Khi được chọn để trao chiếc cúp Ba chàng ngự lâm cho người chiến thắng vào tối Chủ nhật (7-6), hẳn nhà cựu vô địch Gustavo Kuerten không ngờ rằng quần vợt sân đất nện vẫn có chỗ cho nhà vô địch có cú đánh trái tay cầm vợt một tay đẹp mắt hiệu quả như anh hơn một thập niên trước đây.
Phát biểu trước đó trên Le Monde, Kuerten cho rằng lối chơi ngày nay trở nên nhanh hơn và đó là một trong những lý do khiến các tay vợt không còn dùng đến cú trái tay cầm vợt một tay. Ngoài ra, cầm vợt hai tay đánh trái tay cũng dễ hơn, dù nó không đẹp mắt và cũng không “mướt” bằng. Bi quan hơn, nhà cựu vô địch người Brazil cho rằng trong tương lai sẽ chẳng có tay vợt nào thực hiện cú trái tay cầm vợt một tay. Nhưng ít ra Stan Wawrinka cho thấy cú đánh này chưa rơi vào quên lãng.
Trong trận chung kết Roland Garros gặp Novak Djokovic, Wawrinka chính là người tạo nên sự bùng nổ trên sân bằng lối chơi tấn công quyết liệt. Có lẽ vì được đánh giá là siêu ứng viên nên Djokovic không vượt qua được áp lực thắng trận, chơi không tốt như hai trận thắng Rafael Nadal ở tứ kết (7-5, 6-3, 6-1) và Andy Murray ở bán kết (6-3, 6-3, 5-7, 5-7, 6-1). Có một số thời điểm cả hai tay vợt thi đấu như chơi trò video game bất phân thắng bại, đánh trả rất chuẩn từng đường bóng. Chính vì vậy, sự mạo hiểm của Wawrinka đã được khán giả cổ vũ và tưởng thưởng. Trong 3 giờ 12 phút thi đấu, anh ghi 60 điểm thắng, trong đó có 11 điểm thắng từ cú đánh trái tay và chín lần giao bóng ăn điểm trực tiếp. Toàn trận, anh chuyển hóa thành công bốn trong số 15 cơ hội thắng bàn cầm giao bóng của Djokovic để thắng chung cuộc 4-6, 6-4, 6-3, 6-4. Đây là chiến thắng của sức mạnh (tấn công) trước sự bền bỉ (phòng ngự).
Lần thứ ba thua trận chung kết Roland Garros, Djokovic thừa nhận thất bại vì “đối thủ của tôi đã chơi một thứ quần vợt nổi bật, đầy can đảm. Anh ấy xứng đáng chiến thắng”. Phát biểu trong cuộc họp báo, Djokovic chỉ ra bước ngoặt của trận đấu đến từ bàn cuối ván hai: “Tôi đã có một bàn cầm giao bóng tệ hại lúc tỷ số ván hai là 4-5 vì tôi đã dẫn trước 30-0… Tôi đã cho Stan có khả năng thắng ván này và thế là sự tự tin của anh ấy được củng cố. Stan đã tung ra các cú đánh ghi điểm. Tôi cố gắng bắt kịp trở lại và giành giật điểm từng đường bóng, nhưng đó không phải là ngày (may mắn) của tôi”.
Từng đăng quang Australian Open 2014, nhưng Wawrinka không được xem là ứng viên các giải Grand Slam do phong độ trồi sụt ở tuổi 30. Thậm chí anh mất hút từ đầu mùa giải 2015 cho đến khi đánh bại Nadal ở tứ kết Rome. Tại Paris, Wawrinka lần lượt thắng đồng hương Roger Federer ở tứ kết (6-4, 6-3, 7-6), rồi Jo-Wilfried Tsonga (6-3, 6-7, 7-6, 6-4). Chìa khóa dẫn đến thành công nằm ở khả năng kiên trì chơi tấn công từ cuối sân để dần dần làm chủ nhịp độ trong đôi công. “Mọi thứ quyết định ở 20 hoặc 50cm. Khi tôi đã bước vào trong sân và Novak đứng xa vạch cuối sân, điều đó thay đổi hoàn toàn trận đấu”, Wawrinka nói.
Năm 2003, Wawrinka từng đăng quang giải trẻ Roland Garros. Nhưng phải mất hơn mười năm anh mới có được thay đổi lớn nhất trong sự nghiệp. “Magnus (Norman, huấn luyện viên của Wawrinka) đã truyền đạt cho tôi rất nhiều sự tự tin. Anh ấy nói rằng tôi có thể trở thành số 1 thế giới và đoạt Grand Slam. Từ hai năm nay, tôi đã thay đổi đẳng cấp”, anh nói.
Thật ra, cả Wawrinka, Djokovic lẫn Murray đều xứng đáng đăng quang ở Paris sau khi đã “bước qua xác” Nadal trong mùa giải này. Nhưng một lần nữa, người thắng được Nadal ở Paris lại không phải là nhà vô địch. Trên bảng xếp hạng ATP tuần này, ông vua đất nện rớt xuống hạng 10 (2.930 điểm), trong khi Wawrinka vươn lên vị trí số 4 thế giới (5.835 điểm). Chênh lệch điểm số giữa Federer (số 2 thế giới) và Murray (3) hiện rút xuống còn 2.375 điểm.
Bốn con số của trận chung kết
Kể từ Sergi Bruguera năm 1993, Stan Wawrinka đoạt danh hiệu Roland Garros sau khi đánh bại cả hai tay vợt số 1 và số 2 thế giới. Để thắng Novak Djokovic 4-6, 6-4, 6-3, 6-4 trong trận đấu kéo dài 3 giờ 12 phút, anh đã quyết định chơi tấn công và thoát khỏi nhịp độ áp đặt của đối phương. Sau đây là bốn con số thể hiện điều đó:
76. Đó là tỷ lệ % điểm thắng sau cú giao bóng đầu tiên của Wawrinka. Dù đối diện với 10 nguy cơ thua bàn cầm giao bóng (cứu được tám lần), Wawrinka vẫn biến cú giao bóng thành chủ bài quan trọng nhất.
33. Đó là số lần lên lưới của Wawrinka, đạt tỷ lệ thành công 70%. Không chỉ cạnh tranh bằng sức mạnh với Djokovic, Wawrinka biết rút ngắn đôi công để phá vỡ nhịp độ của đối phương.
60. Tổng số điểm ghi được của Wawrinka trong trận chung kết, nhiều gấp đôi Djokovic (30).
15. Số cơ hội thắng bàn cầm giao bóng của đối phương của Wawrinka (Djokovic chỉ có 10 cơ hội), trong đó anh chuyển hóa thành công bốn lần (27%).
- Huỳnh Quang