Theo những thông tin được công bố rộng rãi, VAMC khi ra đời sẽ phát hành trái phiếu có thời hạn năm năm để mua nợ xấu, trái phiếu này có thể dùng để cầm cố để vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước.
Tuy chưa ra đời nhưng từ nhiều tháng nay VAMC đã được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông nguồn tín dụng đang tắc nghẽn. Khi mà kinh tế đang trì trệ, tốc độ tăng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng không thể đạt chỉ tiêu, ngân hàng không tìm được đầu ra cho dòng vốn…, thì nguyên nhân được chỉ ra chính là nợ xấu. Dù rằng theo báo cáo gần nhất của Chính phủ trong năm nay, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã giảm xuống dưới 6%, từ mức 8% của năm ngoái. Vì nợ xấu nên nhiều doanh nghiệp không thể xoay xở gì được, kể cả khi tìm thấy cơ hội mới có thể giúp họ cải thiện tình hình. Do tỷ lệ nợ xấu cao treo lơ lửng trên đầu, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, giảm lợi nhuận, siết chặt xét duyệt hồ sơ vay, cho vay, giám sát trả nợ… Tất cả “ghìm” nhau và tất cả cùng kẹt. Một khi VAMC ra đời, nợ xấu sẽ được “bứng” khỏi các ngân hàng, bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng trở nên đẹp hơn, các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn tốt hơn khi thoát khỏi những ràng buộc pháp lý vì nợ xấu nên không thể vay được vốn.
Tất nhiên, VAMC khi ra đời sẽ không thể giải quyết mọi vấn đề, mà chỉ là tiền đề giúp tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng. Sau đó, vẫn cần có những giải pháp khác nữa để thúc đẩy tín dụng cho các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Số nợ xấu cần VAMC xử lý dự kiến xoay quanh 100 ngàn tỉ đồng. Trong năm 2012, các ngân hàng thương mại đã trích lập dự phòng khoảng 60 ngàn tỉ đồng, nhờ vậy, một số ngân hàng đã tự giải quyết được các khoản nợ xấu tồn đọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngân hàng có khoản trích lập dự phòng không đáng kể so với số nợ xấu và vẫn đang đối mặt với bài toán hóc búa này. Vì lẽ đó, dù có giải quyết nhanh đến mấy thì để chuyển hết nợ xấu từ các tổ chức tín dụng sang VAMC cũng phải mất vài năm và Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu năm năm để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Sẽ có những biện pháp mạnh được đưa ra, chẳng hạn các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ bị buộc phải bán nợ xấu cho VAMC.
Như đã nói, mọi việc sẽ không dừng lại ở đó, bởi nếu vậy khác nào chỉ gom nợ xấu từ nhiều nơi về tập trung lại một chỗ và… để đấy. Giải quyết vấn đề nợ xấu không đơn giản là mua hết nợ xấu của các ngân hàng, mà quan trọng là phải tìm đầu ra cho các khoản nợ xấu ấy. Muốn thế, theo kinh nghiệm của các nước đi trước, chúng ta cần phải tạo ra một thị trường thứ cấp nhằm mua bán nợ xấu và tài sản đảm bảo liên quan đến nợ xấu, để tái cấu trúc các khoản vay này. Muốn vậy, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch cụ thể để thông tin, quảng bá và thu hút các nguồn vốn xã hội khác tham gia. Một thị trường mua bán nợ xấu nếu được tổ chức tốt sẽ thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ như định giá tài sản, tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp, thẩm định và tư vấn tài chính,… và hấp dẫn được các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước tham gia. Chỉ khi nào thị trường mua bán tài sản xấu trở thành một lĩnh vực kinh doanh tiềm năng, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, thì việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng mới thực sự được giải quyết.
Minh Hằng