Ông Juan vẫy tay gọi tôi vào vườn, chỗ vợ ông và ông đang lúi húi với những rễ cây dang dở trên tay.
Ở phần này của đất nước Chile có mức sống cao nhất Nam Mỹ, ông bà vẫn sống hàng ngày bằng những cây quả trồng từ khu vườn xơ xác mùa đông của họ ở miền trung Chile. Mỗi lần bước vào siêu thị ở Santiago de Chile, tôi lại choáng ngợp trước những trào lưu ăn kiêng sống khỏe tràn ngập trên kệ. Ăn kiểu vegan, ăn chay vì sức khỏe, không dùng gluten, không cholesterol, các món ăn vặt có CBD, thịt giả làm từ đậu nành thân thiện với môi trường… vô số món đến từ những hãng thực phẩm đắt tiền ở Mỹ và châu Âu.
Có đôi lần đứng giữa một siêu thị tương tự như vậy ở Sài Gòn, tôi giật mình phát hiện con người chẳng bận tâm nhiều về thế giới đến vậy, ngoài những thức quà mới lạ họ bỏ vào miệng hàng ngày. Ăn không chỉ để no. Ăn là một diễn ngôn. Ăn không chỉ để khỏe. Ăn phải thỏa mãn kỳ vọng của gene, của dáng người, của triết lý môi trường, của lý tưởng sống. Ăn không phải để có năng lượng. Ăn là phải thỏa mãn tiêu chuẩn organic, USDA, thân thiện với môi trường. Thức ăn mang vô số tham vọng mà người ta bức bối diễn đạt đến mức phải bỏ chúng vào miệng để nhai ngấu nghiến.
Nhai một miếng thịt (bò) làm từ đậu nành, ta có thể nuốt chửng cơn thèm thịt và trấn an bản thân mình không gây hại thêm môi trường vì góp phần cho ngành nuôi gia súc bành trướng và để lại vô số dấu chân carbon. Nhai một món quà vặt có CBD, ta được trấn an mình có thể giải tỏa căng thẳng, giảm lo âu và có thể ngủ sâu hơn sau hơn chục giờ ngồi ghì lấy máy tính và những con số giày vò. Ngậm một thanh chocolate fair trade, ta được trấn an rằng số tiền mình bỏ ra sẽ đến tay những người nông dân Colombia, Ecuado nghèo khổ đang vật lộn giữa rừng cacao. Thức ăn đắp thêm nhiều lớp mâu thuẫn của thời đại, trong cảm giác thèm ăn, lo âu tội lỗi mình đang hạ sát hành tinh và cảm giác xấu xa vì mình đang tiếp tay cho những tập đoàn thực phẩm.
Trang trại nhà ông Juan bán cà chua, cà tím, ớt chuông, mật ong và quả chùm bao cho bất cứ ai ghé qua nhà gõ cửa và hỏi xem họ còn món gì. Khi tôi đến, một người hàng xóm cách đó vài hẻm trong thôn đi ra và hỏi ông bà có thể đổi vài củ hành giúp họ để họ có thêm cà chua làm bữa tối không. Vậy là họ đổi với nhau một sọt nhỏ chừng chục quả mỗi món. Những quả cà chua to tròn, còn chút màu vàng ở sát cuống vì chưa chín hẳn. Mớ củ hành phồng lên dưới lớp vỏ nâu khô còn nguyên vẹn chưa xước mẻ gì. Nếu bỏ tiền ra mua, giá những người nông dân này bán chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 trong những siêu thị long lanh ánh đèn, do những đại gia như Walmart chăng biển ngoài đô thị lớn.
Thức ăn mang vô số tham vọng mà người ta bức bối diễn đạt đến mức phải bỏ chúng vào miệng để nhai ngấu nghiến.
Người ở phố thị thủ đô như đám bạn tôi không hiểu được cảm giác viên mãn khi được chạm tay vào hoa trái tươi cứng và mát lịm giữa khu vườn lấm lem đất và lộn xộn nông cụ. Họ có thể chưa bao giờ biết vỏ nâu của củ hành có thể láng mịn và toàn vẹn như thếp giấy mới nếu chúng chưa bị vứt lên vứt xuống thùng xe tải qua ngàn cây số quãng đường. Họ cũng không biết nếu một cây cần tây mới hái từ vườn, rửa thật sạch bằng nước rồi tước vỏ sơ, người ta có thể cắn nhai ngọt lịm giữa vườn chiều. Một bình mật ong đông cứng ngắc để trên tủ, chiếc muỗng vục vào tỏa ra thơm ngát mùi hoa hệt như khi ta đứng giữa khu vườn cuối mùa hạ. Những chai mật ong trong siêu thị dán nhãn đủ mùi hương hình hài, khi đổ ra lại chỉ là những giọt nước đường giả hiệu.
- Xem thêm: Ta không cần Mặt trời nữa
Juan bảo tôi mỗi nhà ở đây sẽ có mật ong khác mùi nhau, vì tổ ong họ đặt ở những quả đồi khác nhau, hoa cũng khác nhau và vì vậy chẳng cách gì khiến chúng giống hệt nhau sau mỗi lần thu hoạch. Mật ong thơm bừng nhất là giữa độ mùa hạ, khi hoa ulmo nở trắng rừng và vô số loài hoa khác tựu lập. Đó là thời điểm thu hoạch mà Juan và vợ ông có thể bán được nhiều mật nhất, vì mọi người khi ấy có khi chỉ ăn mật cho bữa sáng chứ chẳng cần gì thêm (như những chú gấu không thể từ chối sự trù phú thiên nhiên).
Mỗi dịp ghé thăm những khu vườn trồng mưu sinh, quay quắt giữa thung lũng ít người héo lánh, tôi càng thấy khoảng cách xa xôi giữa những món đồ mình mua trong siêu thị và hoa trái mà người nông dân tạo sinh phình ra như một lỗ đen sặc mùi dọa nạt. Cầm một túi thịt bò làm từ đậu nành trên tay, ghi rõ thành phần 20% đậu nành, 60% đậu nành, 100% đậu nành, tôi nghĩ không cách gì giải thích cho ông Juan hiểu sự cầu kỳ và tham lam của chuyện ăn uống đã đi xa đến mức nào. Những người nông dân bình thường như ông không hiểu nổi thế giới đã xoay trở đến một chiều không gian khác, nơi hàng trăm triệu con người đang ăn những thứ mà họ không biết thực ra chúng làm từ gì, với niềm tin tuyệt vọng như tín đồ rằng khi ăn ta có thể cứu thế giới.
Người nông dân không cứu được thế giới bằng đậu nành, CBD, không gluten, không cholesterol. Họ không sở hữu công cụ kỳ ảo thỏa mãn cơn đua đòi thực phẩm. Diễn ngôn mà họ học được trong đời thật đơn giản: trồng xuống một cây cà chua, nhìn trời đất gió mưa, tưới nước và nhổ cỏ, canh sâu bệnh và trồng loài xen canh, đợi cành cứng cáp, đặt giàn đỡ, nhìn chúng trổ hoa và trái đơm tròn. Một nửa của ăn uống là ngắm nhìn và lý giải cách thực phẩm hình thành từ nguyên sơ nhất – một nhúm đất, vài hạt cây, mớ cành giâm mới trổ.
Không sở hữu công nghệ cao siêu và kỹ nghệ chói lòa triết học, ông nông dân như Juan, hay bà má trồng sầu riêng ở miệt Bến Tre không cách gì quảng bá cho thế giới về những món đồ ăn nặng mùi triết học như thế giới kỳ vọng. Họ không thể chích CBD vô sầu riêng, chẳng thể biến đậu nành thành thịt bò, hoặc gỡ gluten khỏi nhúm gạo vừa thu hoạch. Họ không thể xuất hiện trên những kệ hàng siêu thị có giá đắt gấp 20 – 30 lần so với món thực phẩm tươi lành họ trồng tại vườn.
Bao nhiêu người trong chúng ta còn nhớ được, có thời, cà chua không mọc từ bịch nylon và rau cải không cần đeo nhãn giấy theo tiêu chuẩn quốc tế?
Nghịch lý biến người trồng và người ăn thành “thế lực thù địch”. Có lần, một bạn tôi ngờ vực khi cô nghe nói về giá ổi một chị bán hái trong vườn ở Cần Thơ là “sao rẻ vậy, có phun thuốc không?”. Nếu thực phẩm không đắt tiền, chúng mang vẻ ngoài đe dọa mà những người đô thị cẩn trọng và sợ hãi sẽ phải dè chừng. Nếu chúng không gói trên ngực những chuẩn này, mác kia, tiêu chuẩn nọ, chúng rẻ vậy vì phải gánh trên lưng định kiến ác tâm của thành thị: không đạt chuẩn sao mà tin được.
Nhưng có một phần khác của thế giới, nơi những mẩu vườn nhỏ xíu dựa lưng vào thung lũng, sống qua mùa hạ và mùa đông bằng mọi thức đươm lên từ đất, người nông dân như Juan không chất vấn giá trị của nhãn mác, tiêu chuẩn. Sự sống còn mà ông học được từ những tổ tiên người Mapuche giữa núi rừng là thiên nhiên sẽ ban phát cho họ mọi thứ họ cần, và họ chăm sóc thiên nhiên như một nửa cuộc sống. Vậy là đủ để cà chua ra quả, đủ để hành tây phình to, đủ để cà tím trổ bóng lưỡng dưới nắng chiều, khi đàn ong vo ve về tổ. Thiên nhiên không có chỗ cho ngờ vực chen chân và sự ác tâm hẻo lánh.
Những buổi chiều mua rau trái nông trang miền Trung Chile làm kệ hàng lấp lánh trong siêu thị không còn hấp dẫn như thuở ban đầu tôi mới biết đến nữa. Tôi nhận ra loại “siêu thực phẩm” được quảng cáo đầy năng lượng, khoáng chất đã phải bay trên máy bay chở hàng qua đại dương, theo tàu biển vận tải và chạy hàng ngàn cây số trong container đông lạnh và để lại vô số khói thải cho những loài khác hít ngửi ở chân trời. Chúng là tuyên ngôn kệch cỡm của những kẻ yêu môi trường giả hiệu. Làm sao bạn có thể tự huyễn hoặc mình là người yêu môi trường khi xúc một muỗng chia xuất khẩu từ tận châu Phi đến Sài Gòn để thỏa mãn danh hiệu “thân thiện với môi trường” mà bạn kỳ vọng? Làm sao bạn có thể tin một túi “thịt bò đậu nành” làm từ đậu nành GMO thu hoạch ở Ấn Độ, đóng gói ở châu Âu, bay qua ba đại dương, khoác lên người ba lớp nylon và bán ở Mỹ với giá đắt gấp 20 lần một túi đậu nành lại có thể là giải pháp môi trường thay cho thịt bò chứ?
- Xem thêm: Nông trại organic độc đáo ở Đà Lạt
Ở giữa khu vườn gai và đất ẩm lem luốc, tôi giẫm lên cỏ khô để ngửi thấy mùi lá vỡ vụn, ngửi thấy mùi khói đốt vườn, ngửi thấy mùi ớt chuông hăng thơm khi vừa hái xuống. Kết nối với thực phẩm, đối thoại với lý do khiến con người phải ăn, tôi gạt bỏ diễn ngôn đao to búa lớn về đồ ăn trên tạp chí ẩm thực hay kênh truyền hình nấu nướng. Tôi cúi xuống để chạm tay vào một củ khoai tây xù xì bám đất xếp trong kệ xó vườn, và sẽ nhận ra chúng sẽ ngon lành ra sao trên ngọn lửa hồng của bếp nướng cuối ngày, chứ không phải thẳng thớm xếp que trong quầy hàng thức ăn nhanh đầy dầu mỡ.
Hãy thả những hô hào triết học và nhãn mác về ẩm thực xuống, để cắn một quả cà chua tươi rói ngập răng. Bao nhiêu người trong chúng ta còn nhớ được, có thời, cà chua không mọc từ bịch nylon và rau cải không cần đeo nhãn giấy theo tiêu chuẩn quốc tế?