Theo số liệu mới nhất, thế giới hiện có gần 20 triệu người đang ở bờ vực của sự chết đói, trên 65 triệu người phải rời bỏ chỗ ở do các cuộc xung đột có vũ trang, và ở các nước đang phát triển, có đến 20% người thu nhập dưới 1,25 USD/ngày. Đến năm 2050, do dân số thế giới gia tăng, sản lượng lương thực phải tăng thêm 60% để nuôi đủ mọi người.
Để góp phần giải quyết bài toán khó khăn về dân số và lương thực trong điều kiện khí hậu toàn cầu ngày càng khắc nghiệt, Steve Maximay – một nhà khoa học người Trinidad vừa giới thiệu một cơ chế giúp xác định mức độ thích ứng với khí hậu của các nền nông nghiệp thông qua các dự án, tiến trình sản xuất và sản phẩm làm ra. Cơ chế này nhắm đến năm mục tiêu của một nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, gồm bảo tồn tài nguyên, sử dụng năng lượng, tính an toàn, bảo vệ tính đa dạng sinh học và giảm thiểu khí nhà kính.
Mỗi mục tiêu được chia thành những hoạt động khác nhau. Bảo tồn tài nguyên bao gồm việc sử dụng đất đai, nước, chất dinh dưỡng và lao động; sử dụng năng lượng gồm sử dụng điện năng, ánh sáng, vận chuyển; tính an toàn xoay quanh việc điều hành sản xuất, thu hoạch, tồn trữ và sử dụng; bảo vệ đa dạng sinh học gồm việc khai quang đất trồng, hạn chế việc xâm nhập của các sinh vật có hại, lưu tâm đến những tác động đối với hệ sinh thái; giảm thiểu khí nhà kính có liên quan đến sự lên men thức ăn trong ruột thú nuôi, chăm sóc đất trồng, hạn chế nhiên liệu hóa thạch và quản lý chất thải trong chăn nuôi.
Kết quả thực hiện các mục tiêu được xếp vào năm bậc: bậc 1 (40-49 điểm), bậc 2 (50-59 điểm), bậc 3 (60-69 điểm), bậc 4 (70-79 điểm) và bậc 5 (80-100 điểm). Ngày nay, khái niệm nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu phản ánh tham vọng cải tiến sự hợp nhất giữa phát triển nông nghiệp và sự thích ứng với khí hậu, nhằm đạt được sự an toàn lương thực và các mục tiêu phát triển cao hơn trong điều kiện khí hậu luôn biến đổi và nhu cầu lương thực ngày một tăng cao. Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), nền nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu phải đạt được sự gia tăng năng suất bền vững, gia tăng khả năng thích ứng, giảm thiểu và loại bỏ khí nhà kính, cải tiến sự an toàn lương thực và các mục tiêu phát triển.
Muốn đạt được những mục tiêu này, các ngân hàng cùng các nhà quản lý dự án cần được tạo điều kiện vận dụng ngân sách thực hiện và đảm bảo rằng dự án được soạn thảo công phu. Nông dân ở những đảo quốc nhỏ là thành phần đặc biệt dễ bị tổn thương nên nhu cầu của họ cần được đáp ứng bởi những dự án khả thi, phù hợp với vùng đất thấp và trũng dễ bị tác động bởi sự biến đổi khí hậu. Từ nhiều năm qua, các tổ chức nông nghiệp ở vùng biển Caribê đã được tài trợ để xây dựng những nông trại thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt với những trận mưa lớn hay và những đợt hạn hán.
- LHCT tổng hợp
Xem thêm:
- Muốn chống lại biến đổi khí hậu, cần 90 ngàn tỉ USD!
- Cố gắng ngăn ngừa tai họa do biến đổi khí hậu
- Biến đổi khí hậu đe dọa Bắc cực