Sự bùng nổ của hình thức hàng không giá rẻ đã kích thích mạnh mẽ xu hướng di chuyển bằng đường hàng không tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển ở Đông Nam Á. Cuộc đua giành thị phần diễn ra ngày càng quyết liệt không chỉ giữa các hãng hàng không giá rẻ mà các hãng hàng không phục vụ theo hình thức truyền thống cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Một trong những yếu tố để gia tăng sức ảnh hưởng, chiếm giữ thị phần mạnh chính là khả năng sở hữu số lượng máy bay của các hãng hàng không. Khi cuộc cạnh tranh chủ yếu dựa trên tần suất khai thác trên cùng một đường bay thì thương hiệu hàng không nào có số lượng máy bay khai thác nhiều hơn, đồng nghĩa với khả năng đảm bảo độ chính xác về thời gian cất/hạ cánh cao hơn, sẽ nắm giữ lợi thế về thị phần.
Dẫn đầu danh sách thống kê những hãng hàng không đang sở hữu số lượng máy bay khai thác cao nhất tại khu vực Đông Nam Á là Tập đoàn Hàng không Lion Air của Indonesia. Hiện sở hữu năm hãng hàng không đang hoạt động tại ba quốc gia trong khu vực là Indonesia, Malaysia và Thái Lan với tổng số lượng máy bay khai thác lên đến 294 chiếc, Tập đoàn Lion Air cũng vừa mới ký mua thêm 50 chiếc Boeing 737 Max 10 để phát triển thêm thị phần. Đây cũng là tập đoàn hàng không lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á luôn nắm giữ con số máy bay khai thác cao nhất trong khu vực kể từ năm 2014, vượt trội cả khi AirAsia X và AirAsia hợp lại.
Giữ vị trí thứ 2 là Tập đoàn Hàng không AirAsia có tốc độ tăng trưởng đội bay đạt 13% trong năm nay, sở hữu 211 máy bay. Còn thương hiệu hàng không theo hình thức phục vụ truyền thống AirAsia X thuộc tập đoàn này lên kế hoạch tăng trưởng đội bay đến 30% cho ba hãng hàng không trực thuộc đang hoạt động tại khu vực với dòng máy bay chủ đạo là A330. Hiện tại, AirAsia với sáu hãng hàng không con đang khai thác phủ sóng các đường bay trong Đông Nam Á sử dụng chủ yếu dòng A320.
Sau khi bổ sung 17 máy bay vào đội bay, hãng hàng không giá rẻ hàng đầu của Việt Nam – Vietjet Air đang được xếp ở vị trí thứ 3 về độ tăng trưởng số lượng máy bay sau Lion Air và AirAsia. Tuy nhiên, về tổng số lượng máy bay khai thác hiện hữu theo số liệu thống kê tính đến tháng 1-2018 từ CAPA (Trung tâm Hàng không châu Á – Thái Bình Dương) thì Vietjet vẫn chưa thể xuất hiện trong Top 10.
Bị vượt mặt bởi AirAsia, Hãng hàng không quốc gia Garuda – Indonesia vẫn chưa có kế hoạch gia tăng số lượng máy bay trong năm 2018 khi con số hiện tại là 192 chiếc và Garuda cũng đã hoãn lại tất cả những đơn đặt hàng trong năm 2018. Trong khi đó, Tập đoàn Hàng không Singapore Airlines đang có kế hoạch gia tăng đội bay của mình lên 200 chiếc vào cuối năm nay khi hiện tại hãng đang sở hữu con số 191 máy bay chủ yếu thuộc phân khúc thân rộng. Ở ba vị trí kế tiếp là Thai Airways, Vietnam Airlines và Malaysia Airlines vẫn chưa có kế hoạch gia tăng nhiều đối với đội bay của mình trong năm 2018.
Theo số liệu vào đầu năm thì Thai Airways sở hữu 129 máy bay xếp vị trí thứ 5, Vietnam Airlines khai thác 115 chiếc xếp vị trí thứ 6 và Malaysia Airlines với 102 xếp thứ 7 trên bảng thống kê. Hãng hàng không Malaysia sẽ có thể tăng thêm bốn máy bay A350s và sáu chiếc A330 cũ cho đội bay của mình trong năm 2018 trong khi Thai Airways chỉ có ý định tăng thêm một máy bay trong năm nay.
Còn Vietnam Airlines lựa chọn tốc độ tăng trưởng nhanh vừa phải với mục tiêu không tăng quá 10 chiếc máy bay trong năm 2018 trong khi hai hãng hàng không trực thuộc là Jetstar Pacific và VASCO sẽ không gia tăng số lượng máy bay từ đây đến cuối năm. Nắm giữ vị trí thứ 8 và 9 trong bảng xếp hạng là hai hãng hàng không của Philippines: Philippine Airlines và Cebu Pacific với số lượng máy bay đang sở hữu lần lượt 88 và 61 chiếc. Chốt cuối bảng xếp hạng là Hãng hàng không Sriwijaya Air của Indonesia với đội bay đạt 56 chiếc tính đến đầu năm 2018.
Cả hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus đã có những đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển của thị trường hàng không thương mại tại châu Á, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Thu nhập của người dân tăng cao, sự đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vận chuyển hàng không ngày càng thuận tiện dẫn đến sự bùng nổ về nhu cầu du lịch, di chuyển của người dân tại khu vực này trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, phát triển nhanh phải đi kèm với khả năng kiểm soát tốc độ tăng trưởng phù hợp nếu không muốn rơi vào khủng hoảng tài chính do đầu tư quá nhiều so với nhu cầu sử dụng là điều quan tâm của các hãng hàng không. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt về giá vé giữa các đối thủ trên cùng đường bay và sự gồng gánh về chi phí vận hành lớn là những trở ngại lớn mà hầu hết các hãng hàng không cần phải vượt qua nếu muốn tồn tại và tăng trưởng trong hoàn cảnh thị trường vận chuyển hàng không hiện nay.