Mở màn cho chuỗi các sự kiện thời trang của cuối năm, định hướng ăn mặc của mùa thời trang sau, các tuần lễ thời trang nam giới mang lại không ít những nét đặc sắc và thu hút.
Rõ ràng rằng không có dấu hiệu suy giảm hay mất đi của xu hướng ăn mặc thể thao. Các nhà thiết kế (NTK) biến những trang phục tập thể thao thông thường trở nên thời trang hơn và cao cấp hơn. Từ những chiếc áo khoác varsity dành cho môn bóng chày, áo hoodie, quần ôm legging và giày thể thao cho đến những trang phục được thiết kế dựa trên những đặc tính của đồ thể thao là rộng, thoáng mát. Màu sắc được phân thành mảng, những đường kẻ sọc nổi bật trên trang phục tạo nên nét trẻ trung và hiện đại.
Tuy nhiên, xu hướng thể thao không lẻ loi thống trị mùa mốt xuân-hè 2015. Nguồn cảm hứng đến từ văn thơ và nghệ thuật làm cho mùa thời trang sắp tới trở nên thi vị và lãng mạn. Một lần nữa Christopher Bailey mang đến một BST thuần chất Anh tại Burberry. Lấy cảm hứng từ nhà văn, đồng thời là nhà thám hiểm Bruce Chadwin, vị giám đốc sáng tạo tái hiện hình ảnh phong trần và nghệ sĩ ưa phiêu lưu của Bruce bằng những chiếc áo khoác có túi hộp, nón vành cùng với những cuốn tập in họa tiết chữ cái… Màu sắc mà ông sử dụng đa dạng và tươi sáng, phá tan không khí ảm đạm của xứ sở sương mù.
Những họa tiết đồ họa liên tưởng đến tranh trừu tượng, đặc trưng của nghệ thuật đương đại xuất hiện ở hầu hết các tuần lễ thời trang. Sarah Burtons của thương hiệu Alexander McQueen tạo nên những mảng màu vằn vện bằng kỹ thuật may chắp rất khéo léo. Kriss Van Assche của Dior Homme lại bị cuốn hút bởi những nét vẽ chì màu đầy ngẫu hứng và văn bản viết tay của Christian Dior. Riêng ông hoàng của nghệ thuật đương đại trong thời trang, Raf Simons lại lấy chính mình làm cảm hứng, đưa những bức ảnh giàu tính kỷ niệm của mình lên trang phục.
Cảm hứng từ môn nghệ thuật từ cơ thể, vũ ballet được xuất hiện từ Milan cho đến Paris. Tomas Maier của hãng Bottega Veneta lấy cảm hứng từ một trong những bức ảnh hiếm hoi của nam tài tử James Dean trong phòng tập múa ballet. Qua BST này, NTK không chỉ muốn đem đến sự tự do trong từng chuyển động mà còn là dáng vẻ phong trần nam tính.
Tại Paris, ballet thể hiện sự lột xác của Dries Van Noten và Rick Owens. Thay vì lôi cuốn người xem vào trang phục bằng tài năng kết hợp họa tiết và màu sắc thì lần này, Dries Van Noten lôi cuốn người xem bằng vẻ đẹp từ hình thể và sự chuyển động của những trang phục. Không chỉ vậy, ông còn khéo léo kết hợp vẻ đẹp cổ điển với sự hiện đại từ những trang phục mang đậm chất thể thao và đường phố.
Cũng là ballet, nhưng Rick Owens lại biến tấu nguồn cảm hứng đó theo cách riêng của mình, xấu xí và góc cạnh. Lấy cảm hứng từ vở ballet L’après-midi d’un faune (tạm dịch là Buổi chiều của Faun, một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp). Cũng là nguồn cảm hứng nghệ thuật nhưng trang phục của Rick không dành cho mọi người. Dù vậy, những tín đồ của Rick rất hứng thú với sự làm mới bằng việc tiên phong kết hợp thể thao lần này.
NTK Haider Ackermann trung thành với vẻ lãng tử và có phần luộm thuộm rất riêng của mình. BST Xuân-Hè của ông lấy cảm hứng từ sự tự do và hoang dại trong thể loại nhạc rock ‘n’ roll với các tượng đài âm nhạc như Bob Dylan, Keith Richards, Iggy Pop. Sự kết hợp từ trang phục của những rocker như quần da, áo thun với những bộ trang phục kiểu pyjamas tạo nên một cái nhìn tổng thể hoàn toàn mới mẻ từ Haider Ackermann.
Âm nhạc, mà cụ thể là rock ‘n’ roll vẫn luôn tồn tại trong các BST của Saint Laurent kể từ lúc Hedi Slimane trở lại vào năm 2012. Buổi trình diễn Xuân-Hè 2015 của Saint Laurent giống như đưa ta trở về thập niên 70 tại California, tại những buổi trình diễn nhạc rock của Mick Jagger hay Jimi Hendrix. Nhắc đến thập niên 70 thì không thể không nhắc đến phong cách du mục của dân gypsy. Hedi Slimane sử dụng rất nhiều phụ kiện và họa tiết để tái hiện thập niên của sự tự do, tình yêu và hòa bình.
Không thể không nhắc đến lãnh địa của những NTK tiên phong mà hầu hết tập trung ở Paris. Điển hình có Walter Van Beirendonck với BST vui tươi của mình. Đưa ta đến với lễ hội mùa hè của Nhật, BST xuất hiện những chiếc áo kimono, quần kiểu hakama, quạt uchiwa cùng những chiếc kính mắt giống những nhân vật trong phim siêu nhân của Nhật Bản.
Kết hợp giữa những chiến binh samurai và robot từ thế giới tương lai, Thom Browne một lần nữa gây ấn tượng mạnh tại tuần lễ thời trang Paris. Lấy cảm hứng từ phim khoa học viễn tưởng Tron ra mắt năm 1982, những “chiến binh” robot của Thom nửa giống người, nửa giống máy móc với những chi tiết các múi cơ được phóng đại. Những múi cơ được tạo nên bằng kỹ thuật dập xếp nếp vải trông thật đến bất ngờ.