Khi đến thăm thủ đô Bangkok của Thái Lan, hầu hết dân nghiện mua sắm không bỏ lỡ cơ hội khám phá chợ cuối tuần Chatuchak. Trong một lần du lịch Thái Lan và thăm khu chợ nhộn nhịp này, một ý tưởng khởi nghiệp đã đến với Ankiti Bose, lúc đó là nhân viên của hãng tư vấn McKinsey & Company.
Mọi người đều muốn mua những món hàng giống như tại khu chợ này. Vậy tại sao lại không có chợ di động dành cho người buôn bán thời trang độc lập với quy mô nhỏ? Câu hỏi này theo đuổi Ankiti Bose khi cô trở về nhà ở Bangalore, Ấn Độ. Ankiti Bose tiếp tục khảo sát thông tin và nhận thấy rằng 60% doanh số bán lẻ thời trang ở thị trường Đông Nam Á đến từ những thương hiệu quy mô nhỏ và họ đang bị bỏ lại sau trong cuộc chạy đua số hóa.
Với sự giúp sức của người hàng xóm Dhruv Kapoor, một nhà kỹ thuật đang làm việc cho công ty trò chơi của Mỹ, cả hai thành lập Zilingo – chợ di động tập hợp các nhà buôn bán thời trang quy mô nhỏ tương tự như ở chợ Chatuchak của Thái Lan hay Haji Lane của Singapore. Cho đến nửa đầu tháng 9 này, Zilingo đã nhận được 27 triệu USD từ các quỹ đầu tư, trong đó có 17 triệu USD từ vòng huy động vốn gần đây nhất.
Zilingo không phải gánh chi phí hậu cần và kho bãi, vì vậy, so với các trang thương mại điện tử khác, chi phí của họ là thấp hơn. “Chúng tôi tin tưởng rằng cơ hội để xây dựng một chợ thời trang trực tuyến hàng đầu khu vực là rất lớn và có ấn tượng tốt với sự phát triển của Zilingo”, Albert Shyy – Giám đốc của quỹ đầu tư Burda Principal Investments nói. Còn theo nhận định của Tim Draper, nhà sáng lập công ty đầu tư DFJ, đội ngũ của Zilingo đang xây dựng được một tài sản khác biệt bằng cách tận dụng công nghệ di động, tập trung vào người tiêu dùng trẻ và khả năng chọn lựa nguồn cung cấp sản phẩm đa dạng, phong phú.
Tiềm năng của thị trường trực tuyến châu Á là rất lớn. Tốc độ tăng trưởng bùng nổ của Alibaba là một ví dụ. Chỉ riêng quý đầu năm 2017, doanh số công ty thương mại điện tử này đã tăng 60% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5,6 tỉ USD. Amazon cũng bắt đầu tham gia thị trường Đông Nam Á và ra mắt dịch vụ Amazon Prime tại Singapore vào tháng 7 vừa qua.
Thế nhưng, bên cạnh những con số hấp dẫn này, nhiều người tiêu dùng ở châu Á vẫn còn mua quần áo từ các cửa hàng nhỏ, những quầy chợ bên đường. Ý tưởng của Zilingo là tập hợp nguồn cung cấp hàng thời trang rất phong phú nhưng chưa được tổ chức từ các thị trường Đông Nam Á, giúp người bán tập hợp sản phẩm vào cùng một nơi, sử dụng ngôn ngữ và đơn vị tiền tệ của họ. “Tất cả đều được địa phương hóa và dễ hiểu”, nhà sáng lập Ankiti Bose nói.
Con số những thương hiệu gia nhập Zilingo đang tăng nhanh, giúp họ đạt doanh số khoảng 3,5 triệu USD mỗi tháng. Khi mới khởi đầu cách đây hai năm, họ chỉ có 100 mẫu hàng, đến nay, có đến hơn 60.000 mẫu hàng mới xuất hiện trên trang này mỗi tuần. Khách hàng của họ không chỉ đến từ khu vực Đông Nam Á mà còn cả Australia và Mỹ.
Thông qua mối quan hệ với nhiều đối tác, Zilingo cũng cung cấp cho người bán các công cụ và dịch vụ như quản lý hàng tồn, quản lý lịch giao nhận hàng, phân tích dữ liệu, đóng gói hay sản xuất video. Công ty này kiếm tiền từ hoa hồng ở mức 15 – 20% cho mỗi giao dịch và kiếm thêm doanh thu khi bên bán hàng chi trả trung bình 100 USD để sản phẩm của họ được ưu tiên hiển thị trong công cụ tìm kiếm của Zilingo.
Các nhà cung cấp Thái Lan chiếm 30% trong hơn 5.000 đơn vị bán hàng đang hợp tác với Zilingo. Ngoài ra, họ cũng kết nối với các nhà bán hàng từ Hongkong, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia và Campuchia. Công ty sẽ sử dụng nguồn vốn huy động lần này để tiếp tục mở rộng cơ sở cung ứng.
Tuy nhiên, không phải là không có rào cản. Tạo sự khác biệt trong một thị trường thương mại điện tử đang ngày càng đông đúc là không dễ dàng. Dù thị trường Đông Nam Á chưa bão hòa, nhưng khả năng chọn lựa của người tiêu dùng kết nối hiện nay là vô tận. Họ có thể tiếp cận rất nhiều thông tin, dữ liệu trước khi ra quyết định.
Hơn nữa, xét từ góc độ của người mua, nhận diện về Zilingo vẫn chưa rõ ràng. Những thương hiệu toàn cầu hiện diện trên thị trường qua kênh mua bán lại cũng chia sẻ cùng một không gian như các sản phẩm giá rẻ đến từ Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Singapore hay Campuchia. Sự thật là phần lớn nhà bán hàng đến từ các chợ trời của Đông Nam Á có thể bị “lạc mất” trong quá trình truyền thông.
Dù vậy, ý tưởng của Zilingo không chỉ điền vào một khoảng trống của thị trường trực tuyến mà cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của văn hóa thời trang ở châu Á.
- Theo INC