Khi bạn phải bay cùng với một vài đứa trẻ, chắc chắn sẽ có nhiều tình huống phát sinh mà bạn không thể lường trước. Để hạn chế được những hoàn cảnh không mong muốn xảy ra, hãy thực hiện công tác chuẩn bị về vật chất lẫn tinh thần trước khi bay thật cẩn thận để có thể tạo nên một chuyến bay nhẹ nhàng cho bản thân và quan trọng là cho chính những đứa trẻ của bạn. Sau đây là 10 gợi ý được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế khi bay cùng trẻ em có thể phần nào giúp bạn giảm bớt áp lực cho các chuyến bay.
1. Nhớ những thứ cần có dành cho đứa trẻ
Bị hoãn chuyến bay luôn là những tình huống rất thường xảy ra, vì vậy, khi chuẩn bị những thứ trong hành lý xách tay hãy nhớ luôn phải dự phòng những đồ dùng của trẻ nhiều hơn so với dự đoán, bởi bạn không bao giờ có thể biết khoảng thời gian bị hoãn chuyến bay của mình là bao lâu. Ví dụ những thứ cần phải chuẩn bị có thể là tã giấy, quần áo, thức ăn nhẹ, khăn giấy ướt và sữa.Về phần trang phục cho đứa trẻ trước chuyến bay, hãy chú ý quần áo cho trẻ để chắc chắn trẻ sẽ không quá lạnh hay quá nóng trong những điều kiện nhiệt độ khác nhau.Bên cạnh nhu cầu về ăn mặc của trẻ, bạn cũng đừng quên vài món đồ chơi mà trẻ yêu thích và một bộ quần áo dự phòng của riêng bạn trong tình huống trẻ nôn trên người bạn (mà điều này thường hay xảy ra khi trẻở độ tuổi từ 0-3 tuổi).
2. Tìm ghế ngồi phù hợp khi đặt vé
Tùy thuộc vào tình huống thực tế mà bạn chọn vị trí ghế ngồi thực sự phù hợp để có thể dễ dàng chăm sóc đứa trẻ trong chuyến bay. Thứ nhất, nếu đứa trẻ của bạn còn đang trong giai đoạn dùng sữa mẹ, thì vị trí tốt nhất bạn nên chọn là ghế cạnh cửa sổ, nó sẽ cho bạn một không gian riêng tư và kín đáo hơn. Vị trí ghế này cũng phù hợp với những tình huống trẻ thường hay đạp chân vào thành máy bay thay vì đạp vào lưng ghế khách ngồi phía trước.
Trong những điều kiện khác, với một đứa trẻ đi cùng, bạn nên chọn ghếở lối đi vì sẽ có thêm không gian xung quanh rộng rãi hơn cho việc chăm sóc trẻ cũng như ít ảnh hưởng đến khách khác khi đứa trẻ chơi đùa.
Nếu muốn đem theo ghế ngồi cá nhân cho bé lên khoang khách (dạng dành cho đi xe ôtô), thì bạn phải chắc chắn rằng trên một số máy bay không có lắp thiết bị để giữ an toàn cho chiếc ghế này ngoài sợi dây an toàn trên ghế máy bay, vì vậy, thường thì bạn sẽ được khuyên ôm giữ đứa bé khi đèn hiệu cài dây an toàn bật sáng. Để có được tư thế vừa thoải mái vừa an toàn cho cả bạn và đứa trẻ thì chiếc đai giữ trẻ là lựa chọn hợp lý hơn.
3. Trả thêm tiền để có không gian thoải mái
Khoảng không gian dưới chân rộng rãi sẽ tạo nên một không gian vui chơi an toàn nhất trên máy bay cho đứa trẻ, bên cạnh lợi ích là bạn có thể đặt chiếc túi đồ dùng của bé mà không vi phạm quy định về an toàn. Vì vậy, đừng tiết kiệm chi phí này.Và nhớ trải một tấm vải hay khăn trước khi đặt cho trẻ chơi dưới sàn máy bay.
Theo quy định hàng không thì trẻ em từ hai tuổi trở lên phải ngồi một ghế riêng trong chuyến bay, nhưng theo kinh nghiệm nếu đứa trẻ nhà bạn khoảng 18 tháng tuổi thì bạn cũng có thể mua ghế riêng cho bé. Bé sẽ có không gian riêng vui chơi một mình mà nếu may mắn bạn còn có thể chợp mắt nghỉ ngơi một chút với đứa trẻ đang say sưa với món đồ chơi thích thú ở ghế bên cạnh.
4. Sạc pin đầy những thiết bị đồ chơi của đứa trẻ
Với những đứa trẻ lớn hơn một chút, đồ vật duy nhất có thể giữ chúng ngồi yên và tập trung không gì khác hơn chính là những chiếc iPad, smartphone hay những máy game điện tử. Vì vậy, để tránh phải la mắng, đe dọa cho những trò quậy phá hay chạy nhảy trong chuyến bay của những đứa trẻ hiếu động, hãy sạc pin đầy cho những đồ dùng này, nó sẽ rất hữu ích để bạn có những giờ phút nghỉ ngơi trên chuyến bay.
5. Lên máy bay sớm hơn hay muộn hơn?
Hầu hết các hãng hàng không đều có chế độưu tiên boarding dành cho khách có trẻ em đi cùng.Việc được vào khoang khách máy bay trước những hành khách khác sẽ giúp bạn có nhiều thuận lợi về không gian và thời gian cho việc sắp xếp hành lý. Tuy nhiên nếu bạn đi cùng một đứa trẻ hiếu động thì đôi khi việc lên máy bay sớm sẽ trở thành rắc rối khi khoảng thời gian trong không gian chật chội diễn ra lâu hơn. Vì vậy tùy thuộc vào thực tế mà bạn nên chọn thời điểm phù hợp nhất.
6. Cố gắng cho trẻ ăn uống khi cất và hạ cánh
Đây là một điều cực kỳ quan trọng khi bay cùng trẻ nhỏ. Việc trẻ uống sữa hay ăn uống khi máy bay đang cất hay hạ cánh không chỉ giúp ngăn ngừa trẻ không quấy phá trong thời điểm an toàn mà nó còn là một phương pháp hữu hiệu ngăn ngừa tình trạng đau tai do thay đổi áp suất.
7. Nhớ đem theo những món đồ yêu thích của bé
Một trong những cách thức mà các bậc phụ huynh hay làm là mua một vài món đồ chơi mới cho trẻ ngay trước chuyến bay, bởi vì nó sẽ có tác dụng thu hút trẻ trong chuyến bay hơn là những món đồ chơi cũ mà trẻ đã nhàm chán. Hoặc đi kèm đó là những món bánh kẹo mà trẻ yêu thích cũng giúp bạn có thể dụ trẻ thực hiện những yêu cầu vềan toàn dễ dàng hơn như cài dây an toàn chẳng hạn và trẻ sẽ thấy có lý do để yêu thích các chuyến bay về sau.
8. Đóng gói đồ dùng hợp lý nhất
Hãy chọn những chiếc túi xách đa chức năng, nhỏ gọn, dễ mang xách nhưng phải chứa được nhiều đồ nhất.Khi xếp đồ vào túi bạn cũng nên có một trật tự nhất định, hợp lý và dễ nhớ dành cho những tình huống bạn cần sử dụng một cách nhanh nhất cho đứa trẻ.Một vài người thậm chí còn khuyên là nên sử dụng những bộ quần áo có nhiều túi hộc để có thể tránh việc lộn xộn và để quên. Tuy nhiên, cần quan tâm kỹ đến những quy định nghiêm nhặt tại các cổng kiểm tra an ninh của sân bay nếu bạn không muốn mình rơi vào hoàn cảnh rối bời với tiếng trẻ khóc, hành lý bị mở ra lộn xộn và những ánh mắt khó chịu…
9. Sẵn sàng đối phó với trẻ quấy khóc và đừng ngại ngùng khi cần giúp đỡ
Không có gì có thể ngăn chặn một đứa trẻ la khóc đặc biệt là trên những chuyến bay dài.Hãy xử lý bằng cách nhanh chóng xác định nguyên nhân để có thể đưa ra cách thức vỗ về hiệu quả và đáp ứng đúng nhu cầu giúp trẻ nhanh chóng ngừng khóc. Chắc chắn là những người khách xung quanh sẽ không thể thoải mái với một đứa trẻ đang quấy, vì vậy, chỉ có một cách duy nhất bên cạnh những nỗ lực của bạn chính là cầu mong những người khách ngồi cạnh bạn sẽ hiểu và cảm thông. Nếu cần sự giúp đỡ trong việc chăm sóc đứa trẻ, cũng đừng bao giờ ngại ngùng nhờ sự giúp đỡ của tiếp viên trên chuyến bay vì đó là một phần trách nhiệm của họ.
10. Tạo cho mình sự thoải mái
Một lời khuyên được đưa ra dành cho những khách bay cùng trẻ nhỏ chính là đừng bao giờ thường xuyên nhìn đồng hồ trong chuyến bay để tạo thêm áp lực cho bản thân. Mọi chuyến đi đều có điểm dừng và mọi áp lực đều có điểm kết thúc, vì vậy hãy cố gắng xử lý mọi tình huống do đứa trẻ gây ra một cách thật bình tỉnh và thoải mái nhất có thể.