“Xuân trên đồi Bằng Lăng” là một ca khúc của nhạc sĩ Võ Đông Điền viết riêng cho các nhân viên, kỹ thuật viên của Đài PTTH Bình Phước tình nguyện ở lại đón xuân trên đỉnh núi Bà Rá heo hút của một thời chưa xa…
Là một người làm báo nên tôi đã có một mối quan hệ rất mật thiết với anh em trong Đài PTTH Bình Phước, và đã nhiều lần được các anh Phan Minh Hoàng (GĐ Đài, hiện đã nghỉ hưu), Phan Văn Thảo (GĐ Đài hiện nay), Nguyễn Thành Long (nguyên Phó GĐ)… đưa lên núi Bà Rá thăm và “canh thức” với anh em kỹ thuật viên đang trực làm việc ở trên đó. Qua đó, tôi hết sức nể phục và cảm thông một cách sâu sắc đối với những hy sinh cả về thể lực lẫn tinh thần để phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền đạt được hiệu quả cao nhất.
Bà Rá là một ngọn núi mồ côi nằm cách trung tâm thị xã Phước Long (huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước) chỉ khoảng 3 km theo đường chim bay. Gần, nhưng vẫn còn hoang vu, rậm rạp. Núi Bà Rá cao 723m (so với mặt biển) nằm bên cạnh hồ thủy điện Thác Mơ. Từ năm 1990, những cán bộ, CNV của Đài PTTH tỉnh Sông Bé (cũ) – trong đó có Ba Thảo (Phan Văn Thảo – là lớp người tiên phong phát rừng, xẻ núi, gùi vật liệu (đá, xi măng, sắt thép, trang thiết bị…) lên đỉnh núi Bà Rá xây dựng trạm tiếp sóng dù cơ sở vật chất lúc đó vẫn còn nhiều hạn chế (máy phát sóng FM 89,4 MHz 10 KW và máy phát hình 5 KW UHF, tháp ăng-ten cao 50m).
Đó là những tháng ngày gian khổ. Ngày gánh vác vật liệu, trèo lên đỉnh núi làm việc, tối tuột xuống đồi Bằng Lăng dựng láng, đốt lửa ngủ vì trên đỉnh núi gió thổi vù vù, quá lạnh không thể ngủ được. Trong điều kiện làm việc như thế thì xảy ra chuyện hiểm nguy đến tính mạng là thường, và lúc đó mới thấm thía nghĩa tình đồng đội: Chín Sự (Hồ Minh Sự, từng là Phó Trưởng Đài Bà Rá, đã nghỉ hưu) bị rắn cắn. Giữa núi rừng hoang vu, không có phương tiện để cấp cứu thì Nguyễn Thanh Phong đã dùng miệng mình hút máu và nọc độc ra… Từ những ngày đầu khai phá gian khổ ấy, 20 năm sau – chính xác là vào ngày 18.12.2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định trao tặng Trung tâm phát sóng Phát thanh & Truyền hình Bà Rá Huân chương Lao Động hạng Nhất. Đó quả là một ghi nhận xứng đáng đối với những công hiến của tập thể anh em ở Trung tâm này…
Đồi Bằng Lăng là một góc của núi Bà Rá nằm ở độ cao 452m, cũng chính là nơi đặt “đại bản doanh” của ê kíp trực Đài Bà Rá. Khoảng 20 năm trước, xe ô tô đã có thể chạy theo con đường tráng nhựa ngoằn ngoèo để lên tới đồi Bằng Lăng. Còn từ đồi Bằng Lăng muốn lên đình núi phải trèo hết 1.700 bậc tam cấp khá hẹp (bề ngang chỉ hơn 1 mét), có nhiều chỗ dốc dựng đứng rất hiểm trở. Thế nhưng “đoạn đường lên trời” này lại rất quen thuộc với các kỹ thuật viên bởi hằng ngày họ phải mang các túi đựng băng lên đỉnh núi để phát sóng. Cung đường này (đường tráng nhựa và bậc tam cấp) đã trở thành lộ trình chính thức của Giải Việt dã truyền thống Chinh phục đỉnh cao Bà Rá được Tổng Cục Thể thao Việt Nam tổ chức vào ngày 6 tháng 1 dương lịch hàng năm.
Chính từ những Giải Việt dã Chinh phục đỉnh cao Bà Rá và những đêm giao lưu hội trại của các đoàn viên thanh niên mà tôi đã có mặt nhiều lần trên đồi Bằng Lăng. Lần nào cũng thế, hễ lên tới đây là thèm hát, thèm được nghe hát ca khúc Xuân trên đồi Bằng Lăng. Đó là một ca khúc do nhạc sĩ Võ Đông Điền sáng tác nhân một chuyến đến góc núi này cùng các nhạc sĩ khác (Thăng Long, Phạm Đắc Hiến…) do cảm nhận được những hy sinh lặng thầm, những thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần của anh em Trạm Tiếp sóng Bà Rá trong dịp Tết năm 1993.
Bài hát được thể hiện qua điệu nhạc Boléro buồn buồn, đầy tính tự sự: “Chiều trên đồi Bằng Lăng, gió đưa mây về bên nắng. Chiều trên đồi Bằng Lăng, gió mang theo lời xa vắng. Đồi Bằng Lăng vào xuân, đàn là tiếng của suối, lời là tiếng của gió, hát vi vu… Đêm nay khi bóng tối lan dần, mọi người vui đón xuân. Một khúc dân ca nghe đầm ấm, ngọt ngào để mắt em vui, môi cười thắm. Em có nghĩ về đồi Bằng Lăng, em có nhớ anh? Nhớ ngắt cho anh nụ mai vàng vì em biết rằng đồi Bằng Lăng không hoa xuân…”. Bài hát chuyển tải quá đúmg tâm trạng của những anh em đang chốt trên núi Bà Rá trong những ngày Tết nên mau chóng lan tỏa. Hầu như tất cả những ai ở Đài PTTH Bình Phước đều thuộc bài hát này… Lần đầu tiên, tôi biết đến ca khúc Xuân trên đồi Bằng Lăng là trong đêm lửa trại giao lưu với các đoàn viên thanh niên của Chi hội Bảo vệ thực vật An Giang cách đây khoảng 15 năm.
Đêm đó, Ba Thảo và Hùng “Tây” (Hoàng Đức Hùng – Trưởng phòng Dịch vụ & Quảng cáo, Đài PTTH Bình Phước) đã hát say sưa. Tôi nghe “đã” quá, cứ muốn nghe hoài… Sau này, mỗi lần có dịp lên Bà Rá, khi quây quần bên ly rượu đế, tôi cứ ép Võ Văn Tho – một tay chơi đàn ghi ta ở đây hát tới hát lui ca khúc này. Nhớ năm 2008, nhân theo một đoàn đi khảo sát các điểm du lịch trong địa bàn tỉnh Bình Phước, tôi đã đưa nhà văn Đoàn Thạch Biền (tạp chí Du Lịch), nhà báo Thúy Bình (báo Sài Gòn giải phóng), nhà nhiếp ảnh Hoàng Dung lên đồi Bằng Lăng.
Gặp Chín Sự, người mà chúng tôi hay gọi đùa là “Phó Chúa núi”, tôi đề nghị anh cho anh Tho ra hát để các vị khách được nghe bài Xuân trên đồi Bằng Lăng. Chín Sự cho biết Tho đã được lãnh đạo Đài PTTH Bình Phước rút về Đồng Xoài. Đang thất vọng thì Chín Sự vỗ đùi đánh đét “Có cách rồi!” và anh nhét ngay một cuộn băng vào chiếc máy cassette… Nghe xong ai cũng xuýt xoa, cố xin cho được một bản ký âm ca khúc này mà tìm mãi không có. Khi chúng tôi ra xe chuẩn bị về thì Chín Sự cho lính chạy ra trao một bản chép tay vừa tìm thấy…
Riêng tôi rất thích mẩu chuyện do nhạc sĩ Thăng Long (Bình Dương) kể lại: “Trong một lần trở lại thăm đồi Bằng Lăng, anh em nghệ sĩ chúng tôi và anh em Bà Rá quây quần bên ánh lửa hồng… Đêm đó, anh em cùng nhau hát Xuân trên đồi Bằng Lăng… hát mãi, hát hoài. Nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến cao hứng “chế” lời ở đoạn cuối “… Nhớ rót cho anh một ly đầy, vì anh biết rằng đồi Bằng Lăng không bia lon!”. Quả thật, gặp gỡ nhau ở đồi Bằng Lăng trong những ngày xuân chỉ có… rượu đế và tấm lòng!
Tháng 12.2017, trạm tiếp vận phát thanh – truyền hình trên đỉnh núi Bà Rá đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử sau 26 năm hoạt động (khi Đài PTTH Bình Phước chính thức chuyển phát sóng từ kênh Analog sang phát sóng kỹ thuật số mặt đất). Tuy nhiên, mỗi mùa xuân về thì những ai đã từng gắn bó với Trạm phát sóng Bà Rá không khỏi chạnh lòng nhớ về những năm tháng gian khổ mà thật đẹp bên đồi Bằng Lăng, để rồi thầm hát khẽ “…Nhớ ngắt cho anh nụ mai vàng vì em biết rằng đồi Bằng Lăng không hoa xuân…”.