đăng cao thứ nhì cả nước.
Mang tên người anh hùng Hercules trong thần thoại La Mã, và với ý nghĩa của một cống phẩm dâng lên thần Chiến tranh Mars, công trình có tới 4 tầng thuôn dài tựa sinh thực khí. Mới đầu, chỉ có 3 tầng, song đến năm 1788 được chắp thêm tầng tư theo phong cách Tân Cổ điển. Phần đế gồm 8 cạnh hình bát giác, sau đó là một tháp vuông 4 cạnh, tiếp tục là tháp 7 cạnh, tháp 5 cạnh và cuối cùng là mái vòm, nơi đặt đèn chiếu sáng.
Nằm cách La Coruna 2,4km, suốt thời Trung cổ, nó đã đóng vai trò vừa là một pháo đài, vừa là một hải đăng vĩ đại nối kết các tuyến đường thương mại từ Địa Trung Hải tới Đại Tây Dương. Nhờ không bị chiến tranh, hải đăng Hercules là đèn biển La Mã duy nhất còn nguyên vẹn và hiện là Di sản UNESCO hàng ngày mở cửa đón khách.
Đèn biển Tourlitis – Chora, Hy Lạp
Tọa lạc giữa biển Aegea, hải đăng Tourlitis cũng là một công trình ấn tượng vì giống một tòa tháp của thầy phù thủy hay nàng tiên cá Ariel đang ngồi vắt vẻo. Đối diện với lâu đài Chora – Andros, kỳ thực nó là một tháp đá hình nón, cao khoảng 7m, trên một khối đá bị nước biển ăn mòn, tạo hình xoáy ốc kỳ lạ. Xuất hiện năm 1897, trang trí cho lâu đài, song nó cũng phục vụ hàng hải gần 50 năm, để rồi bị phá hủy trong Thế chiến thứ hai và tái thiết năm 1994.
Dù vậy, công trình vẫn giữ nguyên vẻ huyền bí và trở thành ngọn đèn biển độc nhất ở châu Âu xây trên đá giữa biển, cũng là hải đăng tự động đầu tiên của Hy Lạp, không cần người canh. Mỗi đêm, ánh sáng có thể chiếu xa 11 hải lý, giúp tàu thuyền cập bến yên lành. Vì sự độc đáo, đèn biển Tourlitis đã được vào tem, cùng nhiều chương trình quảng bá du lịch.
Đèn biển Fastnet – hạt Cork, Ireland
Cũng nằm chơ vơ giữa biển, song đèn biển Fastnet còn kề sát mặt nước và có một phía thân tháp tựa mình vào đá. Trong dân gian, nó và khối đá này đều được gọi là “Giọt lệ Ireland” vì là doi đất di dân Ireland nhìn thấy lần cuối khi tiễn biệt đất nước sang Mỹ.
Vào năm 1854, nhằm tránh va chạm giữa các phương tiện tại cực Nam, người ta đã xây dựng ở đây một hải đăng đá, và sau 50 năm thay thế bằng một công trình đồ sộ hơn, cũng là ngọn đèn biển cao nhất Ireland.
Với phần đế có đường kính tới 16m và chiều cao tòa tháp 45m, từ xa có thể thấy nó nổi bật dưới hình trụ tròn trắng muốt trên nền biển trời xanh thẳm, và về đêm ánh đèn loang loáng, làm cảnh vật xung quanh bừng tỉnh. Cứ năm giây, đèn lại phát ra một tia sáng kéo dài 0,14 giây, dõi xa 27 hải lý.
Đèn biển Westerhever- Schleswig-Holstein, Đức
Nằm trong khu bảo tồn quốc gia, 4 bề là những đồng cỏ và bãi sình ngập mặn, hải đăng Westerhever cũng là một ngọn đèn biển lôi cuốn, đi vào khá nhiều phim ảnh và hiện thân của phong cảnh kiến trúc – thiên nhiên miền Bắc nước Đức.
Ra đời năm 1908, công trình có đế bê tông, song thân gang thép, cao đến 40m, nhìn ra Bắc Hải. Không chỉ vòi vọi, trên thân còn sơn những sọc trắng – đỏ, cùng với phần đèn và ban công đen nhánh, tạo nên một ấn tượng khó quên. Hai bên của nó cũng có hai trạm gác, theo kiểu nhà dân mái nâu rực rỡ. Nhờ cảnh đẹp tĩnh mịch, mỗi năm nơi này thu hút 80 nghìn khách, đa số là các đám cưới.
Đèn biển Cabo da Roca – Sintra, Bồ Đào Nha
Vừa ở cực Tây châu Âu, vừa cao chót vót 165 m bên Đại Tây Dương và có vẻ của một lâu đài-biệt thự là ngọn đèn biển Cabo da Roca. Công trình này trong thực tế chỉ cao 22m, song được tôn thêm trên một vách đá cao 143m, khiến nó có thể được thấy từ xa 46km.
Hơn thế, còn lọt giữa quần thể của chín tòa nhà, và ló ra từ tầng hai của tòa nhà lớn nhất, dưới hình thức của một tháp vuông kết hợp tháp tròn, tầng dưới sơn trắng, tầng trên sơn đỏ đẹp mắt, thoạt nhìn cứ như một dinh thự đài các.
Mặc dù chỉ có một tháp đèn, nhưng nó có đến tám trạm gác, đảm nhiệm việc đốt đèn (khi chưa có điện) và theo dõi hoạt động thường nhật. Sở dĩ như vậy vì vùng Cabo da Roca là một mũi đất hoang dã, gập gềnh nhất châu Âu.
Cho đến thế kỷ 14, Cabo da Roca vẫn được xem là rìa của thế giới, gió giật sóng dữ nên ít thuyền bè qua nổi. Để giúp các phương tiện đi lại dễ dàng, vào năm 1772 đã có ngọn đèn biển và tới năm 1842 thì tu bổ cho diện mạo ngày nay.
Đèn biển Genoa – Liguria, Ý
Ngoài vai trò định vị ban đêm, hải đăng Genoa còn là biểu tượng của thành phố Genoa trên Địa Trung Hải, và công trình cổ thứ ba thế giới (891tuổi), sau đèn biển Hercules và Kopu, cũng là tháp đèn đá cao thứ hai trái đất và nhất Nam Âu.
Nó cao 76m và đứng trên một quả đồi cao 41m. Tại đây, trước năm 1128, mọi người thường tập trung đốt lửa, tăng cường ánh sáng cho các đoàn tàu vào cảng. Từng được tu bổ vài lần ở thế kỷ 16 và thế kỷ 20, nhưng hải đăng vẫn giữ nguyên dạng, gồm hai khúc vuông, mỗi khúc đều có mái bằng đặc sắc. Và để tới đỉnh, phải bước qua hàng trăm bậc đá, song tới nay chỉ có 172 bậc được leo, vì phần trên chịu sự quản lý của quân đội.
Vừa làm hải đăng, nó cũng làm tiền đồn canh gác ngoại thành, hoạt động suốt 9 thế kỷ và là ngọn đèn biển chính của thành phố, với ánh sáng dọi xa 50 km. Vì vai trò chiến lược của đèn từ thế kỷ 14, người dân đã vẽ huy hiệu thành phố (hình cây thập tự) lên tường tháp.
Đèn biển Mull – Galloway, Scotland
Tại cực Nam Scotland và trong khu sinh quyển RSPB, từ năm 1830 cũng có một ngọn đèn biển cực kỳ trang nhã với màu trắng muốt, vươn mình khỏi những vách đá, và cùng các trạm gác lân cận, tạo thành một khối trắng xóa giống như một tảng băng trôi. Đó là hải đăng Mull xứ Galloway, cao 99m.
Thay vì dùng màu sắc, sọc kẻ bắt mắt, nó chỉ sơn duy nhất màu trắng. Cộng với không gian hoang sơ, toàn những đàn chim hải âu chao lượn, mang lại một cảm giác rất thư thái. Vì thế, cứ đến lễ Phục sinh, du khách lại ra đây ngắm cảnh. Sau khi leo 115 bậc thang, mọi người sẽ tới được đỉnh tháp.
Nơi trước năm 1971 phải đốt đèn, song sau đó mọi thứ đã được tự động hóa bằng điện. Ngoài ánh đèn chiếu xa 28 hải lý, mỗi khi sương mù và vào buổi trưa chủ nhật, ở đây còn vang lên những tiếng còi tầm rục rã, báo hiệu khí trời u ám.
Đèn biển Ánh sáng bãi cạn Thomas Point – Maryland, Mỹ
Không là một cột tháp thuôn dài hay vuông vức thông thường, hải đăng Ánh sáng bãi cạn Thomas Point là một túp lều bằng gang và gỗ, gắn đèn và còi ở lưng chừng một vùng nước nông thuộc vịnh Chesapeake của Mỹ.
Trong quá khứ, nó đóng vai trò tối quan trọng đối với hàng hải vì đây là vùng thường xuyên xảy ra va chạm, do nước cạn, sóng dữ, băng tan. Có khá nhiều hải đăng xuất hiện, nhưng vì thời tiết khắc nghiệt đều biến mất.
Vào năm 1825, tại vị trí bây giờ đã từng có một tháp đèn đá, kế tiếp năm 1838 lại có một cái khác, và cuối cùng năm 1875 thì ra đời công trình này, với kiểu cách của một ngôi nhà bắt vít, đóng cọc vào lòng biển. Và thật kỳ tài, nó vẫn tồn tại và trở thành di tích lịch sử.
Nhà gồm 1,5 tầng, cao 13m, có hình lục giác trổ nhiều ô cửa sổ, cửa ra vào ra các hướng thú vị. Nó cũng sơn trắng, song có thêm mái đỏ để dễ nhận. Tuy mỏng manh, công trình vẫn thường xuyên tiếp khách, mỗi năm mở cửa ba tháng, phục vụ các chuyến tham quan bởi bảo tàng hàng hải Annapolis.
Đèn biển Hoàng tử Haut-fond – Québec, Canada
Cũng mang tên một hoàng tử và có thiết kế tương tự trên, nhưng công trình của Canada lại là một chiếc bình hay đĩa đại có chân nổi trên nước. Cụ thể là một nhà tròn, mái bằng với một tháp xi lanh ở trên nóc và lệch sang một phía tựa ống khói. Đa số mái được làm sân bay cho trực thăng và ngoài ra còn có các ban công, tay vịn ngắm cảnh.
Ra đời năm 1964, được đặt tên theo hoàng tử Haut-fond xứ Wales khi ông ghé thăm Quebec. Ngọn đèn biển này có kiến trúc rất độc đáo, hiện đại: nở trên thắt dưới cùng màu đỏ sặc sỡ, các sọc kẻ nằm ngang đều đặn và chiều cao tới 25m, trong đó tháp đèn cao hơn một nửa khá ấn tượng.
Đặc biệt, công trình được xây từ bê tông cốt thép, riêng tháp được chế hoàn toàn bằng kim loại. Tòa nhà cũng có một cột trụ dày, chống nổi những con sóng cao gần 7m. Tọa lạc trên sông St. Lawrence, cứ 2,5 giây nó chiếu sáng một lần tới 18 hải lí, và là một cột mốc, đánh dấu trên dòng sông mênh mông.
Đèn biển Vypin – Kerala, Ấn Độ
Khi dạo chơi bãi biển Puthuvype- Kochi, du khách sẽ không thể bỏ qua cảnh đẹp hải đăng Vypin, một công trình siêu hiện đại bằng bê tông hai lớp và thép rắn của Ấn Độ.
Cao 46m, chiếu xa 28 hải lí, đây là một kiến trúc hình bát giác, song lõm vào trong, với các mép song song như thể tám cái máng trượt khổng lồ từ trên lao xuống. Thêm vào đó là một thang máy chỉ trong tức tốc đã có thể đưa du khách lên đỉnh, bao quát toàn cảnh thành phố dưới những làn gió biển Ả Rập và những hàng dừa rợp mát.
Lần đầu tiên, người ta biết đến ngọn đèn biển này là năm 1839 tại pháo đài Kochi, và do nhiều biến động cũng như cải tiến kỹ thuật, đến năm 1979 nó đã được chuyển tới vị trí hiện tại trên đảo Vypin với phong cách hoàn toàn thay đổi, từ kiểu nhà hộp vuông thành kiểu tháp lõm và đa gạnh.
- Xem thêm: Những mái nhà đẹp nhất thế giới
Ngoài ra, còn có khá nhiều ngọn đèn biển xinh đẹp khác mang những phong cách kiến trúc độc đáo, như hải đăng Hook của Ireland, Chania – Hy Lạp, Lindau-Đức, Umhlanga – Nam Phi, La Matre – Canada, Heceta Head – Mỹ, Klein Curacao -Curacao, Rubjerg Knude – Đan Mạch, Les Éclaireurs – Argentina, Cape Byron Light -Australia, Cabo del Polonio – Uruguay và Cabo da Roca- Bồ Đào Nha…