Những bộ phim ca nhạc nổi tiếng của Mỹ luôn được khán giả toàn cầu yêu thích. Năm 2003, làng điện ảnh thế giới chứng kiến sự tỏa sáng của Chicago (2002 – với sự tham gia của Renée Zellweger, Richard Gere và Catherine Zeta-Jones) khi phim ca nhạc này giành đến sáu tượng vàng Oscar, bao gồm Phim xuất sắc nhất. Hay như High School Musical của hãng Walt Disney trở thành hiện tượng vào năm 2006, tạo tiền đề cho những phần tiếp theo như High School Musical 2 và High School Musical: Senior Year gây “sốt” trong đời sống giới trẻ khắp thế giới. Âm nhạc trong Chicago, High School Musical nói riêng và các phim ca nhạc nói chung từ 2009 trở về trước hầu như đều là các bản thu gốc (original song – do hãng phim đặt các nhạc sĩ viết riêng). Tuy nhiên, sự xuất hiện của loạt phim truyền hình Glee vào năm 2009 đã mở đầu cho một xu hướng âm nhạc mới trong phim ca nhạc Mỹ: sử dụng bản hát lại (cover) những bài hát nổi tiếng, đang thịnh hành thay vì các bản thu gốc.
Glee có nhiều album, single có thứ hạng cao tại bảng xếp hạng Billboard
Ryan Murphy – nhà sản xuất đồng thời là người chịu trách nhiệm về âm nhạc của Glee – cho biết ông muốn tạo ra sự cân bằng giữa các bản hit và âm nhạc trong phim: “Tôi muốn mỗi khán giả đều có được điều gì đó trong mỗi tập phim. Đây là một sự pha trộn khó, nhưng sự cân bằng giữa chúng lại rất quan trọng”. Cách làm đầy mới mẻ này đã mang về cho Glee và dàn diễn viên của mình rất nhiều thành công về mặt âm nhạc thương mại nói riêng. Tính đến thời điểm tháng 10-2011 trên toàn thế giới, các đĩa đơn (mà chủ yếu là các bản cover) do dàn diễn viên Glee thể hiện đã bán được hơn 36 triệu bản, trong khi các album đạt con số hơn 11 triệu bản. Dàn diễn viên Glee còn vượt qua các thành tích của những huyền thoại âm nhạc như The Beatles và Elvis Presley vì có rất nhiều đĩa đơn lọt vào bảng xếp hạng Billboard Hot 100.
Tuy việc sử dụng bản hát lại các ca khúc của những nghệ sĩ khác làm chất liệu âm nhạc cho phim gặp phải một số rắc rối về bản quyền (như việc một số nghệ sĩ như Guns N’ Roses, Slash, Kings of Leon hay Foo Fighters cho đến nay vẫn chưa cho phép Glee sử dụng các ca khúc của họ), nhưng nhìn một cách tổng thể, cách làm này ít nhất đã mang về lợi ích thương mại cho nhiều phía. Về phía các nhà làm phim, họ vừa có thể sử dụng một kho nhạc khổng lồ và vốn đã được nhiều người biết đến để tạo tính đại chúng cho bộ phim, dễ gây đồng cảm nơi khán giả để từ đó nâng cao tỷ suất người xem. Đó là chưa kể đến lợi nhuận thu về từ việc phát hành đĩa đơn, album nhạc phim như trường hợp của Glee. Về phía nghệ sĩ, họ có thêm một kênh để quảng bá cho sản phẩm âm nhạc của mình và đẩy mạnh doanh số. Ví dụ như đĩa đơn Take A Bow của Rihanna sau khi được dàn diễn viên Glee hát lại đã tăng đến 189% lượng nhạc số bán ra, hay như Glee đã góp phần giúp We Are Young của nhóm nhạc trẻ Fun. trở thành một trong những đĩa đơn bán chạy nhất trong năm 2012. Vì vậy chẳng có gì khó hiểu khi một số nghệ sĩ thậm chí chấp nhận để Glee sử dụng miễn phí ca khúc của mình.
Đĩa đơn Take A Bow của Rihanna sau khi được dàn diễn viên Glee hát lại đã tăng đến 189% lượng nhạc số bán ra
Sau khi Glee ra mắt và đạt thành công rực rỡ với giải Quả Cầu Vàng dành cho Phim ca nhạc/hài xuất sắc nhất vào năm 2010, đã có không ít các phim điện ảnh cũng như phim truyền hình ca nhạc áp dụng cách sử dụng bản hát lại như trên, tạo thành xu hướng mới trong làm phim ca nhạc ở đất nước cờ hoa. Trong số đó có thể kể đến loạt phim truyền hình Smash (đài NBC), phim điện ảnh Pitch Perfect (2012 – hãng Universal) và mới đây nhất là loạt phim truyền hình Nashville (đài ABC). Ngay cả một loạt phim truyền hình vốn nổi tiếng về đề tài bác sĩ là Grey’s Anatomy (đài ABC) cũng làm một tập phim ca nhạc trong mùa thứ bảy (2011) với các ca khúc sử dụng hoàn toàn là những bản hát lại, đồng thời phát hành một album bao gồm những bài hát trong tập phim này.
Trường Chinh