General Motors, Ford, Chrysler hoàn toàn vắng bóng tại Tokyo Motor Show 2013! Trong khi đó, tại Los Angeles Auto Show (diễn ra gần như cùng thời điểm, hồi trung tuần tháng 11 vừa qua), có tới ba trong năm mẫu xe lọt vào chung kết giải thưởng danh giá Green Car of the Year 2014 đều đến từ Nhật Bản (Honda Accord, Mazda3, Toyota Corolla).
Chiến thắng cuối cùng thuộc về ba phiên bản Honda Accord. Nhiều thương hiệu xe hơi nổi tiếng của Nhật dường như đang trở lại chu kỳ “dậy sóng” từng tồn tại trong thập niên trước trên các thị trường quốc tế, bù lại cho sự chững lại của thị trường nội địa.
Để giới trẻ Nhật không còn chán… lái xe!
Bốn năm trước, Tokyo Motor Show lần thứ 41 là cuộc độc diễn của các hãng xe nội địa. Năm nay, tại Tokyo Motor Show lần thứ 43, dù tình hình khởi sắc hơn nhưng cũng chỉ có mặt một số thương hiệu danh tiếng đến từ châu Âu như BMW, Audi, Mercedes, Porsche, Land Rover, Jaguar, Volkswagen, Volvo, Peugeot, Citroen, vắng bóng hoàn toàn các thương hiệu xe hơi của Mỹ và các nước châu Á khác. Trên đường phố Tokyo, Osaka, Nagoya, hay Fukuoka cũng dễ dàng nhận thấy người tiêu dùng Nhật Bản chủ yếu sử dụng các xe hơi mang thương hiệu nội địa, số xe nhập khẩu rất ít. Nhật Bản hiện là thị trường xe hơi nội địa lớn thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Mỹ, nhưng nếu so về tỷ lệ giữa dân số và xe hơi thì Nhật đứng đầu) với năm thương hiệu phổ biến là Toyota, Nissan, Honda, Mitsubishi và Mazda. Lượng xe nhập khẩu vào Nhật thường chỉ chiếm 3,9% thị phần, tức là các thương hiệu xe hơi nội địa đang nắm giữ hơn 96% thị phần xe hơi nước này.
Thế nhưng có một thực tế là hiện nay giới trẻ Nhật Bản không còn thích lái xe nữa. Matsamichi Kogai – Giám đốc điều hành Mazda Nhật Bản nhận định: “Do hệ thống giao thông công cộng ở Nhật phát triển vượt bậc nên giới trẻ ngày không thích thú với việc tự lái xe nữa”. Hệ thống giao thông công cộng ngày càng phát huy tính tiện dụng, trong khi việc mua xe hơi ở Nhật hiện nay đòi hỏi người chủ phải có hợp đồng đậu xe trước khi mua xe, mà điều đó lại không hề dễ dàng, nhất là ở các đô thị lớn, khiến nhiều người từ bỏ ý định mua xe. Bởi vậy, với các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản, để có thể tiếp tục khai thác thị trường nội địa, thay vì sản xuất chiếc xe như một phương tiện đi lại thông thường như trước đây, họ tập trung cho các dòng sản phẩm đề cao sự hứng thú của người lái, trang bị những công nghệ thông minh nhất có thể. Chủ đề của Tokyo Motor Show 2013 là Smart Mobility City và hàng loạt các mẫu xe ý tưởng thú vị, chẳng hạn i-Road, FV2, FT-86 Open concept của Toyota, S660 concept, NSX concept của Honda, Bleadeglider của Nisssan, X-Lander, Hustler coupé của Suzuki, bộ ba concept GC-PHEV, XR-PHEV và AR của Mitsubishi, Crossover 7 concept và Viziv Evolution concept của Subaru hoặc thế hệ mới của chiếc compact SUV danh tiếng Lexus LF-NX đều thể hiện rất rõ chủ ý này. Nếu thiết kế của chiếc LF-NX có sức lôi cuốn nhờ phong cách thể thao hoàn hảo từ chiếc Lexus LFA thì mẫu xe thể thao LF-LC với chỗ ngồi được thiết kế đặc biệt “tạo bọt tích hợp” để người ngồi luôn có cảm giác vừa khít, còn bên trong xe, mọi điều khiển được thực hiện trên màn hình giao diện cảm ứng từ xa với chức năng touchpad tiên tiến… đều hướng tới giới trẻ với kỳ vọng là họ vẫn còn… thích ngồi sau tay lái!
Và đây, chu kỳ “dậy sóng” mới
Những thay đổi trong xu hướng thiết kế các dòng xe thế hệ mới “made in Japan” nhắm tới tính trẻ trung, thể thao của ngoại hình, khêu gợi sự hứng khởi của cảm giác lái, cũng như việc cập nhật các công nghệ hàng đầu nhằm đem lại sự thoải mái và thích thú cho người lái không chỉ hướng tới việc thu hút thế hệ khách hàng mới tại thị trường nội địa, mà đã nhanh chóng tạo nên làn sóng mới tại các thị trường quen thuộc với xe Nhật, là Mỹ và châu Á (chủ yếu khu vực Đông Nam Á).
Trên thực tế, có tới 60% lượng xe hơi do Nhật sản xuất đang được bán ra các thị trường nước ngoài. Xin nêu thêm một ví dụ điển hình cho thấy “cán cân” xuất nhập khẩu của ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản: từ năm 2000 tới nay, Mỹ xuất khẩu sang thị trường Nhật tổng cộng chỉ 183.000 xe các loại, trong khi đó nhập khẩu tới 16,3 triệu xe từ Nhật! Thời gian gần đây, những vụ triệu hồi xe kỷ lục, bị chỉ trích vì sự chậm chạp thay đổi thiết kế so với người láng giềng Hàn Quốc, lại thêm hậu quả của thảm họa sóng thần hay sự cố tại nhà máy điện hạt nhân và lũ lụt tại những khu vực sản xuất chính của ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản khiến vị thế hàng đầu của xe Nhật bị suy giảm. Sau khi qua mặt GM để trở thành nhà sản xuất ôtô số 1 thế giới hồi năm 2008, Nhật Bản lại nhanh chóng để mất vị trí này và năm 2009 cũng mất luôn vị trí thị trường tiêu thụ xe hơi lớn thứ nhì thế giới vào tay Trung Quốc. Tuy nhiên, dấu hiệu của một chu kỳ “dậy sóng” mới đã bắt đầu ngay trong năm 2013 này. Đến hết tháng 10, doanh số bán xe Nhật tại Mỹ – thị trường lớn nhất hiện nay của các thương hiệu xe hơi xứ Mặt trời mọc – đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.816.637 chiếc các loại, không còn quá xa so với con số kỷ lục 5.961.524 được ghi năm 2007, ngay trước đợt khủng hoảng. Thị phần năm nay của xe Nhật tại Mỹ cũng tăng lên 37,1% so với mức 36,8% của cùng kỳ năm ngoái. Toyota Camry vừa trở thành chiếc sedan bán chạy nhất trong năm 2013 tại Mỹ (tính đến hết tháng 10 và dự báo hết tháng 12). Vì thế, người Nhật tỏ ra rất tự tin, chẳng hạn ông Takanobu Ito – Giám đốc điều hành Honda Motor tuyên bố tại Tokyo Motor Show rằng “Chúng tôi sẽ đạt doanh thu kỷ lục trong năm nay”. Năm 2007, Honda đạt doanh số kỷ lục tại Mỹ là 1,55 triệu xe các loại. Nhà máy của Honda mới khai trương tại Celaya (Mexico) đang tập trung sản xuất dòng xe nhỏ Honda Fit, hy vọng sẽ đóng góp lớn vào doanh số của hãng này trong năm 2014. “Tình hình sáng sủa này sẽ kéo dài” – ông Carlos Ghosn, Giám đốc điều hành Nissan Motor cũng tỏ ra rất hào hứng. Đến hết tháng 10 vừa qua, doanh số bán hàng của Nissan và Infinity tăng 9% tại Bắc Mỹ. Nissan cũng vừa khai trương nhà máy lắp ráp mới tại Mexico với sản lượng hằng năm 175.000 xe. Mazda không chịu thua kém, đã đặt nhà máy đầu tiên của họ tại ngay nước láng giềng của Mỹ với quy mô sản xuất 180.000 chiếc Mazda, thêm 50.000 chiếc khác theo chương trình hợp tác với Toyota. Hầu hết các nhà máy này đều tập trung sản xuất các dòng xe nhỏ thế hệ mới. Cụm từ 3P (Plants, Products, Profits – nhà máy, sản phẩm, lợi nhuận) đã trở thành phương châm mới của ngành sản xuất xe hơi Nhật tại thị trường Bắc Mỹ. Đồng yen được làm yếu đi tới 23% so với đồng USD trong vòng 12 tháng qua đã đóng góp một phần quan trọng vào tổng lợi nhuận của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản (JAMA). Toyota – nhà sản xuất xe hơi số 1 Nhật Bản cũng đang bước vào chu kỳ thiết lập kỷ lục doanh số mới. Các chuyên gia Mỹ dự đoán trong năm nay, tổng lượng xe do tập đoàn này cung ứng sẽ đạt 2,25 triệu chiếc các loại, chỉ còn khoảng cách không lớn (370.000 xe) so với kỷ lục 2,62 triệu chiếc hồi năm 2007.
Sau Bắc Mỹ, Đông Nam Á đang là thị trường quan trọng của các thương hiệu xe Nhật Bản. Từ lâu, các thương hiệu xe Nhật đã được ưa chuộng tại khu vực này. Hiện nay, hầu hết các nhà sản xuất xe hơi Nhật đều đã xây dựng nhà máy phụ tùng và lắp ráp xe tại Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Việt Nam và bắt đầu vươn tới Myanmar. Cả Toyota và Honda cùng đang phát triển dòng xe hybrid tại thị trường Đông Nam Á, khởi đầu từ Thái Lan, nơi có chính sách hỗ trợ cho dòng xe xanh theo xu hướng của các thị trường phát triển. Sau các dòng xe phổ thông, dòng xe sang từ đến từ Nhật Bản, gồm Lexus, Acura, Infinity cũng bắt đầu khai thác thị phần của mình.
Sẽ vẫn còn chịu cảnh “cầm cự” tại thị trường châu Âu, nhưng ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản đang ôm ấp kỳ vọng trở lại thời kỳ hoàng kim mới tại thị trường Bắc Mỹ và xác lập vị thế mới ở thị trường Đông Nam Á.